Theo truyền thuyết Á Đông, chim phượng hoàng khi xuất hiện chỉ đậu trên cây ngô đồng. Từ huyền thoại đó người ta xem đây là loài cây của bậc vương giả chỉ được trồng ở những nơi linh thiêng, quyền quý như Hoàng thành và lăng tẩm vua chúa.

Cay Ngo Dong trong van hoa A Dong 01
(Tranh: Philadelphia Museum of Art, Wikipedia, Public Domain)

Khi xưa, vua Phục Hy thấy tinh hoa của năm vì sao rơi xuống cây ngô đồng, chim phượng hoàng liền đến đậu. Vua Phục Hy biết cây là gỗ quí, hấp thụ tinh hoa Trời Ðất, có thể làm đồ nhã nhạc, liền sai người đốn cây xuống, cắt làm ba đoạn để phân Thiên, Ðịa, Nhân. Ðoạn ngọn thì tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá đục mà nặng, duy đoạn giữa thì tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được, liền đem ra giữa dòng sông nước chảy ngâm 72 ngày đêm, rồi lấy lên phơi khô, chọn ngày tốt, thợ khéo Lưu Tử Kỳ chế làm nhạc khí, bắt chước nhạc Cung Dao Trì, đặt tên là Dao cầm. Ngô đồng cũng vì truyền thuyết này mà trở thành loài cây vương giả.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, có hai cây ngô đồng được mang từ Quảng Đông (Trung Hoa) về, vua Minh Mạng đem trồng ở đôi bên góc điện Cần Chánh (Đại Nội). Sau đó, vì say mê loài hoa tuyệt đẹp này mà nhà vua sức cho Bộ Công chọn người thông hiểu cây cỏ mang theo lá cây làm mẫu đi lùng sục khắp vùng rừng núi Trường Sơn tìm bằng được cây bản xứ. Vùng núi Việt Nam bấy giờ cũng có nhiều cây có hình thái giống cây ngô đồng, nên phải rành rẽ về thực vật, hình thái cây, hình thái lá, cấu tạo quả hạt, và màu sắc hoa lắm mới có thể chọn được ngô đồng bản xứ về trồng trong Hoàng thành.

Không những thế, khi cho đúc cửu đỉnh, để “tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại”… nhằm tượng trưng cho đế nghiệp bền vững của nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho chạm khắc trên chiếc đỉnh mang thụy hiệu của mình – tức là Nhân đỉnh – các họa tiết thể hiện cây ngô đồng.

Theo các nhà nghiên cứu thì họa tiết đó chính là hình ảnh cây ngô đồng được trồng ở góc điện Cần Chánh vào lúc cây còn trẻ, lá cây còn ở dạng 5 thùy. Cũng vì lẽ đó, dường như không có một nơi nào ở Việt Nam lại có nhiều cây ngô đồng được trồng hơn là ở xứ Huế; và cũng không nơi nào ở nước ta, người dân quan tâm đến loài cây này hơn là người dân ở vùng đất Cố đô.

Từ những cây ngô đồng đầu tiên đến ngụ cư ở góc điện Cần Chánh trong Đại nội Huế, đã có nhiều cây được nhân ra, được trồng mới ở nhiều lăng tẩm, đền đài. Dưới thời Pháp thuộc, có một cây được trồng ngay lối vào công viên Tứ Tượng trước khách sạn Saigon Morin trên đường Lê Lợi nhưng đã bị cơn lốc năm 1985 quật ngã. Ngày nay cũng ở công viên Tứ Tượng, đã có thêm hai cây được trồng. Tại công viên Thương Bạc, về phía cầu Tràng Tiền có cả một cụm ngô đồng, các cây mới trồng đến nay cũng đã hơn chục năm và đã lần lượt trổ hoa.

梧桐一葉落, Ngô đồng nhất diệp lạc
天下共知秋, Thiên hạ cộng tri thu

Nghĩa là: một chiếc lá ngô đồng rụng là mọi người biết mùa thu đã tới. Khi toàn bộ lá cây lần lượt rụng hết, cũng là lúc cây trổ hoa. Nhưng thời điểm trổ hoa này là ngô đồng Trung Hoa mà thôi, cây trổ vào lập Thu, khoảng tháng 7 – tháng 8 dương lịch, theo âm dương lịch cổ đại của nước này. Còn ngô đồng Huế trổ từ khoảng tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch, lúc này lá đã rụng hết, những chùm hoa bồng bềnh đung đưa theo gió tuyệt đẹp, phối cùng cảnh sắc Hoàng thành cổ kính không gì sánh bằng.

Cây Hoa Ngô Đồng.
Em về xứ Huế đợi ai.
Vào Hoàng Thành đứng miệt mài hả em?
Trăm hoa xõa tóc buông rèm.
Hồng pha sắc tím buồn lên trời chiều.

(Thơ Tuyền Linh)

An Nhiên

Dựa theo bài viết cùng tên trên Sử Văn Các

Xem thêm:

Mời xem video: