Trong rất nhiều nền văn minh cổ xưa, chiêm tinh học được coi là một môn học thần bí, dành cho các học giả uyên bác nhất. Nhưng cũng vì là môn học thần bí, nên kiến thức về nó không được lưu truyền và kiểm chứng đầy đủ, và chỉ cho thấy tác dụng khi một số nhà hiền triết nổi tiếng sử dụng chúng. Ngoài ra, ở mỗi quốc gia khác nhau tại cùng thời điểm thì vị trí sao trên bầu trời cũng khác nhau, nguyên tắc chiêm tinh cũng khác nhau, do đó chiêm tinh học không thể áp dụng phổ quát. Tuy vậy một số điều khái quát cũng được lưu lại trong các tài liệu cổ xưa, chẳng hạn như mối liên hệ giữa nhật thực và một triều đại.

Chiêm tinh học cổ đại: Vài liên hệ giữa nhật thực và nhân họa
Dụng cụ xem thiên văn của Trung Hoa thời xưa. (Ảnh: Thomas Child, 1841 – 1898, Wellcome Images, Wikipedia, CC BY 4.0)

Trong cuốn “Ban Cố thiên văn chí” nói rằng: “Thiên hạ thái bình, ngũ tinh tuần độ, vô hữu nghịch hành giả, nhật bất thực sóc, nguyệt bất thực vọng.” Nghĩa là nếu thiên hạ thái bình, năm ngôi sao sẽ vận hành tuần tự, không có ngôi sao nào đi ngược chiều, mặt trời không xâm thực mặt trăng, mặt trăng không xâm thực mặt trời. Điều đó có nghĩa là nếu thiên hạ thái bình, ngũ hành sẽ vận hành bình thường, không xảy ra nhật thực hay nguyệt thực. Ngũ tinh ở đây chính là năm ngôi sao ứng với ngũ hành, sao Kim, sao Mộc, sao Thủy, sao Hỏa, sao Thổ.

Theo quan điểm của người xưa, “Thiên bất khả vô nhật, nhân bất khả vô quân”, bầu trời không thể không có mặt trời và con người không thể không có quân vương. Cũng có thể hiểu rằng mặt trời trên bầu trời tương ứng với bậc quân vương tại nhân gian. Nếu mặt trời xuất hiện những điều khác thường, thì nhất định là bậc quân vương tại nhân gian có vấn đề.

Trong cuốn “Khai nguyên chiêm kinh” do quan Thái Sử Giám Gautama Siddha thời nhà Đường chủ biên, cho rằng có nhiều lý do cho nhật thực, nhưng hầu hết đều liên quan đến đức hạnh của bậc quân vương.

Ứng với bậc quân vương ngông cuồng ngạo mạn, “Xuân thu vận đẩu xu” nói rằng: “Vua phóng túng, không tuân theo phép xưa, nghịch thiên, bạo ngược, tai họa sinh, ắt sẽ gây ra nhật thực.”

Ứng với bậc quân vương hỷ nộ thất thường, khinh mạn quỷ thần thì “Lễ đẩu uy nghi” nói: “Quân vương hỷ nộ thất thường, tùy tiện sát sinh, giết người vô tội, khinh mạn trời đất, xem thường quỷ thần, ắt sinh nhật thực.”

Ứng với bậc quân vương đánh mất đức hạnh của bậc vương chủ, “Hoài Nam Tử” viết: “Quân vương mất đi đức hạnh của mình, mặt trời bị xâm thực, không thấy ánh hào quang.”

Ứng với việc các chư hầu muốn mưu phản, “Kinh Phòng Dịch” nói: “Nếu quân vương không quản chuyện mưu phản, hạ thần sẽ nổi lên, nhật thực sẽ không bị mặt trăng che khuất.” Đây là nói đến hiện tượng nhật thực hình khuyên.

Nếu quyền thần và quân chủ bất hòa, sẽ xuất hiện nhật thực và động đất, “Hán thư” chép: “Thần tử muốn ngồi ở ngôi vua, đây là điều bất hòa, tứ phương sắc đỏ, nhật thực, động đất ắt sinh.”

“Xuân Thu công dương truyện” thì nói rằng: “Nhật thực là điềm báo dị thường thần giết vua, con giết cha, Di Địch (dân tộc ngoại bang) xâm phạm Trung Quốc.”

Nếu nhật thực ứng với việc chiến tranh với dân tộc khác, thì Kinh Thi còn nói: “Nước xuất hiện nhật thực có binh biến, đại chiến đến từ phía tây.”

Ngoài ra, “Nhật thực ắt có quốc nạn, xuất hiện nhật thực thì nước thất đức vong, nhật thực tu đức. Nước vô đạo, nhật nguyệt che khuất lẫn nhau, đất nước bị binh lính tấn công, nhà mất bởi có tang.”

Bởi vì những điều này rút ra từ chiêm tinh học Trung Hoa cổ đại, do đó chỉ ứng với những sự việc xảy ra tại Trung Nguyên. Những điều này tham khảo chính sử Trung Hoa cổ đại có thể thấy nhiều ví dụ.

Theo Sound Of Hope
Tác giả: Văn Tư Mẫn
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: