Mỗi người sinh ra đều được trời cao phú cho một tư chất khác nhau, một hoàn cảnh sống khác nhau, một số mệnh khác nhau, đều không thể trộn lẫn. Cũng giống như con hạc kia, vốn là giống chân dài, thì người ta không thể gượng ép cắt ngắn cho được…

Ngẫm chuyện "chân hạc dài sao cắt"
(Ảnh minh họa: Oneinchpunch, Shutterstock)

Nguyễn Du từng than trong bài thơ “Tự thán” rằng:

Sống chửa nên danh đã yếu mòn
Phơ phơ tóc bạc gió chiều hôm
Vốn như chân hạc dài sao cắt
Mệnh tựa lông hồng nhẹ biết không
Trời đất phú cho thân lận đận
Xuân thu đem lại mặt già hom
Gió tây thổi bật thân lìa gốc
Phiêu giạt về đâu ngọn cỏ bồng

Trong đó, ý “chân hạc dài sao cắt” là lấy ra từ thiên Biền Mẫu trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử, nguyên văn là: “Phù hĩnh tuy đoản, tục chi tắc ưu; hạc hĩnh tuy trường, đoạn chi tắc bi”, chân vịt tuy ngắn, nối dài thì nó khổ, chân hạc tuy dài, cắt ngắn thì nó sầu.

Vịt là vịt, mà hạc là hạc. Người ta không thể vì chân hạc dài mà ép vịt phải nối chân, cũng không thể lấy chân vịt làm tiêu chuẩn để cắt ngắn chân hạc. Tương tự như thế, dù người khác có tốt đến mấy, chúng ta cũng chỉ có thể học hỏi, chứ không thể biến mình thành họ được. Bởi vì mỗi chúng ta đều là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai.

Nỗi bi ai lớn nhất của đời người chính là lấy cái dở của mình để so sánh với cái giỏi của người khác, đứng núi này trông núi nọ, bị tâm đố kỵ quậy phá khiến ăn không ngon, ngủ không yên. Người thời nay không muốn sống như chính mình, mà lại cứ muốn sống như người khác. Ấy chính là bông hoa mười giờ lại khó chịu với vẻ đẹp của hoa phong lan, mà không biết rằng bản thân mình cũng rất đẹp.

Mọi khía cạnh trong cuộc sống cũng là như vậy. Thế giới này vốn không ai giống ai, không thứ gì giống thứ gì, ước muốn ai ai cũng như nhau chỉ là lao xuống “tìm trăng trong nước”, tìm không được mà lại ngoi ngóp dưới bùn lầy. Ví như nghề nghiệp nào, giai tầng nào cũng có cái đẹp riêng. Người ta không thể coi thường bất kỳ nghề nghiệp chân chính nào, cho dù đó có là nghề nghiệp nặng nhọc nhất, vất vả nhất, hay có thu nhập thấp nhất. Thành phố có thể vắng bóng dáng các cô lao công gom rác mỗi ngày không? Cũng như vậy, người tỉnh táo sẽ không để bản thân mờ mịt trước vẻ hào nhoáng của danh vọng và quyền lực.

Cuộc đời ngắn ngủi này cũng giống như một vở kịch, lấy trời làm màn, lấy đất làm sân khấu. Người vào vai nhân viên, thì cần thực hiện tốt công tác của mình. Người vào vai nhà giáo, thì cần dạy dỗ học sinh cho giỏi. Người vào vai quan lại, thì cần làm tốt chức trách. Vai diễn nào thì cũng cần nhập tâm, hễ tận tụy thì sẽ diễn được tốt, hễ không làm rơi mất lương tri thì hạnh phúc sẽ gõ cửa.

Đời người như giấc mộng, giấc mộng như đời người, cũng giống như Lư Sinh mơ giấc “hoàng lương mộng”, thấy mình trở thành rường cột quốc gia, trải qua bao nhiêu khó nhọc trong đời rồi lại bị xử chém, giật mình tỉnh dậy mới hiểu rằng hết thảy vinh hoa chỉ như một cơn gió thoảng. Từ Thức vào động gặp tiên, không muốn ở lại mà lại cứ lưu luyến chốn phàm trần, trở ra thì vật đổi sao dời, thời gian cách mấy trăm năm, muốn quay lại thì tiên phàm đã cách biệt.

Lại nói khi người ta về già rồi, thì nghe câu “chân hạc dài sao cắt” cũng sẽ có một cảm giác khác, cũng giống như Nguyễn Du của “Tự thán” vậy. Lúc ấy xem sinh mệnh bản thân “nhẹ tựa lông hồng”, tự mình biết phận, cũng chẳng thiết, chẳng cần tranh đấu ngược xuôi. Khi đó người ta lại mới càng thấm thía cái lẽ nhân sinh, càng cảm thấy rằng đời người như giấc mộng, giấc mộng như đời người.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: