Phá thai là một trong các vấn đề tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020, xoay quanh luận đề này có rất nhiều điểm đáng nói. Kể từ khi ông Trump được bầu làm Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ngày càng nhiều phụ nữ đến các trung tâm hỏi tư vấn biện pháp tránh thai. Trước đó khi còn là ứng viên tổng thống, ông Trump đã từng cho rằng phụ nữ phá thai phải bị trừng phạt nếu Hoa Kỳ cấm hành vi này. Quan điểm chống phá thai này từng khiến ông Trump hứng chịu một loạt chỉ trích.

Trong cuộc phỏng vấn với MSNBC, ông Trump, lúc bấy giờ mới chỉ là ứng viên tổng thống, nói rằng ông là người trân trọng mạng sống và cần phải trừng phạt phụ nữ phá thai nếu luật pháp Hoa Kỳ cấm hành động này. Bình luận này khiến ông hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ những người ủng hộ quyền phá thai và các đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

“Tất nhiên, phụ nữ không nên bị trừng phạt”, Reuters dẫn lời đối thủ của ông Trump, ứng viên đảng Cộng hòa John Kasich.

“Trân trọng mạng sống không phải là chỉ quan tâm đến đứa trẻ chưa ra đời, mà còn phải quan tâm đến người mẹ nữa”, Thượng nghị sĩ Ted Cruz, ứng viên đảng Cộng hòa cho rằng ông Trump không suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này.

“Ngay khi bạn nghĩ mọi việc sẽ không thể còn tồi tệ hơn”, bà Hillary Clinton, lúc đó là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, viết trên Twitter.

Ông Trump sau đó đã phải lên tiếng bào chữa lại phát ngôn của mình: “Nếu luật pháp cấm phá thai, bác sĩ hoặc bất kỳ người nào thực hiện hành động này sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, không phải là người phụ nữ. Phụ nữ là nạn nhân trong trường hợp này”.

Ông Trump đã phải nhượng bộ, nhưng rõ ràng là trong thâm tâm, ông cho rằng bất kỳ ai, kể cả người mẹ, cho phép việc phá thai xảy ra đều có tội.

Tất nhiên lúc bấy giờ, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng Donald Trump khó mà có thể trở thành tổng thống Hoa Kỳ…

Chống phá thai: Phát xít hay người hùng?
(Ảnh trái: Những người trong phong trào pro-life ủng hộ chống phá thai, Jordanuhl7/Flickr, CC BY 2.0; Ảnh phải: Michael Vadon/Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Và rồi trong khi vị tân Tổng thống làm lễ nhậm chức, nhiều phụ nữ Hoa Kỳ bắt đầu lên mạng trao đổi cách thức phòng tránh thai hiệu quả và giá thành hợp lý. Nhưng những người phản đối Trump tại Hoa Kỳ bức xúc. Thậm chí Hà Lan còn “tuyên chiến” với chính sách chống phá thai của Trump… Cũng cần phải nói thêm, phá thai mới chỉ là một trong hàng tá vấn đề nhạy cảm mà ông Trump đã đụng tới trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình: thuế, biến đổi khí hậu, biên giới, nhập cư, phân biệt chủng tộc, Bắc Hàn, Đảng Cộng sản Trung Quốc, vai trò của Hoa Kỳ trên toàn cầu, v.v..

Nói về vấn đề phá thai, khi đó, có cư dân mạng còn bình luận: “Trump sắp thành phát xít vì ban hành đạo luật chống phá thai trên toàn Hoa Kỳ”.

Nhưng liệu ông Trump sẽ trở thành phát xít hay người hùng đây?

Phát xít là một thuật ngữ mập mờ, xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 tại châu Âu, chủ yếu dùng để chỉ các mô hình tương tự như Đức Quốc Xã, sau này được dùng để tấn công những người thuộc cánh hữu. Điều đáng nói là Đức Quốc Xã tên đầy đủ là Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa, vốn là một chế độ cánh tả. Ở phương Tây, nó còn được gọi là Nazi. Cái tên Nazi này lúc đầu gọi đầy đủ là Nazi-Sozi (National Socialism – Chủ nghĩa xã hội quốc gia), xuất phát từ bộ trưởng tuyên truyền của phát-xít khi đó là Goebbels. Sau này, những người cộng sản vì sự nhạy cảm đó mà lược bỏ chữ “Sozi” (Socialism) vốn là danh từ chính, chỉ để lại phần bổ nghĩa “Nazi” (National). Đây chính là nguồn gốc của cái tên Nazi. Ngoài ra, họ còn gọi Đức Quốc xã là phát-xít, cố gắng tách nó khỏi phong trào cộng sản (Xem lại loạt bài: Chủ nghĩa cộng sản và những bộ mặt biến hóa khôn lường). Về cơ bản, phát xít coi trọng việc tập trung chuyên chế xã hội dưới một đảng cầm quyền duy nhất, và một lãnh đạo độc tài duy nhất. Nó sẵn sàng khởi động bạo lực, đàn áp, hay chiến tranh để phục vụ cho sự phát triển của quốc gia.

Vậy thì Donald Trump liệu có phải là một nhà độc tài?

“Người không được giết người” – Đây là một giới luật trong Kitô giáo, thuộc về giới răn thứ năm. Giới luật này là một nguyên lý phổ quát cơ bản nhất trong liên hệ giữa con người với con người. Nó là điều thiết yếu để tạo nên một xã hội, trở thành trọng tâm của mọi quy tắc trong nền văn minh truyền thống của con người.

“Cấm sát sinh” – Đây là một giới cấm trong Phật giáo, là giới đầu tiên trong ngũ giới. Nó bao gồm việc không giết hại các loài sinh vật khác, và không bày mưu kế, hay trợ giúp người khác sát hại sinh linh. Giới luật này không chỉ bao hàm từ tâm đối với vạn vật, mà còn là lời răn về lẽ nhân quả báo ứng cho người tu hành.

“Nhân mệnh quan thiên” – Trong Nho giáo truyền thống, sinh mệnh con người liên quan tới trời. Vì thế, những việc có liên hệ tới sinh mệnh con người đều phải được tiến hành một cách thận trọng nhất.

Có thể nói, việc trân quý sinh mệnh, trọng đức hành thiện luôn được bao hàm trong các tín ngưỡng truyền thống ở cả phương Đông lẫn phương Tây.

Thời xưa, dù cho xảy ra thiên tai rất lớn hoặc chiến tranh, thì tội giết chết một người, đặc biệt là đứa trẻ sơ sinh hay đứa trẻ nằm trong bụng mẹ, cũng đều là tội phản nhân loại rất nặng. Nhưng trong xã hội hiện đại, cha mẹ lại được luật pháp ban cho quyền giết chết thai nhi của mình… Điều đáng ngạc nhiên là tại một đất nước sùng Đạo như Hoa Kỳ thậm chí gần đây còn xuất hiện một dự luật cho phép phá thai khi sản phụ sắp tới ngày sinh nở, thậm chí được phép giết trẻ vừa lọt lòng nếu thấy trẻ bị khuyết tật.

Chống phá thai: Phát xít hay người hùng?
Hình ảnh nạo phá thai nhi trong ba tháng thứ hai của thai kỳ (Ảnh: AbortionProcedures.com)

Một cư dân mạng đã chỉ ra rằng: Điều hết sức phi lý và giễu cợt là ở chỗ, khi hàng loạt bác sĩ, y tá, và những chuyên viên y tế cố gắng cứu sống cho một con vịt, một con chó, hoặc một con cá voi sa lầy, hoặc bị thương, thì cũng có những người làm ngành y sẵn sàng giết chết hàng triệu những thai nhi mà thậm chí đôi khi chỉ một hoặc vài ngày nữa là các em được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Đứa trẻ vô tội chưa được sinh ra đang bị đối xử kém cả con vật!

Đáng nói hơn nữa, chiếu theo Bộ Giáo luật Công giáo hiện hành, ở điều 1398 có viết “Ai thi hành việc phá thai sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết; người đưa ra chính sách ủng hộ hoặc đồng lõa với việc phá thai cũng mắc vạ tuyệt thông tiền kết. Điều này cho thấy về cơ bản bất cứ ai liên quan, kể cả người phụ nữ cho phép phá thai cũng “có tội”, mà còn là trọng tội, theo quan điểm Công giáo.

Mặc khác, ông Joe Biden, người ủng hộ phá thai, ứng viên Tổng thống của Đảng Dân Chủ năm 2020, cũng tự nhận là “tín hữu đạo Công giáo”. Điều này có nghĩa là ông Joe Biden bị phạt vạ mà không cần Giáo hội phải ra văn bản công bố.

Kitô giáo chiếm 70,6% dân số nước Mỹ, trong đó Công giáo chiếm 20,8%, tương đương khoảng 69 triệu người. Thật là một dấu hỏi lớn khi suy ngẫm xem trong 69 triệu người này, có bao nhiêu sẽ ủng hộ ứng viên Joe Biden của Đảng Dân Chủ.

Có một sự thật là: luật pháp cho phép phá thai, nhưng Thiên Chúa không cho phép, Phật Đạo Thần không cho phép, tôn giáo không cho phép, đạo đức không cho phép… và lương tri cũng không cho phép…

Xưa nay, người Việt Nam thường có quan niệm rằng: “Con cái là của trời cho”. Con cái là niềm hy vọng của vợ chồng sau khi cưới, giúp cho tình yêu thêm phần thắm thiết, khiến cho gia đình hai bên nội ngoại đều chờ mong. Sinh con đẻ cái cũng còn là một nhiệm vụ thiêng liêng nhằm bảo tồn dòng giống. Người Việt ta vẫn hay có thói quen hỏi thăm người phụ nữ mới cưới về việc “có tin mừng”.

Nhưng có một thực tế rằng, theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất Châu Á và là một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Tháng 9 năm 2016, theo GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, tổng tỷ suất phá thai nước ta là 2,5 – nghĩa là trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam đã trải qua 2,5 lần phá thai trong cả cuộc đời sinh đẻ của mình. Đáng báo động là có đến 20% người nạo phá thai ở Việt Nam nằm trong độ tuổi vị thành niên… Người Việt đang đứng trước một tệ nạn xã hội, một vấn đề nhức nhối, hay có lẽ là một tội ác phản truyền thống, phản nhân tính?

Chống phá thai: Phát xít hay người hùng?

Còn ở Hoa Kỳ, dù còn nhiều tranh cãi, nhưng việc phá thai ở nước này ngay trong những ngày đầu nhậm chức của Donald Trump đã giảm xuống tới mức thấp nhất trong 4 thập niên, kể từ năm 1974.

Phát xít hay người hùng? Ít nhất Tổng thống Trump là người hùng của hàng triệu trẻ em!

Quang Minh