Hơn 20 năm về trước, tại Liên hoan Phim Venice năm 2001, bộ phim ngắn mang tên “Chuyến xe buýt số 44” (Bus 44) của nhà làm phim Mỹ gốc Hoa Dayyan Eng đã tạo ra một làn sóng làm chấn động khán giả. Bộ phim đạt giải thưởng đặc biệt (Special Jury Award) ở liên hoan phim Venice, sau đó tiếp tục đoạt giải tại liên hoan phim Sundance và liên hoan phim Cannes, điều chưa từng có tiền lệ đối với một bộ phim Trung Quốc. Điểm đặc biệt là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật xảy ra tại một vùng núi ở Trung Quốc.

Chút hồi tưởng về bộ phim "Chuyến xe buýt số 44"
Poster phim “Bus 44”. (Ảnh: IMDB)

Câu chuyện thật diễn ra như vậy. Một ngày nọ, một nữ tài xế đang điều khiển chiếc xe buýt trên con đường khúc khuỷu thì có ba “hành khách” bất ngờ rút dao trấn lột tiền của mọi người trên xe buýt. Sau khi lấy được tiền, chúng bắt nữ tài xế dừng xe và đi xuống, còn bảo cô rằng chúng sẽ hãm hiếp cô. Người phụ nữ đã la lớn để cầu cứu khi những tên côn đồ kéo cô xuống xe, nhưng không một ai trên xe lên tiếng trước lời khẩn cầu đầy tuyệt vọng của nữ tài xế – ngoại trừ một người đàn ông yếu ớt mà bọn du côn có thể dễ dàng hạ đo ván.

Người đàn ông kêu gọi hành khách trên xe giúp nữ tài xế, nhưng không ai động lòng trắc ẩn. Họ chỉ yên lặng nhìn nữ tài xế bị bọn côn đồ kéo vào bên đường và hiếp dâm tập thể. Một hành khách nói: “Tất cả là lỗi của cô ấy.”

Khoảng nửa tiếng sau, ba tên côn đồ kéo nữ tài xế quay lại. Mặt cô dính máu, quần áo xộc xệch. Nhưng dường như chẳng ai quan tâm, họ chỉ giục cô lái xe tiếp.

Nữ tài xế trấn tĩnh lại và nói với người đàn ông đã cố gắng giúp cô: “Xuống xe đi!” Khi anh ta từ chối xuống và cố gắng giải thích rằng anh ta đã không làm gì sai, anh đã cố gắng giúp đỡ, thì nữ tài xế nói sẽ không lái xe nếu anh không chịu xuống.

Mọi người trên xe bắt đầu quay sang người đàn ông đó và đuổi anh ta xuống xe để họ có thể tiếp tục lên đường. Một vài người thậm chí còn cố lôi anh ta ra khỏi xe. Trong khi đó lũ côn đồ thì tiếp tục trêu chọc nữ tài xế về sự việc đã xảy ra.

Nữ tài xế vứt túi đồ của người đàn ông ra khỏi cửa sổ, và khi anh ta xuống xe để nhặt nó, cô đã đóng cửa và khởi động xe.

Khi chiếc xe đến gần đỉnh núi, nữ tài xế bỗng tăng tốc. Nét mặt cô bình thản, nước mắt lăn dài trên má. Những hành khách trên xe bắt đầu thấy căng thẳng, bảo cô hãy đi chậm lại. Nữ tài xế không nói gì, chỉ giữ tốc độ tối đa cho tới khi chiếc xe lao xuống vực.

Người duy nhất còn sống sót trong chuyến xe buýt định mệnh đó chính là người đàn ông bị ép xuống xe.

  • Mời quý vị xem video: “Chuyến xe bus 44”: Khi đạo nghĩa không còn, nhân loại sẽ về đâu?

Thảm kịch “xe buýt 44” này khiến ta liên tưởng tới một vài điều, về chúng ta và cả về Trung Quốc. Còn nhớ cuối năm 2019, cuộc biểu tình của những người trẻ tuổi tại Hồng Kông diễn ra. Chưa bao giờ một sự kiện nhận được nhiều đồng cảm và dõi theo của giới trí thức Việt Nam đến thế. Cũng chưa bao giờ một sự kiện lại khiến người ta lo lắng cho tương lai của dân tộc đến như vậy.

“Rỗi việc”, “ngớ ngẩn”, “đang yên đang lành tự dưng đi biểu tình làm chi”… Có lẽ “vì sao?” là câu hỏi mà rất nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ Việt không thể nào trả lời được. Những sinh viên có chỉ số IQ cao nhất thế giới hy sinh tuổi thanh xuân của mình trên đường phố mịt mù hơi cay. Những nhân viên y tế trẻ tuổi lao vào giữa hiểm nguy để sơ cứu người biểu tình. Người đầu bếp can trường bất chấp đe dọa của cảnh sát một mực ở lại PolyU để lo bữa ăn cho đám thanh niên. Cậu bé 11 tuổi trốn mẹ xuống đường ủng hộ người biểu tình đòi nhân quyền, dân chủ… Vì sao?

Rất nhiều người Việt không biết là “vì sao?”.

Phải, “vì sao?”, nhưng những điều tương tự trong sử Việt đâu có thiếu.

Hơn 100 năm trước, cụ Phan Thanh Giản vì không giữ được thành Vĩnh Long mà vào một chòi tranh, tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống á phiện với dấm thanh để tự vẫn trong sự van xin của con cháu.

Cụ Hoàng Kế Viêm là phò mã nhà Nguyễn, bác dượng vua Tự Đức, thế mà chống lệnh triều đình, nhiều năm dẫn quân chống Pháp, lại ngầm giúp đỡ các cuộc khởi nghĩa, khiến người Pháp phải kính sợ.

Hơn 200 năm trước, tướng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu không giữ nổi thành Bình Định, một người tự thiêu, một người uống thuốc độc tự sát, để khỏi liên lụy binh lính toàn thành.

Đôi vợ chồng Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu kiên tâm chống giữ nhà Tây Sơn. Đến khi bị bắt, được vua Gia Long gia ân mà Trần Quang Diệu vẫn tạ từ: “nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu”, để rồi bị giết.

Hơn 600 năm trước, Lê Lai mặc áo vàng, dẫn hai con voi và 500 quân tới trại giặc khiêu chiến, dũng cảm đánh cho đến khi bị bắt, bị xử cực hình cực ác, vậy mà chưa từng hé răng. Tất cả chỉ vì để Lê Lợi thoát đi, sau này đánh bại quân Minh, lập ra triều đại quân chủ thịnh thế nhất trong lịch sử đất nước.

Hơn 700 năm trước, Trần Tử Đức dẫn quân Ngũ Yên tinh nhuệ chặn giặc Nguyên Mông, phía sau lưng ông, vua Trần rút lui tổ chức quân đội, dân chúng thành Thăng Long khẩn trương di tản. Sau hơn 10 ngày chặn giặc làm tròn nhiệm vụ, bị giặc vây, ông tuẫn quốc. Phu nhân của ông là Bùi Thiệu Hoa dẫn quân đến nơi an toàn, làm lễ tế chồng, rồi tự tử chết theo.

Những người ấy, họ không nhất thiết phải làm thế, phải vậy không? Nhưng trên đời này có một thứ được gọi là “chính nghĩa”. Những tấm gương trung liệt ấy trong lịch sử là vô số. Họ, nam có, nữ có, đã ở trong các hoàn cảnh khác nhau mà đặt định cho hậu thế nội hàm bao la của chữ “Nghĩa” này.

Xưa kia, khi bị áp giải đến Yên Kinh vì chống quân Nguyên Mông, Văn Thiên Tường đã từng viết:

“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.”

“Đời người xưa nay ai không chết? Lưu lại lòng son rọi sử xanh”, hai câu này đã trở thành một áng thơ tuyệt mỹ để tỏ bày lòng tin chính nghĩa không thể lu mờ, gửi cho hậu thế.

Ngày nay, ta thường nghĩ rằng: Ta sống tốt, ta cũng không hại ai hết, ta là người lương thiện. Nhưng mà ta có thật sự thiện lương không? Ta có thật sự sống với lương tri của chính mình hay không? Thấy điều ác, thấy điều trái lòng, dù ở Việt Nam hay ở một nơi xa xôi nào đó, bạn có từng lên tiếng, có từng hành động?

Martin Luther King từng nói rằng, “Sự bất công ở bất cứ đâu là mối đe dọa cho công lý ở khắp mọi nơi”. Nhưng mấy ai hiểu được lời nói đó? Nếu im lặng, không hành động, vì lợi ích bản thân, thì chính là đang tiếp thêm sức mạnh cho cái ác. Lẽ đời, tiếp sức cho cái ác, cái ác sẽ quay lại làm hại bạn.

Câu chuyện “xe buýt 44” đã đưa ra một thực tế đáng buồn về sự trượt dốc đạo đức sau hơn 70 năm bị chà đạp dưới chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nền văn hoá truyền thống và các đức tin đã bị thế chỗ bằng chủ nghĩa vô thần và thuyết đấu tranh giai cấp, bạo lực và lừa dối của Đảng. Quá nhiều người đã trở nên ích kỷ và vô cảm khi chứng kiến nỗi đau khổ của người khác.

Hãy nói về Hồng Kông và về đất nước Trung Quốc, cuộc biểu tình của người trẻ tuổi ấy không phải là sự bồng bột nhất thời. Trong khi những người Trung Quốc ở thượng tầng xã hội ảo tưởng về giấc mộng Trung Hoa, thì thực tế là tại đất nước này, thiên nhiên rên xiết, lòng người oán thán, phần lớn quan chức tham ô dâm loạn, những ai còn chút lương tri cũng thấy khó có thể ngẩng đầu khi ra ngoài thế giới văn minh.

Trải qua những cuộc vận động đẫm máu: cải cách ruộng đất, thủ tiêu tư sản, tiêu diệt trí thức, cách mạng văn hóa, đàn áp Tây Tạng, thảm sát Thiên An Môn, bức hại Pháp Luân Công, tẩy não và diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ…, xã hội dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hủy hoại và đè bẹp phẩm cách cao quý của con người Trung Hoa. Điều gọi là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” đã gần như biến mất trong dòng chảy hiện đại.

Những cá nhân với chính nghĩa và đức tin, từ các luật sư nhân quyền, những nhà hoạt động, những người trẻ tuổi Hồng Kông, cho tới những người có tín ngưỡng như Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Kitô giáo, Pháp Luân Công, tất cả đều rơi vào hoàn cảnh hiểm nghèo. Tuy nhiên trong bóng tối mới thấy được ánh sáng. Rõ ràng những con người kiên định đó lại chính là những người thắp sáng hy vọng cho một “Trung Hoa mộng” chân chính, nơi có nhân quyền, có tự do, có đức tin, có chính nghĩa, có sự thượng tôn trước hết là đạo đức rồi mới tới pháp luật.

Luật sư nhân quyền nổi tiếng Cao Trí Thịnh, người từng trải qua nhiều tra tấn thể xác và tinh thần trong nhà tù Trung Quốc vì dám đứng ra bảo vệ cho Pháp Luân Công, từng viết về lựa chọn chính nghĩa của mình như sau:

“Tôi lựa chọn con đường này, bất chấp những hiểm nguy sẽ tới, bởi vì tôi cho rằng đó là nghĩa vụ của tôi khi là một con người và khi là một người dân Trung Quốc.”

Người quân tử xưa, không bởi vì lâm vào nghịch cảnh, không bởi vì đối mặt với sinh tử, không bởi vì cám dỗ trước công danh lợi lộc, mà vứt bỏ tiết tháo, phẩm chất của mình. Họ đều có tín niệm kiên định phi thường lớn.

Trong xã hội coi trọng của cải tiền bạc ngày nay, để tìm được một người như vậy thực sự là khó. Nhưng chính trong xã hội hỗn loạn này, trong nguy nan khốn khó, trong hoàn cảnh “trắng đen lẫn lộn”, nếu như ai có thể vượt qua được những cám dỗ của danh lợi, không đánh mất bản tính chân thật, lương thiện, bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác thì người ấy chính là người có phẩm chất cao quý. Cho dù họ có phải chịu thiệt thòi trước mắt thì cuối cùng cũng sẽ nhận được phúc báo lâu dài. Họ chính là hy vọng của đất nước, là tương lai của dân tộc.

Trong thời gian đầy tai ương và dịch bệnh này, chẳng phải tất cả nhân loại đều đang ở trên “xe buýt 44” hay sao? Những mong tất cả chúng ta đều có thể khơi dậy được lòng chính nghĩa ẩn sâu trong mình. Hãy thiện lương hơn đối với mọi điều ta bắt gặp, bao dung hơn đối với những điều ta chưa hiểu hết, bởi vì “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?”, chỉ là Trời xanh thử lòng người mà thôi!

Minh Nhật

Xem thêm:

Mời xem video: