Thời xưa, các bậc nam tử khi gặp ai đó thường nắm tay vòng trước ngực, đứng thẳng, còn nữ nhi thường nắm tay đặt ngang eo, sau đó đầu gối hơi khuỵu xuống, đây gọi là vạn phúc, không có sự tiếp xúc về cơ thể. Người hiện đại khi bắt tay, ôm nhau sẽ thường có tiếp xúc, đặc biệt trong giai đoạn tìm hiểu nhau cũng dễ dàng xảy ra tiếp xúc thân mật. Nhưng chuyện “tiếp xúc” hay “không tiếp xúc” này kỳ thực không chỉ là biểu hiện bên ngoài. Chữ “Lễ” trong phương diện kết duyên của người xưa còn có nhiều ý vị thâm sâu ở bên trong, đóng vai trò như một lớp “hòa hoãn”, không chỉ giữ gìn và ước thúc hành vi con người, mà cũng là bảo hộ cho tâm lý của hai bên, đồng thời còn mang nhiều nét thi vị.

Chữ "Lễ" trong chuyện kết duyên của người xưa
Tranh trong cuốn “Họa Lệ Chu Thúy Tú”, Hác Đạt triều Thanh. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Mặc dù “Lễ” là biểu hiện bên ngoài, nhưng biểu hiện đó là có nội hàm đạo đức. Nội hàm này, như Mạnh Tử nói, làm người cần có bốn cái tâm cơ bản, tức là lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường, tâm biết phân biệt thị phi và xấu hổ vì làm việc ác. “Lễ” chính là thông qua một vài cách thức bên ngoài nhằm biểu đạt nội dung tích cực, quang minh trong nhân tính.

Ở một mặt khác, “Lễ” là sự điều tiết và ước thúc về hành vi nhằm hỗ trợ cho tâm lý của người khác. Đồng thời, “Lễ” lại dùng để tu dưỡng tính cách của chính người sử dụng, khiến tâm lý của người ta tương đối nhu hòa, biết cách ước thúc bản thân. Như vậy con người sẽ có thể chung sống hài hòa với mọi người trong xã hội, cũng sẽ không gây tổn hại cho bản thân và người khác.

Lễ nghi hình thành nên quy phạm trong một quần thể người, trở thành sự ước thúc bề ngoài khá phổ biến trong xã hội. Như vậy, sẽ có một sức mạnh quy phạm hành vi của con người. Ví dụ như mọi người đều đang xếp hàng, chúng ta lại chen ngang, hoặc như tất cả mọi người trên xe buýt đều nhường ghế cho người già, nhưng chúng ta thì không, chúng ta sẽ bị coi là người bất lịch sự.

Chữ “Lễ” trong chuyện kết duyên thời xưa cũng lại như thế.

Xã hội hiện đại thường hô hào tự do yêu đương, tự do giới tính, hô hào mạnh mẽ nhất là giới trẻ. Nhưng kỳ thực thời nào cũng vậy, người trẻ tuổi khi già đi, được tôi luyện lâu trong xã hội, đặc biệt là sau khi đã trở thành cha mẹ, họ lại nhận thức được ý nghĩa của rất nhiều quy phạm, phép tắc, nên hy vọng có thể ước thúc đời sau của mình. Tuy vậy thế hệ sau lại cảm thấy bị bó buộc, không muốn bị quản, họ lại hô hào tự do, cứ tuần hoàn như vậy.

Sau vài đời, chúng ta phát hiện ra sức mạnh luân lý của chỉnh thể xã hội dần bị mai một, bởi sự phản kháng của mỗi thế hệ sau sẽ khiến sức mạnh quy phạm bên ngoài của toàn bộ xã hội thêm một lần bị bào mòn. Hơn nữa, thông thường, thế hệ sau trưởng thành, thì trong tư tưởng của mình đã chứa đựng kinh nghiệm phản kháng thời còn trẻ, nên dễ dàng thỏa hiệp với con cháu. Vậy nên cùng với sự kéo dài của thời gian, sức mạnh đạo đức và luân lý xã hội sẽ bị suy yếu.

Ngày nay với sự thống trị của tư tưởng hiện đại, con người lại càng như vậy. Nếu nói chuyện “ước thúc” trong việc tìm hiểu nam nữ, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu. Bởi vậy chúng ta hãy xét “Lễ” ở một phương diện khác, chính là không chỉ dùng để “ước thúc”, mà là khởi tác dụng “bảo hộ”.

Vốn dĩ bản thân sự ước thúc đã là đang bảo vệ mình. Ví như luật giao thông là để đảm bảo an toàn cho xe cộ và người đi đường. Tác dụng trực tiếp của lễ nghi trong chuyện tìm hiểu nam nữ, kỳ thực được đặt ở vị trí trung gian, như bộ phận cản trước của ô tô vậy. Khi xảy ra va chạm, phần cản trước sẽ có tác dụng hòa hoãn. “Lễ” cũng có tác dụng như một vật trung gian bảo hộ tâm linh của con người khi xảy ra xung đột.

Người thời nay, khi yêu thường trực tiếp bày tỏ tình ý, sự ái mộ, hoặc hẹn hò với đối phương. Nhưng cổ nhân lại không làm vậy, họ thường thông qua một người trung gian, hay còn gọi là người làm mối. Nam nữ không thể trực tiếp gặp gỡ, hoặc sẽ gặp mặt ít lần trước khi kết hôn. Tuy nhiên dẫu có gặp mặt thì cơ hội hai bên ở riêng với nhau cũng rất ít. Mặc dù ở các triều đại sau này khi “Lễ” khá lơi lỏng rồi, thì cách biểu đạt sự ái mộ giữa nam và nữ cũng được thực hiện thông qua việc trao tặng tín vật, trao đổi văn thơ, hiếm khi trực tiếp kề cận thổ lộ tâm tình với nhau.

Sắp xếp một người trung gian như vậy, có một mục đích không nhỏ là nhằm tránh xảy ra xung đột về tình cảm. Bởi lẽ cảm xúc của con người có một đặc điểm là rất dễ thay đổi. Con người khi bị cảm xúc chi phối cũng không đủ tỉnh táo, thường dễ làm tổn thương bản thân hoặc người khác. Tỏ tình trực tiếp, có thể giải tỏa nỗi khổ vì nhung nhớ, có vẻ như rất tốt, là vì hy vọng ngay lập tức được ý trung nhân tiếp nhận. Nhưng ngày nay cũng có thể thấy rất nhiều người vì cầu không được mà khiến tâm linh tổn thương, thân hình tiều tụy, đây gọi là bị tổn thương vì tình. Thậm chí có người vì yêu mà sinh ra oán, vì yêu mà sinh ra hận, vì yêu mà sinh ra tự hủy hoại bản thân hoặc không màng gì nữa. Cảm xúc vốn là thứ dễ thay đổi, nó không tuân theo nguyên tắc về lý trí.

Khổng Tử từng nói một câu là: “Lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương”. Dâm ở đây nghĩa là quá mức, thừa mứa. Câu này nghĩa là vui nhưng không quá mức, bi thương cũng chẳng quá phần. Khi nam nữ giao tiếp với nhau, “Lễ” sẽ phát huy tác dụng trung gian như vậy, khiến sự xung đột về cảm xúc không quá trực tiếp. Như vậy con người sẽ không dễ dàng bị cảm xúc thao túng, giảm bớt tổn hại cho bản thân và người khác.

Trong xã hội truyền thống cũng có rất nhiều bậc cha mẹ khá cởi mở, họ coi trọng cảm thụ và hạnh phúc của con cái, nên cũng không cưỡng ép con mình phải kết hôn với đối tượng chúng không thích. Không nói đâu xa, mặc dù thời các bậc ông bà, cụ kị của chúng ta vẫn có nhiều trường hợp kết hôn là do mai mối, nhưng nếu đi hỏi lại rằng liệu cuộc hôn nhân của họ có thực sự là một nỗi bất hạnh hay không? Bạn sẽ phát hiện ra điều hoàn toàn trái ngược. Con người bị ảnh hưởng bởi trào lưu hiện đại nên mới nhấn mạnh việc giải phóng giới tính, còn đi phóng đại sự bất hạnh trong hôn nhân của những bậc tiền bối vốn là điều bản thân “tưởng tượng”.

Người hiện đại khi hò hẹn yêu đương thường từng đôi, từng cặp tâm sự ríu rít, tay trong tay, theo nhau như hình với bóng, thậm chí còn có những hành vi vượt quá giới hạn, cảm thấy rất vừa ý. Nhưng còn nỗi thống khổ do thất tình mang lại thì sao? Người hiện đại thường phải trải qua vài cuộc tình mới bước vào hôn nhân, yêu một lần và kết hôn luôn chỉ là thiểu số. Vậy nên rất nhiều người đều phải trải qua sự đau khổ của vài lần thất tình, chưa kể đến hậu quả của những việc như phá thai, nuôi con ngoài giá thú, v.v.. Một số bạn trẻ chưa trưởng thành về cảm xúc, hoặc trải nghiệm về cuộc sống còn non nớt, đánh giá không đúng, khiến trong một giai đoạn dài tâm linh bị tổn thương. Mà đó thông thường lại ở vào thời điểm sức bật của họ là lớn nhất, đồng thời cũng là thời điểm họ cần tập trung nhất, chính là giai đoạn hình thành nhân cách, phẩm cách tối quan trọng của con người. Nỗi thống khổ của họ bởi vậy quả thực rất nghiêm trọng.

Khi phải đối mặt với sự từ chối, nếu có một người làm mối ở giữa đưa tin, thì sự tổn thương này sẽ không quá trực tiếp, như vậy chẳng phải còn có ích với con người hay sao? Hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa nam và nữ trước hôn nhân, đồng thời cũng sẽ khiến cho hai bên không quá đỗi đau khổ và phiền muộn. Đồng thời bởi vì trải nghiệm về cuộc sống của cha mẹ phong phú hơn, người mai mối cũng rất rành về khoản nhìn người, nên hai bên đều có thể tỉnh táo mà viện dẫn kinh nghiệm của người khác. Người nào phù hợp với người nào, bậc tiền bối rất nhiều khi là thông tỏ hơn, vậy nên cũng tăng thêm cơ hội thành công cho hôn nhân.

Ở một phương diện khác, sự tồn tại của “Lễ” có ảnh hưởng rất lớn tới tính cách và tâm lý của con người. Ví như trong “Kinh Thi”, một tác phẩm văn học điển hình trong văn hóa truyền thống, có bài thơ “Quan Thư”. Mọi người đều biết câu: “Yểu điểu thục nữ, quân tử hảo cầu”, câu này chính là từ bài thơ “Quan Thư”. “Hảo cầu” ở đây không phải là yêu thích, không phải là để truy cầu, mà có nghĩa là xứng đôi.

Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.

Dịch thơ:

Quan quan kìa tiếng thư cưu,
Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy.
U nhàn thục nữ thế này,
Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.

Lại nói:

Cầu chi bất đắc,
Ngộ mỵ tư bặc.
Du tai! Du tai!
Triển chuyển phản trắc.

Dịch thơ:

Nếu cầu mà chẳng được người,
Khi mơ khi tỉnh bồi hồi nhớ thương.
Xa xôi trông nhớ đêm trường,
Chiếc thân trằn trọc trên giường nào yên.

Cô nương lương thiện, khiến người quân tử mong muốn được kết đôi với nàng, dẫu lúc thức hay lúc ngủ. Muốn mai mối nàng về làm vợ, nhưng chưa được, khiến trằn trọc không yên.

Đọc đoạn thơ này, người hiện đại có thể cho rằng tâm tưởng của người xưa trong vấn đề kết duyên so với ngày nay cũng như nhau thôi. Nhưng phía sau lại có mấy câu thơ:

Yểu điệu thục nữ,
Cầm sắt hữu chi.
Yểu điệu thục nữ,
Chung cổ lạc chi.

Dịch thơ:

Được người thục nữ chính chuyên,
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy.
Được người thục nữ chính chuyên,
Để nàng vui thích, vang rền trống chuông.

Làm thế nào mới có thể khiến nàng hiểu được tâm ý của mình? Là thông qua tiếng đàn, là thông qua trống chuông, chính là thông qua đức âm nhã nhạc. Đây chính là dùng lễ nghi làm vật trung gian, chứ không như người hiện đại là nhắn tin, gọi điện, hoặc hẹn ra ngoài gặp gỡ, tỏ tình, làm điều quá phận…

Cho nên yêu cầu của “Lễ” chính là như vậy. “Lễ” yêu cầu người ta tự cảm thấy nên làm như vậy, tự giác ước thúc hành vi của bản thân, tiết chế tình cảm trong nội tâm. Khi cảm thấy khó lòng tiết chế thì lại dùng hình thức nhu hòa như âm nhạc để tiết chế.

Văn hóa lễ nghi khi kết duyên này còn hun đúc nên những khí chất nghệ thuật đầy lãng mạn của cổ nhân. Chúng ta cũng có thể nói đây chính là tính cách của cổ nhân. Bởi lẽ có rất nhiều lời ngại ngùng không dám nói thẳng, bèn đàn lên, bèn viết thành thơ, viết thành lời hát để bày tỏ. Thơ ca trở thành vật trung gian biểu đạt tình cảm, cho nên có nội hàm của “Lễ” trong đó, đồng thời nó cũng là một môn nghệ thuật.

Chữ "Lễ" trong chuyện kết duyên của người xưa
Cổ nhân chính là sinh hoạt như vậy. (Tranh thời Thanh, Bảo tàng Quốc gia Đài Loan)

Chẳng hạn trong “Kinh Thi” có vài bài thơ, kỳ thực là bài hát cho tân nương trong buổi thành hôn.

Đào chi yêu yêu,
Chước chước kỳ hoa.
Chi tử vu quy,
Nghi kỳ thất gia.

Dịch nghĩa:

Cây đào tơ xinh tươi,
Hoa thật là nhiều.
Nàng ấy đi lấy chồng,
Thì ắt thuận hoà êm ấm cảnh gia đình.

Tiếp theo lại có:

Đào chi yêu yêu,
Hữu phần kỳ thực.
Chi tử vu quy,
Nghi kỳ gia thất.

Dịch nghĩa:

Cây đào tơ xinh tươi,
Trái đã đơm nhiều.
Nàng ấy đi lấy chồng.
Thì ắt thuận hoà êm ấm cảnh gia đình.

Tiếp theo lại có:

Đào chi yêu yêu,
Kỳ diệp trăn trăn.
Chi tử vu quy,
Nghi kỳ gia nhân.

Dịch nghĩa:

Cây đào tơ xinh tươi,
Lá đơm sum sê.
Nàng ấy đi lấy chồng,
Thì ắt hoà thuận với người trong nhà.

Vậy là cây đào khoe sắc mỹ lệ làm sao, cành lá sum sê làm sao, trái đào mới nhiều làm sao. Đơm hoa kết trái, phân nhánh chia cành, ý tứ là hy vọng gia đình mới hưng vượng có phúc phận, con cháu cũng đề huề. Chúc như vậy thì người nghe hiểu ý tứ mà đẹp lòng, mọi người thêm chan hòa, hôn lễ càng thêm náo nhiệt. Người hiện đại thì chỉ một hai câu là chúc “sớm sinh con”, “mau sinh con”, “phát tài”, về ý tứ chúc gia đình êm ấm hưng vượng là không có, lại còn khiến con cháu đỏ mặt hay phản cảm.

Chữ "Lễ" trong chuyện kết duyên của người xưa
Tranh trong cuốn “Họa Lệ Chu Thúy Tú”, Hác Đạt triều Thanh. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Có thể nói trong chuyện kết duyên, tính cách của cổ nhân là như vậy. Ngày nay nếu được nghe bài hát về hoa đào như vậy trong hôn lễ, phần đông người nghe có lẽ cũng không hiểu ý tứ là gì.

Cổ nhân không dùng “Lễ” một cách cứng nhắc và độc đoán, mà chính là như vậy đó, không chỉ là kết duyên, mà trong cuộc sống có thể dùng thi ca, ý tứ bộc bạch nỗi lòng. Tư tưởng, tâm tình người xưa đều chan chứa, hình thành nên tính cách rất hàm súc và khiêm tốn, đầy khí chất nghệ thuật.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: