Nho gia giảng: “Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn”, cũng nói: “Bậc quân tử không tranh giành”. Đạo gia giảng: “Thiên Đạo không tranh mà Thiện thắng, không nói mà Thiện ứng”. Đây đều là giảng về Đạo “Nhẫn”. Người nhẫn nhịn thường kín đáo, trí tuệ rộng lớn, biết nhìn xa trông rộng. Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn thì đều có khả năng nhẫn nại, khả năng nhẫn nại lớn đến đâu thì làm được việc lớn đến đó. Trong lịch sử còn lưu lại nhiều câu chuyện nhờ có Nhẫn mà làm nên đại sự.

Vài sử liệu về chuyện người có tâm Đại Nhẫn thành tựu việc to lớn
(Ảnh minh họa: Trí Thức VN)

Trần Quốc Tuấn nhẫn nhịn cho đại sự

Năm 1277 đến 1281, nhà Trần có một số biến động. Thượng hoàng Trần Thái Tông mất, vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con là Trần Nhân Tông. Nhà Nguyên sai Lễ bộ thượng thư là Sài Thung cùng ngàn quân hộ tống sang sứ nước ta.

Sài Thung đến kinh thành nghênh mặt kiêu ngạo, cưỡi ngựa thẳng vào cửa Dương Minh. Bị quân lính ngăn cản, Sài Thung không xuống ngựa mà còn dùng roi ngựa đánh thẳng vào mặt quân lính khiến họ bị thương ở đầu. Sài Thung trách vua Trần lên ngôi nhưng không sang thiên triều để chầu, yêu cầu vua Trần phải đích thân chầu và triều cống.

Vua sai Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp Thung, nhưng Sài Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, Thung cũng không dậy tiếp.

Biết tin, Trần Quốc Tuấn xin vua tiếp sứ quân Nguyên. Khi Quốc Tuấn đến, Sài Thung liền vái chào rồi mời ngồi dùng trà. Thì ra Quốc Tuấn đã gọt đầu, ăn mặc giả làm nhà sư Tàu, khiến Sài Thung phải tiếp.

Khi tiếp kiến Quốc Tuấn, Sài Thung biết người đối diện mình là ai, liền đưa mắt ra hiệu cho lính hầu. Lính hầu hiểu ý liền từ đằng sau lấy mũi tên đâm vào đầu Trần Quốc Tuấn đến chảy máu, thế nhưng ông vẫn nhẫn chịu, điềm nhiên nói chuyện như không có gì xảy ra.

Dù rất đau nhưng do Đại Việt đang ở thế yếu, Trần Quốc Tuấn chủ động hòa hoãn, nhằm trì hoãn cuộc chiến tranh với nhà Nguyên, để Đại Việt có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng. Nhờ đó phải đến 4 năm sau, quân Nguyên mới đem binh sang xâm lược đại Việt, lúc đó lực lượng quân ta đã mạnh hơn, đủ sức chống giặc.

Trước đây, thái sư Trần Thủ Độ từng ép vua Trần Thái Tông phải lấy chị dâu đang mang thai. Đây chính là vợ của An Sinh Vương Trần Liễu, cha của Trần Quốc Tuấn. Vì mối tư thù này, Trần Liễu từng dẫn quân làm phản, sau được tha. Đến cuối đời, ông dặn Trần Quốc Tuấn: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”

Khi 50 vạn đại quân Nguyên tiến đánh nước ta, vận nước rối ren. Trần Quốc Tuấn vốn có thể nhân cơ hội này trả thù xưa, hợp tác với quân Nguyên để bán nước. Thế nhưng Trần Quốc Tuấn không vì tư thù mà làm hỏng việc nước, thậm chí không nhắc lại, quyết tâm lo cho an nguy của xã tắc.

Chính vì có tâm Đại Nhẫn như vậy, Trần Quốc Tuấn mới làm được việc lớn, làm Quốc Công Tiết Chế tổng chỉ huy quân đội, đánh với quân Nguyên Mông 2 lần, lần nào cũng giành đại thắng.

Tư Mã Ý nhẫn nhục ngăn Gia Cát Lượng

Theo sử sách ghi lại, lần cuối cùng Gia Cát Lượng đưa quân ra Kỳ Sơn phạt Ngụy, Tư Mã Ý hiểu rõ quân Thục thiếu lương, nên lựa chọn kế không đánh mà thắng.

Gia Cát Lượng đưa quân đến khiêu chiến, dùng đủ mọi cách khiêu khích, hạ nhục, đến chửi mắng quân Ngụy, nhiều tướng Ngụy không sao chịu nhục được, muốn quyết một phen đánh với quân Thục, nhưng Tư Mã Ý không đồng ý và quyết thủ trong thành.

Thấy mắng nhiếc không có tác dụng, Gia Cát Lượng mang khăn, yếm, cùng bộ đồ đàn bà rồi cho người đưa sang tặng cho Tư Mã Ý kèm theo lời nhắn: “Trọng Đạt chui rúc trong thành không dám ra nghênh chiến, thì có khác chi đàn bà, nếu muốn xưng danh là người quân tử và còn biết liêm sỉ, thì hãy ra ngoài thành đọ tài cao thấp, nếu không thì hãy mặc bộ quần áo này vào.”

Người xưa có câu: “Sĩ khả sát, bất khả nhục”. Tư Mã Ý có thể chịu nhẫn nhục thêm, nhưng các tướng sĩ khác không sao chịu nhục thêm được, bất chấp quân lệnh muốn ra trận ngay.

Để kìm hãm tướng lĩnh, Tư Mã Ý viết thư cho vua Tào Duệ xin ra đánh. Tào Duệ biết ý của Tư Mã Ý nên cho Tân Tì ra khuyên sĩ tốt giữ bình tĩnh. Tư Mã Ý có được lệnh của vua, vì vậy cứ đóng chặt cửa thành không ra.

Sau đó Gia Cát Lượng gặp bệnh mà mất, quân Thục phải rút về. Tư Mã Ý đã dùng sự Nhẫn nhịn to lớn của mình mà đẩy lui được đại quân của Gia Cát Lượng.

Lý Mục dùng Đại Nhẫn đánh bại đại quân Hung Nô

Lý Mục là danh tướng nước Triệu thời Chiến Quốc. Thời gian này quân Hung Nô thường tràn biên giới nước Triệu cướp bóc, khi quân Triệu đánh chỗ này thì đến chỗ khác cướp, khi quân Triệu rút thì lại tràn sang cướp. Vì thế quân Triệu không có biện pháp nào để chặn quân Hung Nô.

Lý Mục được giao quân đóng ở vùng biên giới để ngăn chặn quân Hung Nô. Ông đưa ra kế sách vườn không nhà trống, rồi nhẫn nhịn cố thủ trong thành mà không đánh, ai trái lệnh tham chiến bị xử theo quân lệnh. Quân Hung Nô đến dù không bị đánh nhưng gặp phải vườn không nhà trống thì không cướp được phải tự rút về.

Triệu Vương cho rằng Lý Mục hèn nhát không đánh, nhắc nhở nhiều lần nhưng Lý Mục cứ vờ như không nghe. Triệu Vượng bèn thay tướng khác đến đem quân giao chiến với Hung Nô, kết quả quân Hung Nô quen địa thế và thông thạo tập kích đã đánh cho quân Triệu đại bại.

Lúc này Triệu Vương đành phục chức cho Lý Mục để chặn quân Hung Nô. Lý Mục ra điều kiện không được can thiệp vào kế sách của ông. Từ đó Lý Mục tiếp tục thực hiện kế sách cũ, thủ trong thành, củng cố lực lượng, quyết không giao chiến.

Sau vài năm, quân Lý Mục có 1.300 chiến xa, 13.000 chiến mã, 5 vạn binh, 10 vạn cung thủ, vậy mà quân Hung Nô không mảy may biết lực lượng quân Triệu. Hơn nữa sau vài năm cướp bóc, quân Hung Nô đã quen với cảnh quân Triệu chỉ lo phòng thủ chứ không tham chiến, nên nghênh ngang như chỗ không người mà chẳng phải lo gì, rất chủ quan khinh địch.

Khi sĩ khí lên cao, Lý Mục chủ động đưa quân tấn công quân Hung Nô rồi giả thua vứt hết khí giới bỏ chạy. Quân Hung Nô chủ quan đưa hết 10 vạn kỵ binh tràn sang biên giới quyết đuổi theo quân Triệu và rơi vào trận phục binh do Lý Mục chuẩn bị sẵn. Hai cánh quân của Lý Mục xông ra đánh bại 10 vạn đại quân Hung Nô. Từ đó trở về sau quân Hung Nô vô cùng sợ hãi Lý Mục, không còn dám cướp phá nữa.

Nội hàm của chữ Nhẫn

Chữ Nhẫn (忍) gồm có chữ tâm (心) ở dưới và chữ đao tức dao (刀) ở trên. Chữ “dao” có hàm ý phải tôi luyện, mài dũa mà thành.

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm được việc to lớn

Chữ đao (刀) này còn có thêm một nét gạch nữa thể hiện độ sắc bén của dao kề vào trái tim tức chữ tâm ở dưới.

Một con dao sắc bén kề vào tim đối với người bình thường hẳn phải rất đáng sợ. Thế nhưng chữ tâm nằm ở dưới chính là nền tảng của cả chữ “Nhẫn”. Tâm này vẫn bất động, dù dao kia có sắc đến đâu. Đó chính là Đại Nhẫn, cũng chính là khí phách lớn lao của con người trước nghịch cảnh.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: