Nhiều người thường cho rằng: Khổng Mạnh chủ trương quân chủ nên đường lối của Khổng Mạnh không liên hệ gì tới chế độ dân chủ. Lập luận như vậy không vững. Thật ra, nếu đối chiếu với chế độ dân chủ Tây phương, ta sẽ thấy chủ trương của Khổng Mạnh có nhiều điểm rất tiến bộ.

Bài viết này trích lại từ phần cùng tên của Bài số 3 sách Chính trị phổ thông, được dùng để giáo dục công dân các lớp đệ nhất và đệ nhị niên khóa 65-66 thời Việt Nam cộng hòa.

Chủ trương Khổng Mạnh và chế độ dân chủ Tây phương

1. Các đặc điểm của chế độ dân chủ Tây phương

a. Chủ quyền thuộc về dân.

b. Dân được quyền ủy nhiệm cho một số người hay mặt cầm quyền cai trị.

c. Sinh hoạt xã hội, tự do và quyền lợi người dân phải được quy định trên nền tảng Pháp luật.

d. Các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân biệt rõ ràng.

2. Đối chiếu {tương ứng các phần a, b, c, d} với chủ trương của Khổng Mạnh

a. Tại các nước dân chủ, người cầm quyền phải chịu trách nhiệm với dân. Theo Khổng Mạnh, người cầm quyền thừa mệnh Trời. Nhưng ý Trời thể hiện qua lòng dân, nên vua cũng phải chịu trách nhiệm với dân. Như vậy, tuy quan niệm về nguồn gốc chủ quyền có khác nhau, nhưng trách nhiệm người cầm quyền giống nhau.

b. Tại các nước dân chủ, qua các cuộc bầu cử, dân ủy nhiệm người nào, người đó sẽ nắm quyền cai trị. Theo Khổng Mạnh, Trời trao quyền cho vua. Nhưng Trời không trao quyền riêng cho ai. Ai có tài đức, làm điều thiện, hợp lòng dân thì Trời trao mệnh cho. Mạnh Tử còn nói rõ: Quyền cai trị do trời trao cho, nhưng dân có thuận thì mới được. Như vậy, tuy hình thức ủy nhiệm có khác nhau, nhưng kết quả giống nhau, ý nguyện người dân trong việc chọn người cai trị đều được tôn trọng.

Chủ trương Khổng Mạnh và chế độ dân chủ Tây phương
Khổng Tử. (Tranh trên bìa sách phương Tây: Confucius, Philosopher of the Chinese)

c. Chế độ dân chủ Tây phương đặc biệt chú trọng vào vai trò của pháp luật trong việc duy trì trật tự xã hội và bảo vệ quyền lợi người dân. Khổng Tử chủ trương nhân trị, lấy đức trị dân. Nhưng với thuyết chính danh định phận, nếu tất cả mọi người trong xã hội đều hành động đúng với cương vị của mình, thì dù không có luật pháp, trật tự xã hội vẫn được duy trì. Còn Mạnh Tử đi xa hơn, đã chú trọng tới luật pháp, tức là “phép công”. Từ vua tới dân đều phải trọng phép công. Như vậy, chủ trương của Mạnh Tử rất gần với chế độ quân chủ lập hiến.

d. Chế độ dân chủ Tây phương áp dụng sự phân quyền để tránh độc tài, chuyên chế. Khổng Mạnh chủ tưởng tập quyền cho việc nước được thống nhất. Nhưng không phải tập quyền mà vua có thể chuyên chế. Vua phải dựa vào ý nguyện dân để trị nước. Kẻ nào chuyên chế tức là nghịch lòng dân, trái mệnh Trời, sẽ bị phế bỏ đi. Như vậy, phương pháp cai trị khác nhau, nhưng mục đích vẫn giống nhau.

3. Kết luận

Qua các nhận xét trên, ta thấy tư tưởng chính trị của Khổng Mạnh quả có đặc biệt, và nhiều điểm rất tiến bộ.

Nhưng về sau, tư tưởng Khổng Mạnh đã bị sai lạc đi nhiều. Từ đời nọ qua đời kia, người ta vẫn ca tụng Khổng Mạnh, nhưng không ai chịu áp dụng một cách trung thực tư tưởng của các Ngài.

Có khi các vua chúa còn cố ý áp dụng sai lạc cái đạo của Khổng Mạnh để mưu lợi và củng cố địa vị cá nhân. Ví dụ quan niệm “trung quân” của Khổng Tử, đáng lẽ phải hiểu một cách rộng là trung quân quyền, trung thành với uy quyền Quốc gia. Nhưng để bảo vệ địa vị, các vua chúa đã giải thích quan niệm này một cách hẹp hòi là trung thành với cá nhân nhà vua, với dòng họ cầm quyền cai trị!

Vì tư tưởng của Khổng Mạnh rất gần với các tư tưởng dân chủ sau này, nên Tôn Dật Tiên đã có một nhận xét đáng lưu ý: “Vào thời Khổng Tử, Trung Hoa đã có tư tưởng dân chủ, nhưng chưa có một chế độ dân chủ.”

Theo Bài số 3 sách Chính trị phổ thông
Niên khóa 65-66 thời Việt Nam cộng hòa

Xem thêm:

Mời xem video: