Mạnh Tử là người rất sùng bái chữ “Lễ”, ông rất coi trọng lễ tiết. Có một lần nọ, vì thế ngồi không đoan chính của vợ, ông cảm thấy vô cùng thất vọng. Tuy nhiên mẹ Mạnh Tử lại chỉ ra rằng chính Mạnh Tử mới là người thất “Lễ”.

Thời cổ đại rất chú trọng tới việc ngồi có tướng ngồi, đứng có tướng đứng. Trong những trường hợp khác nhau, con người đều nên có những tư thế và cách thể hiện tình cảm khác nhau. Dẫu là giữa vợ chồng thân thiết cũng cần duy trì lễ nghi trong nhà. Ở nơi công cộng thời cổ đại, thế ngồi tiêu chuẩn nhất gọi là “Kỵ toạ”, hay còn gọi là “Chính toạ”, tức là quỳ dưới đất, sau đó mông đặt trên hai chân, thân trên thẳng đứng, hai tay đặt ngay ngắn trên đầu gối, mắt không nhìn xéo, liếc ngang.

Chữ “Lễ” chân chính qua chuyện Mạnh Tử thất lễ
Tượng người nữ thời Tây Hán trong thế ngồi “Kỵ toạ” vòng tay kính lễ. (Ảnh: Metropolitan Museum of Art, CCO 1.0 Dedication)

Theo ghi chép lại, vợ của Mạnh Tử là Điền thị, do ở một mình trong phòng, bèn ngồi nghỉ ngơi một cách tuỳ tiện. Đúng lúc đó, Mạnh Tử đột nhiên bước vào phòng. Nhìn thấy tướng ngồi dạng hai chân của vợ mình, ông bèn thất vọng quay ra ngoài.

Sau đó, vốn là người hiếu thuận, Mạnh Tử tìm đến vấn an mẹ, rồi bày tỏ rằng: “Người phụ nữ này không hiểu lễ nghĩa, xin cho phép con bỏ nàng ta.”

Mạnh Mẫu hỏi: “Vì sao?”

Mạnh Tử nói: “Nàng ta ngồi dạng hai chân.”

Mạnh Mẫu hỏi: “Sao con biết?”

Mạnh Tử nói: “Con vừa bước vào phòng thì nhìn thấy.”

Mạnh Mẫu lại nói:

“Thế thì đó là do con không hiểu lễ nghi, chứ không phải là thê tử của con không hiểu lễ nghi. Trong ‘Lễ kinh’ chẳng phải nói rằng nên hỏi trước xem có ai trong phòng không. Khi vào phòng khách nên cất tiếng chào hỏi, để người ở trong nhà biết. Khi vào phòng, mắt nên nhìn xuống dưới, tránh bắt gặp những điều riêng tư của người khác. ‘Lễ kinh’ giảng những điều này, đều là để người khác có sự chuẩn bị, tránh gặp tình huống phải ngại ngùng. Giờ con nhân lúc người khác chưa kịp chuẩn bị mà vào phòng vợ con đang nghỉ ngơi, bước vào cũng không chào hỏi gì. Nàng ta vì không biết con vào, chưa kịp chuẩn bị nên mới bị con bắt gặp tướng ngồi không hợp lễ nghi. Con yêu cầu người khác thủ lễ, nhưng trước tiên con phải tôn trọng người khác. Là con thất lễ, vô lễ trước, sao lại có thể trách người khác đây?”

Những lời cao thâm của mẹ đã khiến Mạnh Tử tâm phục khẩu phục, trong lòng vô cùng hổ thẹn, suy nghĩ muốn bỏ vợ cũng tiêu tan.

Thê tử của Mạnh Tử ngồi tuỳ ý trong phòng mình, tức là ngồi bệt, hai chân chĩa ra hai bên, hai đầu gối cong lên. Trong thời Chu thì đó là tư thế không tôn trọng người khác. Mạnh Tử tôn sùng “Lễ”, cho nên không chấp nhận được hành vi đó của vợ mình.

May thay Mạnh Mẫu không hổ danh là hiền mẫu biết cách dạy con, thông tình đạt lý. Bà đã chỉ ra người không phù hợp với lễ pháp là bản thân Mạnh Tử. Bà cũng chỉ ra cho Mạnh Tử rằng khi gặp một việc điều trước tiên không phải là phán xét người khác mà là nhìn lại chính mình, sau đó mới xử lý sự việc. Đồng thời, Mạnh Mẫu cũng cho thấy hàm ý chân chính của chữ “Lễ”.

Người xưa có câu: “Bất học lễ, vô dĩ lập” (Không học lễ, chẳng thể lập thân). Nước Việt ta cũng có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng ngày nay không mấy ai còn hiểu được ý nghĩa của nó, thậm chí cho rằng câu nói này đã là cổ hủ.

Trên bề mặt, “Tiên học lễ, hậu học văn” có nghĩa là đầu tiên phải học lễ nghi, sau đó mới học đến văn chương kiến thức. Tuy nhiên tuân thủ chữ “Lễ” là phải minh bạch được nội hàm và đạo lý của Lễ. Bản chất của Lễ là sự chân thành, kính trọng, hữu hảo, khiêm nhường, quan tâm và săn sóc lẫn nhau. Tác dụng của Lễ là giúp con người chung sống hoà thuận. Mục đích của việc sùng “Lễ” là để con người khi chung sống với nhau biết tiến biết thoái, cuối cùng đạt được sự hài hoà.

“Nhân nhi bất nhân, như lễ hà?”, ý là người mà không có lòng nhân ái, thì tuân thủ lễ nghi có tác dụng gì? Lễ cần phải xuất phát tự tâm. Nếu chỉ có hình thức của Lễ mà trong tâm không nhân đức, kỳ thực lại chính là vô lễ! Cho nên Lễ không phải chỉ đơn giản là yêu cầu con người sống với nhau cần lễ phép hoặc có những động tác lễ tiết quy phạm nào đó. Lễ coi trọng việc tu thân, đầu tiên phải yêu cầu bản thân tôn kính Lễ, mới có thể chung sống hài hoà với người khác. Không hiểu được nội hàm của chữ Lễ, không chú trọng tu bản thân, sẽ đi ngược lại với lòng nhân ái, cũng có được sự kính trọng, trang nghiêm cần có.

Theo The Epoch Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: