Cuộc bàn luận về ChatGPT của người Việt đang trở nên khá sôi nổi và ngày càng lôi cuốn nhiều người tò mò.

Tôi là một người học khối C, mù toán và khoa học tự nhiên nhưng sau một hồi đọc và quan sát thì thấy có vẻ như ChatGPT đưa ra các câu trả lời dựa trên các thông tin nguyên liệu được con người tạo ra sẵn trước đó được lưu trữ trên internet (hoặc cả từ kho dữ liệu nào đó nó được tiếp cận riêng).

Với cách đó, những chủ đề nào mà có nhiều người đã viết, đã bàn luận, đã công bố rộng rãi thì có vẻ như nó trả lời trơn tru, đưa ra được thông tin hợp lý. Ngược lại, với những chủ đề nào không có thông tin tích lũy nó trở nên ngô nghê, ngớ ngẩn và mù quáng.

Nó giống như một anh đầy tớ mẫn cán thi thoảng nói được vài câu hay cỡ trung bình.

Điều này có thể thẩm định ở một góc độ khác là khi hỏi nó bằng tiếng Anh nó trả lời trơn tru, tốt hơn tiếng Việt! Lý do thì có thể có một, hai, ba nhưng có lẽ lý do chủ yếu là dữ liệu mà nó có thể tiếp cận, thu thập và chế biến được viết bằng tiếng Anh phong phú hơn rất nhiều so với dữ liệu tiếng Việt.

Không có nước lã nó không vã được nên hồ.

Vấn đề này làm cho tôi giật mình khi nhớ tới cảnh báo sâu sắc của các trí thức đầu thế kỉ 20 như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Triệu Luật.

Khi nhận ra vai trò của chữ Quốc ngữ và nỗ lực truyền bá nó, các ông đã sớm nhận ra một vấn đề: nước Việt có chữ quốc ngữ mà chưa có quốc văn – tức là thiếu các tác phẩm văn chương, học thuật, phổ biến tri thức viết bằng chữ quốc ngữ. Thế nên khi người Pháp cho phép người Nam soạn sách, tìm sách tiếng Việt dạy trẻ con, người Việt ở trong tình trạng trắng tay. Ông Nguyễn Văn Vĩnh phải cay đắng thốt lên rằng nước Nam có biết bao nhiêu tú, cử, thám, trạng mà sờ đến sách vở dù chỉ là sách vở cho trẻ con học thôi cũng… chẳng có. Ông Phạm Quỳnh thì cho rằng quốc văn buổi đầu còn sơ khai, chập chững nhưng rồi nếu người Nam cố gắng viết thì dần dần sẽ khá.

Các ông đều phản bác mạnh mẽ chuyện mấy ông Tây học kêu gọi bỏ tiếng Việt mà dùng tiếng Pháp vì tiếng Việt nghèo quá, tiếng Việt ủy mị quá, dễ dãi quá, quê mùa quá khó có thể diễn tả được triết học, khoa học, văn chương… Theo các ông tiếng Việt nghèo bởi chính những ông “Tây học” đó lười không chịu sáng tạo nội dung cho tiếng Việt.

Đấy là một cảnh báo đúng đắn!

Nhìn vào tình hình hiện nay trong xuất bản, cuộc sống hàng ngày, giáo dục và trên mạng ta thấy điều các ông nói đúng. Chất lượng của tiếng Việt ở đó chưa ổn thậm chí ở nhiều nơi còn nghèo nàn. Ai sẽ là người tạo ra nội dung cho tiếng Việt?

Một vấn đề nữa đặt ra khi quan sát cách thức Chat GPT hoạt động và cách thức con người dùng nó là chuyện tiếp nhận, phê phán, xử lý, lựa chọn thông tin.

Rồi đây học sinh, người dùng internet sẽ dùng nó để tìm kiếm các câu trả lời, các thắc mắc, giải quyết các bài tập của giáo viên. Sẽ có kết quả!

Vấn đề nằm ở chỗ chẳng phải ai khác chính là con người phải tiếp nhận, xử lý, đánh giá kết quả đó. Nó có hay không? Nó có logic không? Nó có hợp lý không? Nó có tính đạo đức không?

Muốn giải đáp các câu hỏi này con người lại phải có trí tuệ, năng lực tư duy và nhân tính. Không thể hỏi lại Chat GPT để nó tự đánh giá câu trả lời mà nó vừa đưa ra. Đấy là một… sự bế tắc rất hợp lý.

Như vậy, ChatGPT có thông minh cỡ nào, cá nhân vẫn phải học, đọc, trải nghiệm để trở thành người có trí tuệ và sâu sắc. Giáo viên vẫn phải là “thầy” của máy. Đấy là một thử thách chẳng có gì mới vì bản chất con người hay bản chất của nghề giáo viên xưa nay vẫn vậy.

KHÔNG CẨN THẬN RỒI ĐÂY TA SẼ CÓ CÁC THẾ HỆ KHÔNG NHỮNG KHÔNG ĐƯA RA ĐƯỢC CÂU TRẢ LỜI TỐT NHƯ MÁY MÀ CÒN KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG ĐÁNH GIÁ CÂU TRẢ LỜI CỦA MÁY.

Nó cũng tương tự chuyện internet, máy tính bùng nổ, phổ cập ở Việt Nam vừa tạo ra cơ hội vừa làm tăng nguy cơ cho văn hóa vậy. Lý do vì trong khi các nước khác đã có văn hóa đọc thuần thục qua mấy trăm năm phát triển của máy in chữ rời, sự phát triển của đô thị và các nhà xuất bản mới bước vào kỉ nguyên nghe nhìn, văn hóa đại chúng và internet.

Ở ta thì “đụp một cái” bước ngay vào kỉ nguyên của tivi và sau đó là internet, điện thoại thông minh. Vì thế người dùng đa số là những người “thiếu nền tảng căn bản”. Họ chết ngập trong thông tin vì không có nền tảng để lựa chọn, phê phán, thưởng thức, sử dụng và sáng tạo.

Nếu chỉ biết dò tìm thông tin nguồn, sơ chế rồi đưa ra kết quả không đánh giá được đúng, sai, hợp lý, bất hợp lý, sáng tạo hay không, có tính đạo đức hay không thì CHẮC CHẮN MÁY SẼ LÀM TỐT HƠN NGƯỜI.

P.s. Có một phép thử rất thú vị mà tôi quan sát thấy thế này. Người Việt rất thích thơ và hay làm thơ. Dữ liệu về thơ bằng tiếng Việt rất phong phú. Chính vì thế khi thử thách ChatGPT làm thơ, nó làm khá tốt. Hơn hẳn những ai không biết làm thơ hoặc các thi sĩ rởm háo danh. Đặc biệt đối với các thể thơ truyền thống của người Việt nó làm tốt lạ thường. Điều đó có nghĩa là dữ liệu tiếng Việt về nó rất phong phú nên nó có “bột” để “gột thành hồ”. Sắp tới đến ngày thơ sẽ có rất nhiều thơ được đọc to và thả. Sẽ rất thú vị nếu ta lấy chủ đề – đề tài của các bài thơ của các thi sĩ đương đại đó cho ChatGPT làm và thưởng thức hai phiên bản.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: