Nếu bạn là người thích quan sát, bạn sẽ thấy một hiện tượng rất thú vị trong đời sống xã hội nước ta. Ấy là mỗi khi có một vụ tai nạn thương tâm nào xảy ra đối với trẻ em, truyền thông và người dùng mạng xã hội sẽ đưa các thông tin dày đặc về các “kỹ năng thoát hiểm”, “kỹ năng sống” với niềm tin rằng chỉ cần lĩnh hội được những cái đó, trẻ em sẽ được an toàn.

Dạy thứ thuật giả kim?

Nhìn xa hơn một chút, trong khoảng 10 – 15 năm trở lại đây, trường học đang dần biến thành trung tâm luyện thi, các trung tâm dạy kỹ năng sống, các khoá học dạy kỹ năng sống cho trẻ em mọc lên như nấm sau mưa và khuếch trương mạnh mẽ tầm ảnh hưởng của mình. Rất nhiều phụ huynh đã đóng những khoản tiền lớn cho con tham gia các khoá học kỹ năng sống ở trung tâm, hoặc ở trường, khi trung tâm liên kết với trường tổ chức các khoá đào tạo.

Trong xã hội dân chủ, văn minh với giáo dục hiện đại, các nhân tố ngoài giáo dục công tham gia vào giáo dục là điều tất yếu, cần thiết và cần được khuyến khích. Hệ thống trường tư, các trung tâm giáo dục, trung tâm đào tạo tư nhân phục vụ nhu cầu đa dạng, phong phú, có tính cá biệt hoá cao, sẽ giúp khắc phục các điểm yếu của giáo dục trường học công và phục vụ thiết thực nhu cầu đào tạo nhân tài, nhu cầu phát triển toàn diện của học sinh. Pháp luật Việt Nam và các thiết chế dưới luật cần phải đảm bảo và thúc đẩy vai trò này.

Tuy nhiên, trên thực tế, do thiếu các nghiên cứu đầy đủ, thận trọng và sự chuyên nghiệp, tận tâm của nhiều người làm giáo dục hoặc “dưới danh nghĩa làm giáo dục”, giáo dục “kỹ năng sống” đã trở thành một thứ giống như “thuật giả kim”, trong khi người dân mong muốn sản phẩm mà nó tạo ra phải là vàng ròng thật sự.

Đành rằng “kỹ năng”, “kỹ thuật” là những thứ có thể có được nhờ vào tập luyện, học hỏi theo một quy trình chỉ dẫn nhất định, tuy nhiên nó chỉ có thể trở thành kỹ năng hữu ích thực thụ khi cá nhân học đủ để nó trở thành thành thạo. Muốn có kỹ năng thành thạo thì kỹ năng đó phải được lặp đi lặp lại thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, hoặc ít nhất cũng phải được lặp đi lặp lại trong một thời gian dài.Tuy nhiên, ở các khoá học kỹ năng sống hiện nay, học viên được học trong một thời gian rất ngắn. Kỳ vọng con tham gia một khoá học ngắn về kỹ năng để có được kỹ năng trong đời sống, là ảo tưởng.

Thứ nữa, ở Việt Nam kỹ năng sống thường được các trường, các trung tâm hiểu một cách rất hẹp, bó gọn trong các “kỹ năng sinh tồn”, như thoát hiểm khi bị khoá trong xe hơi, thoát hiểm khi bị kẹt cầu thang, tìm đường khi bị lạc trong rừng, kỹ năng chống đuối nước… Trong khi về bản chất, kỹ năng sống có phạm vi bao trùm rộng lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực đời sống, và có mối quan hệ hữu cơ gắn bó với nhau. Xét ở nghĩa rộng, kỹ năng sống chính là “kỹ năng xã hội” hay đúng hơn là “kinh nghiệm xã hội”. Như vậy, đương nhiên, muốn có được kỹ năng sống tốt, nền tảng cần có của học sinh phải là “giá trị sống”, “mục đích sống”, “lẽ sống”

Giáo dục đời sống ở Nhật

Khác với giáo dục Việt Nam hiện tại, khi trường học chỉ tập trung vào truyền tải tri thức các môn giáo khoa cho học sinh lĩnh hội để vượt qua các kỳ thi; giáo dục ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản còn chú ý đến “giáo dục đời sống”, bên cạnh giáo dục khoa học, giáo dục đạo đức, giáo dục thể chất.

Giáo dục đời sống có triết lý hướng đến tạo ra người công dân có khả năng vừa thích nghi với xã hội, mà học sinh là thành viên vừa có ý chí và năng lực cải tạo không ngừng xã hội đó, để làm cho nó ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Ở Nhật Bản, nội dung giáo dục này được thực hiện qua tất cả các môn học, tuy nhiên trọng tâm sẽ là các môn học như “Đời sống” (lớp 1, 2), “Gia đình” (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), “Xã hội” (cả ba cấp học), “Công dân”, “Xã hội hiện đại” (trung học cơ sở, trung học phổ thông)… Ở đó nội dung chương trình sẽ không chỉ là kỹ năng thuần tuý, mà còn là sự hiểu biết khoa học về xã hội mà học sinh là thành viên bao gồm cả gia đình, xã hội địa phương (làng, phố), và quốc gia. Nó cũng bao gồm cả hệ giá trị quan mà học sinh cần phải có để phân biệt thế nào là đúng – sai, chính nghĩa – phi nghĩa, hợp lý – bất hợp lý, cần thiết – không cần thiết, tự do – mất tự do… Các kỹ năng sẽ không thể hình thành, hoặc cho dù có hình thành cũng trở nên vô dụng, khi cá nhân mất đi khả năng phán đoán và đưa ra quyết định hợp lý. Điều này tương tự như chuyện một người biết bơi ngã xuống sông không chìm, nhưng không có khả năng xác định phương hướng xem nên bơi về hướng nào. Nội dung giáo dục đời sống này được thực hiện xuyên suốt trong cả ba cấp học với triết lý thống nhất.

Năng lực sống

Từ quãng những năm 90 của thế kỷ trước, khi nhận thấy xã hội Nhật Bản và thế giới biến chuyển quá nhanh, khiến cho trẻ em khó thích nghi và vấp phải khủng hoảng, bộ Giáo dục, văn hoá, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản trong chương trình giáo dục mới đã xác định “Năng lực sống” là năng lực trọng tâm mà giáo dục phổ thông cần hình thành cho trẻ, thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục và môi trường trường học (chương trình tàng ẩn). “Năng lực sống” ở đây được định nghĩa là năng lực ứng phó linh hoạt với sự biến đổi của môi trường xã hội, năng lực tự mình phát hiện vấn đề, tự mình học hỏi, tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin và tự mình chủ động tìm cách giải quyết (bao gồm cả hợp tác với người khác). Xem xét chương trình và các thực tiễn giáo dục của người Nhật sẽ thấy “kỹ năng sống” theo cách hiểu của người Việt chỉ là một phần nhỏ nằm trong “năng lực sống” – xương sống của “giáo dục đời sống”. Giáo dục đời sống hướng đến hình thành một người công dân tốt, có tư duy độc lập, biết cách làm cho đời sống của bản thân và xã hội tốt lên không ngừng, thay vì nhấn mạnh các cá nhân có “kỹ năng” thoát ra khỏi các hoàn cảnh có tính chất cá nhân.

Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam, chúng ta dễ nhận thấy ở đây “giáo dục đời sống” là thuật ngữ rất xa lạ ngay cả với giới làm giáo dục. Nếu quan sát đời sống trường học của học sinh chúng ta sẽ thấy thất vọng khi nội dung này bị gạt ra bên lề, nhất là từ bậc học tiểu học trở đi. Những giá trị, kỹ năng, cảm quan để cá nhân sống như một người công dân bình thường, có phẩm cách và năng lực công dân đã bị loại bỏ một cách không thương tiếc, nhường chỗ cho các nội dung trực tiếp phục vụ cho thi cử. Những học sinh học giỏi nhưng vấp ngã hay hoang mang trên đường đời, hay dễ thấy hơn là sống kiểu “công tử bột” hay “gà công nghiệp”, vô cảm với thời cuộc, với các vấn đề xã hội mà mình là thành viên, là minh chứng dễ thấy cho điều đó.

Cha mẹ cần thay đổi nhận thức về chuyện giáo dục kỹ năng sống. Không nên quá nhấn mạnh kỹ năng cá nhân mà quên đi câu chuyện cải tạo xã hội, vì các bài toán cá nhân cho dù được giải rất hay rồi sẽ trở nên bất lực, nếu bài toán xã hội không được giải quyết cơ bản. Hơn nữa cần tỉnh táo nhận ra rằng kỹ năng chỉ có thể được hình thành và duy trì dựa trên một nền tảng cơ bản, bao gồm cả môi trường, lối sống xung quanh và các phẩm chất, hiểu biết, hệ thống giá trị quan, giá trị sống của học sinh. Khi không suy nghĩ và giải đáp được chuyện “Sống để làm gì?”, thì về mặt triết học con người sẽ không thể biết “sống như thế nào?”. Các câu chuyện trong thực tiễn với sự phong phú vô cùng của nó bày ra xung quanh chúng ta, sẽ dễ dàng chứng minh cho điều đó.

Cha mẹ, thầy cô cũng cần phải hiểu, ngay cả chỉ giới hạn trong việc huấn luyện kỹ năng, thì kỹ năng đó cũng chỉ có thể hình thành và trở nên vững chắc khi được rèn luyện liên tục, bền bỉ trong một thời gian dài tương đối. Hãy nhớ lại bản thân mình đã tập bơi hay dạy con tập bơi, đi bộ như thế nào thì rõ. Đó không phải là câu chuyện chỉ vài tiếng, vài ngày. Nó là câu chuyên bền bỉ liên tục. Xét ở góc độ này, cách dạy kỹ năng hiệu quả nhất là biến quy trình huấn luyện kỹ năng đó thành sinh hoạt thường ngày của trẻ em. Trong cuộc sống thường ngày, cha mẹ hãy chú ý và dẫn dắt con học hỏi các kỹ năng xã hội, trong đó có kỹ năng sinh tồn.

Đối với trường học, các trường, các giáo viên cần phải học hỏi, nghiên cứu để đưa giáo dục đời sống vào trong trường học. Trường học đang dần biến thành trung tâm luyện thi, là xu hướng đang ngày càng rõ nét. Đấy là một cách nhanh nhất để làm mất giá trường học và tạo ra những con người không hữu ích cho cuộc sống, cũng như không biết sống như một người bình thường. Đấy cũng là một nguy cơ lớn ngăn cản việc xây dựng một xã hội văn minh dựa trên sự giác ngộ, đóng góp và dấn thân của từng công dân hiện đại.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Bài đã đăng trên báo Thế Giới Hội Nhập

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: