Chúng ta là hậu duệ của Việt Vương Câu Tiễn?
Bảo kiếm của Việt Vương Câu Tiễn trong khu mộ cổ tại Hồ Bắc. (Ảnh: Siyuwj, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Trong cuốn “Việt Nam thời khai sinh”, tác giả Nguyễn Phương phân tích và đánh giá các thuyết khác nhau về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, trong số thuyết này có quan điểm khá lạ của 2 sử gia Pháp.

  • Edouard Chavannes trong khi dịch bộ Sử ký của Tư Mã Thiên, đoạn viết về nước Việt của Câu Tiễn, suy diễn rằng dân Việt của Câu Tiễn là tổ tiên của người An Nam.
  • Khai triển quan điểm trên, Léonard Aurousseau viết bài “Lần đầu tiên Trung Quốc chinh phục các xứ An Nam” đăng trên kỷ yếu của Trường Viễn Đông Bác Cổ năm 1923.

Ông chia miền Hoa Nam ra 2 khu vực: phía tây nam gồm Quế Châu, nam Tứ Xuyên và Vân Nam do người Nam Man chiếm cứ và phía đông nam gồm Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Việt và bắc Trung Việt do giống Bách Việt chiếm cứ, trong số này có người An Nam.

Để chứng minh dân Việt của Câu Tiễn là tổ tiên của người An Nam, ông đưa ra các điểm sau đây:

  • Hai giống dân cùng có họ Mĩ (có sách viết là Mị, tùy theo cách phát âm của mỗi địa phương).
  • Hai giống dân cùng có tục cắt tóc, xâm mình.
  • Hai giống dân nguyên cùng là dân nước Việt ở vùng Chiết Giang cho tới năm 333 Trước Tây Lịch (TTL) thì bị nước Sở chiếm đoạt. Từ đó dân Việt tan rã, phân tán đi các nơi, một số di cư tới vùng bắc Việt và bắc Trung Việt.

Trong cuốn “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam”, tác giả Đào Duy Anh cũng cho rằng dân tộc Việt Nam xưa là di duệ của Việt tộc và có quan hệ xa gần với nước Việt của Câu Tiễn ở Chiết giang.

Nước Việt của Câu Tiễn ở Chiết Giang

Vào thế kỷ thứ 9 TTL, sau khi Việt Thường tan rã vì sự bành trướng của nước Sở, một nhóm Việt tộc ở Giang Tây do một nhà quý tộc họ Mị lãnh đạo, di cư lên Chiết Giang. Tại đây, họ hợp nhất với nhóm Việt tộc sở tại thành một nước gọi là Ư Việt hoặc Vu Việt, nhưng sử Tàu gọi tắt là nước Việt. Trung tâm nước Việt là Cối Kê, trên cửa sông Chiết Giang (phủ Thiệu Hưng ngày nay).

Chúng ta là hậu duệ của Việt Vương Câu Tiễn?
(Ảnh do tác giả cung cấp)
Hau due Cau Tien 03
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Nước Việt bắc giáp nước Ngô, tây giáp nước Sở, phía đông là biển. Vì nước nhỏ dân ít nên nước Việt chịu làm chư hầu cho nước Ngô; sử Tàu đôi khi gọi Ngô Việt là do lẽ đó.

Cuối thế kỷ thứ 6 TTL, vua nước Ngô là Hạp Lư giận vua Việt là Doãn Thường không chịu liên kết với Ngô để đánh Sở nên đem quân trừng phạt Việt. Doãn Thường bị thua phải cầu hòa.

Năm 496 TTL, Doãn Thường chết, con là Câu Tiễn lên nối ngôi. Nhân dịp nước Việt có tang, Hạp Lư lại đem quân sang đánh.

Câu Tiễn dùng quân cảm tử giết được Hạp Lư tại trận.

Con vua Ngô là Phù Sai thề trả thù. Sau một thời gian chỉnh đốn lại quân ngũ, Phù Sai đem quân sang đánh Việt.

Câu Tiễn bại trận bị Phù Sai dồn vào một vùng thu hẹp ở Cối Kê. Từ đó nước Việt bị Ngô áp chế rất hà khắc.

Câu Tiễn nhẫn nhục nuôi chí phục hận. Vua đích thân cùng dân cày ruộng, vợ vua tự dệt vải may quần áo.

Được Phạm Lãi và Văn Chủng giúp kế hoạch phát triển nông và thương nghiệp, nước Việt dần dần hưng thịnh.

Theo dã sử “Đông Chu liệt quốc”, Phù Sai biết Câu Tiễn là người có chí quật khởi nên cảnh giác theo dõi mọi hành vi của kẻ dịch.

Nhằm đánh lạc hướng theo dõi của Phù Sai, Câu Tiễn dùng khổ nhục kế để tỏ cho Phù Sai thấy mình chỉ là kẻ yếu hèn nhu nhược.

Mặt khác, Câu Tiễn dùng mỹ nhân kế dâng Tây Thi cho Phù Sai.

Phù Sai đam mê sắc dục, sao lãng việc nước.

Năm 473 TTL Câu Tiễn tiến đại quân sang diệt nước Ngô; Phù Sai cùng đường phải tự sát.

Từ đó nước Việt cùng nước Sở xưng bá ở Giang Hoài.

Câu Tiễn quả là một anh hùng. Nước Việt từ thân phận chư hầu của nước Ngô nay trở thành một nước cường thịnh ngang hàng với nước Sở.

Sau Câu Tiễn, nước Việt còn cường thịnh được nửa thế kỷ thì bắt đầu suy. Cho tới năm 333 TTL, nước Việt bị nước Sở diệt. Dân Việt phân tán về phía nam kết hợp với các nhóm Việt tộc địa phương thành 5 nước, sử Tàu gọi là Bách Việt, như sau:

  1. Đông Việt hay Đông Âu ở miền Vĩnh Gia thuộc Ôn Châu trong tỉnh Chiết Giang ngày nay.
  2. Mân Việt ở Mân Huyện thuộc miền Phúc Châu trong tỉnh Phúc Kiến ngày nay.
  3. Nam Việt tức Quảng Đông.
  4. Tây Âu hay Tây Việt ở đông nam Quảng Tây.
  5. Lạc Việt ở bắc Việt và bắc Trung Việt ngày nay.

Nước Ngô trong tục ngữ và ca dao Việt Nam

Chúng tôi mạo muội dẫn chứng dân tộc Việt Nam là hậu duệ của Việt Vương Câu Tiễn qua tục ngữ và ca dao Việt Nam.

Kẻ thù truyền kiếp của nước ta là đế quốc Tàu, nhưng tục ngữ và ca dao của ta đều gọi Tàu là Ngô với giọng điệu hận thù hoặc nhạo báng.

Chúng ta có tục ngữ:

Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng.

Ngay cả ngôn ngữ chính thức cũng gọi Tàu là Ngô. Sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, Nguyễn Trãi vâng mệnh Lê Lợi viết bản tuyên ngôn độc lập mệnh danh là “Bình Ngô đại cáo”.

Một bài ca dao gọi vua Tàu là vua Ngô:

Vua Ngô băm sáu tàn vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô.

Vua Ngô bị đặt ngang hàng với một tên nghiện rượu chuyên quỵt nợ (nợ như chúa Chổm).

Mấy câu tục ngữ nhạo báng người Tàu:

  • “Hí hửng như Ngô được vàng”. Niềm vui được so sánh với sự may mắn hiếm có của người Ngô khi lượm được vàng.
  • “Xi xô như thằng Ngô vỡ tàu”. Người Tàu nói chuyện ồn ào như thằng Ngô kêu cứu khi tàu bị vỡ.
  • “Có mặt ông sứ, vắng mặt thằng Ngô”. Sứ giả Tàu sang nước ta, người phục dịch sứ quán gọi sứ giả là “ông sứ” nhưng gọi là “thằng Ngô” khi sứ giả vắng mặt.

Một phụ nữ Việt lấy chồng Tàu. Khi chồng chết, chị cũng giỗ tết theo phong tục:

Ba mươi Tết, Tết lại ba mươi
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú Khách
Một tay cầm cái dù rách
Một tay xách cái chăn bông
Em đứng bờ sông
Em trông sang bên nước người
“Ới chú Chiệc ơi là chú Chiệc ơi !”
Một tay em cầm quan tiền
Một tay em xách thằng bù nhìn, em ném xuống sông
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi
“Ới ai ơi của nặng hơn người”.

Thằng Ngô cũng được gọi là chú Khách hoặc chú Chiệc nhưng “chú”, gọi theo người Bắc, tương đương với vai em.

Nhưng tại sao người xưa gọi Tàu là Ngô?

  • Việt Nam từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức có định nghĩa nhưng không giải thích: Ngô = tên nước Đông Ngô đời Tam Quốc. Người An Nam thường dùng để gọi nước Tàu: bài cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi.
  • Việt nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa rõ hơn: Ngô = người Tàu, tên gọi từ khi nước Nam bị nhà Đông Ngô đời Tam Quốc cai trị.

Như vậy vì bị trị nên người xưa thù ghét gọi Tàu là Ngô.

Tuy nhiên theo chúng tôi, “Ngô” trong ngôn ngữ của người xưa không phải Đông Ngô đời Tam Quốc nhưng là nước Ngô đời Đông Chu, kẻ thù của nước Việt ở Chiết Giang.

Chúng ta biết trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, Đông Ngô chỉ cai trị nước ta 45 năm (220-265).

So với 331 năm cai trị của nhà Hán (111 TTL – 220) và 289 năm cai trị của nhà Đường (618 – 907), thời gian cai trị của Đông Ngô không đủ gây thù ghét cho dân ta. Nhất là, theo sử gia Trần Trọng Kim, nhà Đường cai trị nước ta ác nghiệt hơn cả. Vậy sự thù ghét của dân ta phải nhắm vào nhà Hán hoặc nhà Đường mới hợp lý.

Theo ý chúng tôi, đối với người xưa, đế quốc Tàu bị coi là đồng nghĩa với nước Ngô: kẻ thù của nước Việt ở Cối Kê.

Trong vòng 600 năm, từ khi lập quốc tới khi tan rã, nước Việt phải chịu làm chư hầu cho nước Ngô gần 500 năm. Trong thời gian làm chư hầu, tất nhiên nước Việt phải bị nước Ngô áp chế khổ nhục cho tới khi Câu Tiễn diệt được nước Ngô.

Do sự truyền khẩu qua nhiều đời (dã sử), người xưa coi đế quốc Tàu như nước Ngô thời Xuân Thu là kẻ thù xa xưa của tổ tiên khi còn ở Cối Kê thuộc miền Chiết Giang.

Từ suy diễn này, những câu tục ngữ và ca dao trên đây (và còn nhiều nữa) có thể là một bằng chứng cho thuyết dân tộc ta là hậu duệ của Việt Vương Câu Tiễn.

Bùi Quý Chiến
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (www.dslamvien.com)
Có bổ sung hình ảnh

Tham khảo:

  • “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim.
  • “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam” của Đào Duy Anh.
  • “Việt Nam thời khai sinh” của Nguyễn Phương.
  • “Tục Ngữ Phong Dao Việt Nam” của Nguyễn Văn Ngọc.

Xem thêm:

Mời xem video: