Thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương trong lịch sử là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều danh nhân gắn bó. Những cái tên nổi bật nhất có thể kể tới như Trần Quốc Tuấn, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi… Côn Sơn, Kiếp Bạc cũng là nơi sơn thủy hữu tình thu hút nhiều danh nhân đến cư ngụ sau khi rời khỏi chốn quan trường. Vùng đất này cũng nổi tiếng với “Chí Linh bát cổ”, 8 địa danh lịch sử đáng chú ý được ghi nhận vào thế kỷ 18.

Chí Linh bát cổ: 8 chứng tích lịch sử của vùng đất địa linh nhân kiệt
Thượng Tể cổ trạch, một trong Chí Linh bát cổ. (Ảnh: Chilinhquetoi.com)

1. Trạng Nguyên cổ đường

Mạc Đĩnh Chi là Trạng nguyên nổi tiếng nước ta, làm quan đến chức Tả bộc xạ, Nhập nội hành khiển, tương đương với Tể tướng đầu triều. Ông đi sứ nhà Nguyên lập công lớn, được phong là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Ông làm quan thẳng thắn lại liêm khiết, là niềm tự hào, tấm gương sáng của người Việt.

Trạng Nguyên cổ đường là trường học cổ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Sau khi rời khỏi quan trường, Mạc Đĩnh Chi hồi hương, mở trường học ở gò Hạc, thuộc thôn Linh Khê, xã Thanh Quang ngày nay. Vào thế kỷ 18, Trạng Nguyên cổ đường được xếp thứ nhất trong Chí Linh bát cổ.

2. Tiều Ẩn cổ bích

Thời vua Trần Dụ Tông, nhà Trần đến hồi suy, vua đánh sưu cao thuế nặng nhằm có tiền xây cung điện lầu các, ăn chơi xa xỉ, chỉ trọng dụng nịnh thần.

Trước thực trạng đó Chu Văn An đã dâng tấu khuyên vua nhưng không được. “Thất trảm sớ” xin chém ngay 7 tên gian thần nịnh tặc nhưng vua không nghe. Nhận thấy nhà Trần suy vi mà mình không giúp được gì, Chu Văn An từ quan.

Chu Văn An chọn khu vực núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) để dạy học đến khi mất, lấy hiệu là “Tiều Củi”, tức người lấy củi ở ẩn. Sau khi ông mất học trò cùng dân chúng mai táng trên núi Phượng Hoàng.

“Tiều Ẩn cổ bích” là bức tường cổ bao quanh nhà của Chu Văn An, trở thành cảnh đẹp linh thiêng, là niềm tự hào của người Hải Dương.

3. Dược Lĩnh cổ viên

Dược Lĩnh cổ viên tức là khu vườn cổ trên núi thuốc. Địa danh này gắn liền với câu chuyện còn lưu truyền về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Sau khi đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3, Hưng Đạo Vương từ chối cuộc sống vinh hoa chốn Kinh thành, chọn cuộc sống dân dã ở Vạn Kiếp (nay là Vạn An, Chí Linh), mà trung tâm là Kiếp Bạc.

Vạn Kiếp là nơi giao nhau giữa sông Cầu, sông Thương, sông Đuống, sông Kinh Thầy với sông Thái Bình. Trước đây quân Nguyên Mông muốn đến Kinh thành Thăng Long phải đi qua khu vực này.

Theo truyền thuyết từ dân gian, Hưng Đạo Vương cho tuyển quân, dựng thành trì nhằm củng cố Vạn Kiếp che chắn cho Kinh thành Thăng Long. Trong quá trình luyện quân, nhiều binh lính đau ốm, nhưng thuốc men khan hiếm.

Một đêm khi đang ngủ, Hưng Đạo Vương mơ thấy Tiên Ông xưng là Dược Linh, biết Vương cần thuốc cho binh lính nên tặng cho túi cói, Hưng Đại Vương cảm ơn rồi nhận túi cói.

Hôm sau Hưng Đạo Vương tỉnh dậy rồi lên ngựa trở về Thái ấp, khi đi ngang qua một quả đồi, con ngựa bỗng hí vang mà chẳng chịu đi. Biết có sự lạ, Hưng Đạo Vương xuống ngựa xem xét thì thấy nơi đây có những cây thuốc giống hệt Tiên Ông đã trao cho mình trong giấc mộng.

Hưng Đạo Vương lập tức cho người mang cây thuốc trồng khắp núi. Binh lính nhờ có thuốc này mà khỏi bệnh. Từ đó nơi này được gọi là Dược Lĩnh cổ viên, trên núi có đền thờ Hưng Đạo Vương và Tiên Ông.

4. Nhạn Loan cổ độ

Nhạn Loan cổ độ nghĩa là bến đò cổ Nhạn Loan, nay thuộc xã Nhân Huệ, Chí Linh. Nơi đây là điểm cuối của Lục Đầu Giang (chỗ hợp lưu của sáu dòng sông Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình).

Xưa kia có rất nhiều chim Nhạn bay lượn tại đây, chính là như câu cổ ngữ “đất lành chim đậu”. Theo “Chí Linh Phong Vật Chí” thì xưa kia khi An Dương Vương bị quân của Trọng Thủy truy đuổi đã chạy qua bến sông này.

Ở gần bến sông này là bến Bình Than. Vào năm 1282, vua Trần Nhân Tông đã mở hội nghị Bình Than để bàn kế chống đại quân Mông Cổ. Trần Quốc Toản vì mới 16 tuổi còn nhỏ không được tham dự, đã bóp nát quả cam trên tay lúc nào không hay. Đây cũng là câu chuyện nổi tiếng.

5. Thượng Tể cổ trạch

Thượng Tể cổ trạch là ngôi nhà của Trần Quốc Chẩn. Ông là em vua Trần Anh Tông, là chú của vua đương triều lúc bấy giờ là Trần Minh Tông. Trần Quốc Chẩn được phong làm Nhập nội Quốc phụ Thái tể, tức quan đầu Triều, có Thái ấp ở Kiệt Đặc (thuộc Chí Linh) rộng 72 mẫu.

Sau này Trần Quốc Chẩn bị vu oan, vua Minh Tông tin lời liền bắt giam ông lại, sau đó bỏ đói đến chết. Khi vụ án được sáng tỏ, vua Minh Tông ăn năn, cho lập bàn thờ bên tả ngạn sông Kinh Thầy.

6. Chí Linh cổ thành

Chí Linh cổ thành còn được gọi là Phao Sơn cổ thành. Thành này được xây dựng vào thời nhà Trần. Đến thời nhà Mạc vào thế kỷ 16, Phao Sơn cổ thành được tu sửa để trấn giữ khu vực Đông Bắc Thăng Long và vùng rừng núi Chí Linh – Đông Triều. Thời thuộc Pháp, người Pháp biến nơi đây thành trường sĩ quan, xây dựng thêm các đồn bốt xung quanh.

Đến năm 1980 thì Thành Cổ bị phá hoàn toàn để làm Nhiệt điện Phả Lại.

7. Vân Tiên cổ động

Vân Tiên cổ động còn được gọi là Huyền Thiên cổ tự. Đây là ngôi chùa nổi tiếng thời Lý – Trần thuộc làng Kiệt Đặc. Trong chùa có Vân Tiên cổ động tức động của tiên ở. Dân gian kể rằng thiền sư Huyền Thiên đã từng tu luyện ở đây.

Tiếc rằng đến nay ngôi chùa này đã mất, chỉ còn lại một ngôi tháp. Gần đây dân địa phương đã xây một ngôi chùa nhỏ với hy vọng bảo tồn được ký ức lịch sử về một trong Chí Linh bát cổ.

8. Tinh Phi cổ tháp

Đây là Tháp thờ bà Nguyễn Thị Duệ, nữ Trạng nguyên duy nhất trong sử Việt. Bà Nguyễn Thị Duệ sinh năm 1574 ở làng Kiệt Đặc, mới lên 4 tuổi bà đã biết viết chữ, đọc văn thơ, gần xa đều biết tiếng. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì “bà thông minh hơn người, học rộng hay chữ, hơn 10 tuổi giả làm con trai, theo thầy học tập”.

Năm 1592, Trịnh Tùng đưa quân tiến đánh Hải Dương, nhà Mạc thua trận. Nguyễn Thị Duệ cùng gia đình theo dòng người chạy lên Cao Bằng theo nhà Mạc.

Tại Cao Bằng, Nguyễn Thị Duệ theo thầy học, đến khoa thi năm 1594, bà giả trai đăng ký dự thi và đỗ Trạng nguyên khi 20 tuổi.

Sau đó vua Mạc Kính Cung biết được bà là nữ giả trai, Vua không trách mà còn khen ngợi, bà được mời vào cung để làm thầy dạy cho các phi tần của Vua, ban hiệu là “Lễ nghi cố vấn”, rồi sau đó được tuyển làm Tinh Phi. Dân gian quen gọi bà là “Bà Chúa Sao”.

Sau đó quân Trịnh tiến đánh Cao Bằng, Nguyễn Thị Duệ bị bắt. Bà lại được nhà Trịnh phong làm Nghi Ái Quan, cho phép được chấm các bài thi Hội, thi Đình. Bà có công lớn trong việc khuyến học trong thời gian này.

Sau khi mất, mộ của bà được mai táng trong một quách đá sa thạch, cạnh mộ tổ. Trên mộ xây một ngôi tháp đất nung nhiều tầng, từ xa đã nhìn rõ mầu hồng rực rỡ. Tháp nay được gọi là “Tinh Phi cổ tháp”, khắc mười chữ Hán “Lễ sư sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương”.

Di tích này đến thế kỷ 19 thì bị tàn phá. Năm 2008, khu di tích được tôn tạo thành một ngôi đền thờ nữ Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: