Người ta thường nói: “Duy có người phi thường mới làm được việc phi thường”.

Đó là nói về việc làm. Chứ còn lời nói thì tôi thấy như những người thường lại thường nói được những câu phi thường.

Sách Tàu có kể một chuyện:

Một ông vua, trong khi mất nước, chạy trốn có nhờ một người làm nghề giết thịt dê cứu giúp cho làm sao đó, đến sau phục quốc được, ông vua thưởng công cho nhiều người và cũng thưởng đến người làm nghề giết thịt dê ấy. Thế mà người ấy nói rằng: “Đại vương mất nước thì tôi mất nghề giết thịt dê, Đại vương lấy nước lại thì tôi lại làm nghề giết thịt dê, tôi có công gì đâu mà thưởng tôi?”. Nói thế rồi chàng bảy đáp [*] không chịu nhận phần thưởng của mình.

Câu nói phi thường
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Làm tôi nhớ lại câu chuyện xưa ấy là vì tôi mới được nghe một câu chuyện nay của anh chàng bán thịt chó tại Ngã Tư Sở gần Hà Nội. Tôi cho rằng câu nói của anh bán thịt chó nầy với câu nói của người giết thịt dê đó đều là phi thường cả.

Tại chỗ nầy hôm trước, tôi có nhắc đến chuyện quan Võ hiển Hoàng Trọng Phu xin từ chức Tổng đốc Hà Đông.

Vả quan Võ hiển Hoàng làm Tổng đốc Hà Đông đến nay ngót ba mươi năm. Ba mươi năm chuyên làm tổng đốc một tỉnh, là sự xưa nay chưa ai hề có. Tôi không dám nói chắc, chứ có lẽ dân tỉnh Hà Đông cũng chán ngài lắm rồi và mong cho ngài đi đi để ông khác tới thử ra sao. Cái nghề dân thì họ có lòng tham dục vô cùng, dù cho quan Võ hiển là ông quan tốt, họ cũng không khỏi nghĩ như thế.

Ấy vậy mà một bọn quan lại, thân thương, hào phú trong tỉnh Hà Đông nghe được tin ngài từ chức, lại rủ nhau đến cửa quan Võ hiển, năn nỉ xin ngài ở lại. Họ làm như chỉ có quan Võ hiển thì mới làm Tổng đốc Hà Đông được; còn kẻ khác, họ nắm cái ấn tổng đốc tỉnh ấy, họ sẽ đóng lộn đầu đi! Chẳng những thế, mà khi đến van lơn xin ngài ở lại, họ còn nghĩ rằng nếu không có ngài trọng trấn tại đó thì trên quả địa cầu, một cái chấm là tỉnh Hà Đông của họ sẽ sụt xuống thành biển hay sao ấy!

Trong đám thân thương hào phú ắt cũng có người phi thường, sao mà cái việc họ làm chẳng phi thường chút nào? May sao lại có câu nói phi thường ra từ miệng anh bán thịt chó là một người thường!

Người bạn tôi ở Hà Nội vào, nói, một hôm mới rồi có đi ăn thịt chó trong một tiệm ở Ngã Tư Sở. Nhân câu chuyện “ái mộ” trên đó, bạn tôi đem hỏi ý kiến người chủ tiệm thì hắn đáp rằng:

“Tôi biết gì mà hỏi tôi? Ông ấy còn làm Tổng đốc Hà Đông thì tôi cũng vẫn bán thịt chó, mà ông ấy có thôi làm Tổng đốc Hà Đông thì tôi cũng vẫn cứ bán thịt chó. Tôi biết gì mà hỏi tôi?”

Nghe phi thường chưa?

Phi thường lắm. Có lẽ còn hơn “lý luận của tôi” nữa!

BÊ CA

Nguồn: Sông Hương, Huế, s. 27 (6 Fevrier 1937), tr. 2.

Đăng lại từ trang lainguyenan.free.fr
Phần Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1937
Do nhà văn Lại Nguyên Ân sưu tầm

Chú thích:

[*] Bảy đáp: chưa rõ nghĩa; các từ điển từ Việt cổ không có từ này; nhưng trong ngữ cảnh, ta có thể hiểu “bảy đáp” là tên gọi người làm nghề giết mổ súc vật. Phan Khôi đã từng dùng từ “bảy đáp” này khi dịch “Thích khách liệt truyện” của Tư Mã Thiên và chú thích là: “bảy đáp là nghề làm thịt và bán” (xem: Phan Khôi. Tác phẩm đăng báo 1932 / Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn/ Hà Nội: Nxb. Tri thức, tr. 766)