Phương Hiếu Nhụ là quan thần của Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn, được coi là một vị danh Nho tiếng tăm và uy tín. Câu chuyện về Phương Hiếu Nhụ thà chết không làm phản được truyền tụng để thể hiện chữ Trung của Nho gia thời xưa. Ở Đại Việt cũng có một tấm gương trung nghĩa thời Lê Trung Hưng, dù cách làm khác biệt với Phương Hiếu Nhụ nhưng lại cũng thể hiện ra đầy đủ tinh thần của chữ Trung ấy.

Chữ Trung của Nho gia qua hai câu chuyện ở Trung Hoa và Đại Việt
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Khi Chu Đệ (sau là Minh Thành Tổ) dẫn binh nhập kinh giết cháu soán ngôi, ông đã từng muốn lung lạc dụ dỗ Phương Hiếu Nhụ để viết chiếu lên ngôi cho mình. Có điều Phương Hiếu Nhụ lại là một Nho sĩ rất trung thành với Chu Doãn Văn, nhất định không viết chiếu truyền ngôi. Thậm chí Phương Hiếu Nhụ còn viết bốn chữ: “Yên tặc thoán vị” rồi vứt trả cho Chu Đệ tỏ ý thà chết chứ không viết.

Khi Chu Đệ đã hết kiên nhẫn thì chuyển từ dụ dỗ sang dọa nạt: “Ta không để ngươi chết ngay được, chẳng lẽ ngươi không sợ ta Tru di cửu tộc nhà ngươi ư?”. Phương Hiếu Nhụ bèn nói: “Tru di thập tộc đã làm gì được”.

Chu Đệ giận dữ ra lệnh cho vệ sĩ dùng dao to cắt môi của Phương Hiếu Nhụ, vết dao rạch đến tận mang tai. Sau đó, Chu Đệ lại sai người bắt gia quyến cửu tộc, cộng thêm cả học trò của Phương Hiếu Nhụ nữa là thành ra “thập tộc”, cả thảy 873 người bị lôi đến chém chết ngay trước mặt Phương Hiếu Nhụ, rồi mới lôi Phương Hiếu Nhụ ra xử lăng trì.

Bàn về việc này người thì cho rằng đấy là hành động của kẻ bất trí không thức thời, người thì cho rằng “không nên lấy quan điểm ngày nay để nói chuyện xưa”, lòng trung của Phương Hiếu Nhụ là đáng phục.

Nhắc đến thì ở Đại Việt chúng ta cũng có một câu chuyện tương tự. Theo “Khâm định Việt sử”, vào cuối thời Chúa Trịnh, Trịnh Sâm không chỉ muốn lấn lướt vua Lê mà còn muốn cướp ngôi, sai Vũ Trần Thiệu dẫn đầu sứ bộ đi qua nhà Thanh đem theo một tờ mật biểu cho Càn Long tâu rằng: “Nhà Lê không còn người hiền tài nào” và cho người đút lót để xin phong tước vị cho mình. Việc này nếu thành thì hậu nhân vua Lê e rằng lành ít dữ nhiều.

Vũ Trần Thiệu im lặng tuân mệnh. Khi đoàn sứ bộ đi đến Hồ Động Đình ở Hồ Nam thì Vũ Trần Thiệu mới gọi hai thành viên trong sứ đoàn là Hồ Sĩ Đống và Nguyễn Trọng Đang tới tiết lộ việc này, dặn dò lại mọi việc xong thì đốt đi tờ mật biểu và uống thuốc độc tự sát.

Hồ Sĩ Đống thương tiếc người chánh sứ và cũng là người bạn của mình, đã làm một bài thơ viếng được Vũ Đình Hổ chép lại trong “Vũ Trung tùy bút”.

Việc làm của Vũ Trần Thiệu cũng là thể hiện lòng trung của Nho gia, trung với vua Lê, bảo toàn hương hỏa cho hậu nhân nhà Lê đánh đổi bằng sinh mạng của mình. Có lẽ hiện nay đối với nhiều người trong chúng ta, chữ Trung ấy thật khó hiểu, nhưng thời đó nó đúng là một nghĩa cử đáng trân trọng của thần tử với vị vua của mình.

Đối với trường hợp Phương Hiếu Nhụ, mới đầu Chu Đệ không có ý muốn giết ông ta, đơn giản chỉ là muốn có một người uy tín viết chiếu lên ngôi cho mình. Giả như Phương Hiếu Nhụ cũng có thể lựa chọn cách tự sát hoặc hòa hoãn thời gian xin về nhà viết chiếu chỉ rồi tự tận, thay vì cứng rắn với Chu Đệ, thì đã chẳng có chuyện liên lụy đến mười đời quyến thuộc.

Nhưng là người đại diện cho một thế hệ Nho gia, liệu ông có lựa chọn đó hay chăng?

Dựa theo bài viết “Phương Hiếu Nhụ – Vũ Trần Thiệu và chữ Trung của Nho gia” đăng trên Fanpage “Hội những người thích tìm hiểu Lịch Sử”
Tác giả bài gốc: Minh Đức

Xem thêm:

Mời xem video: