Làm từ thiện là hành động tốt đẹp đã tồn tại từ xa xưa trong xã hội loài người. Bởi nó bắt đầu từ thứ giản đơn như chuyện “nhường cơm sẻ áo”, nên ngay cả trong cuộc sống nguyên thủy nhất, nghĩa cử thiện lương này vẫn không hề thiếu vắng.

Khi tín ngưỡng tôn giáo phát triển, khái niệm từ thiện cũng mở rộng và mang nhiều hàm nghĩa hơn, trở thành những trải nghiệm tâm linh khiến nhân loại có thể tách khỏi thế giới vật chất và nhìn cuộc sống ở những khía cạnh khác. Bởi vì không có một logic nào về mặt vật chất để những con người vốn khỏe mạnh và giàu có hơn mong muốn nhường phần cho những người yếm thế.

Chút suy ngẫm về chuyện "làm từ thiện" ngày nay
(Tranh: Frederick Morgan, MutualArt.com, Public Domain)

Tuy nhiên khi nền văn minh vật chất ngày càng lấn át nền văn minh tinh thần thì chuyện làm từ thiện cũng trở thành một thứ gánh nặng, hoặc giả trào lưu. Có người tự cho rằng “làm từ thiện” không ít, nhưng phúc báo hay vui vẻ lại chẳng thấy đâu, những chuyện không như ý thì cứ nối tiếp đến… Kỳ thực nhiều người đã không còn hiểu rõ thế nào là “làm từ thiện”.

Người già trong quá khứ thường giảng: “Hành thiện tích đức”. Trong văn hóa truyền thống có câu: “Làm việc thiện, tích âm đức”, nhưng hàm nghĩa của những câu này thì người hiện đại không còn để ý.

“Âm đức” là gì? Từ “âm” ở đây không mang nghĩa của “âm” trong âm phủ. Từ “âm” này mang ý nghĩa là thầm lặng, ngầm, kín đáo, không hiển lộ ra bên ngoài, giống như ý nghĩa trong từ “âm thầm” vậy. Nó có nghĩa rằng người làm việc thiện chân chính là xuất phát từ nội tâm, họ không cầu danh, không cầu hồi đáp, không phô trương, hoàn toàn là ý định thiện lương thuần tịnh. Bởi vậy trong sử sách, những việc tốt được làm một cách âm thầm, kín đáo, lặng lẽ thì người xưa gọi là việc “đại thiện”.

Từ “âm” ở đây còn có một hàm ý nữa. Khi làm việc thiện mà mọi người cùng biết thì có tích được “âm đức” không? Kỳ thực muốn biết có tốt hay không thì cần phải xét xem cái tâm của người ấy ra sao. Nhưng cái tâm của một người ra sao là điều người ngoài khó mà biết được. Một người đang chân chính làm việc thiện từ nội tâm hay chỉ làm để người khác tôn kính mình hơn, coi trọng mình hơn, để xã hội tán dương mình hơn? Có những hành động trông thì là việc thiện, nhưng lại không hề tích được âm đức, bởi vì việc làm ấy đã phần nào trở thành phương tiện để truy cầu “danh”“lợi” cho bản thân họ.

Việc thiện chân chính trên thực tế là khó tìm, chính là tùy duyên mà đến, tùy tâm mà khởi. Đôn đáo khắp nơi, tìm kiếm nhiều ngày cũng chưa chắc đã tìm được một điều thiện. Hơn nữa “hữu cầu” mà tìm thì chính là lẫn vào tư tâm, không thể được coi là việc thiện. Bởi vậy văn hóa truyền thống cho rằng phúc đức của một người không phải cứ cố tình đi “hành thiện” là được. Phúc đức kỳ thực chính là do tu dưỡng mà có.

Muốn đổ nước đầy một cái thùng vỡ mà không sửa lại cái thùng là chuyện không thể. Muốn “tích phúc”, “tích đức” thì phải tự quan sát cái tâm của mình. Cái chúng ta cho đi nên là sự thiện lương, từ bi và niềm vui thay vì tư tâm, bảo vệ bản thân hay truy cầu danh lợi.

Có những người cho rằng xuất phát điểm của mình là thiện tâm, vì muốn tốt cho người khác. Nhưng trong quá trình “làm việc thiện” thì nào là oán trách, nào là thanh minh, nào là giận dỗi. Vậy thì cái người ấy quan tâm chỉ là cảm xúc của chính mình mà thôi.

Vậy nên hãy luôn giữ thiện tâm cho mình và trao gửi yêu thương cho người khác. Chớ làm việc ác, giữ thân ngay thẳng, giữ lời hoà ái, giữ tâm thiện lương, an ủi, chở che những người quanh mình, khiến họ cảm thấy an hòa và thư thái. Tâm tồn thiện niệm mới thực sự có thể cải biến cái gốc của vận mệnh, cũng chỉ có vậy mới có thể chân chính “làm từ thiện” mà thôi.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: