Trong cuốn nhật ký nổi tiếng của mình, nghị sĩ Anh quốc Samuel Pepys đã mô tả điều bản thân mình chứng kiến trong trận đại dịch hạch tại London năm 1665. Trong đó, ông cũng viết về hai ngôi sao chổi xuất hiện trên bầu trời London vào thời điểm đó. Một ngôi sao chổi xuất hiện vào cuối năm 1664, và một xuất hiện vào đầu năm 1665. Thời bấy giờ, các nhà chiêm tinh học đã cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy ma quỷ sắp giáng xuống nước Anh. Có vẻ như trước mỗi đai dịch quy mô lớn, trời đất đều có cảnh báo cho con người…

Hai năm trước đó, 50.000 người chết vì dịch hạch ở Amsterdam, Hà Lan. Nước Anh trao đổi thương mại rất thường xuyên với Amsterdam thông qua eo biển. Mặc dù tàu thuyền đã được kiểm dịch và cách ly nhưng Vương quốc Anh vẫn không thể ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh. Mùa xuân năm 1665, dịch hạch bắt đầu lây lan nhanh chóng ở London.

Dịch hạch và biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vượt qua thời hiện đại

Thời điểm đó, Anh quốc đã phát triển một bộ biện pháp chống dịch hạch hết sức nghiêm ngặt. Ngay từ năm 1518, chính phủ Anh đã ban hành Đạo luật dịch bệnh lần đầu tiên trong lịch sử. Sắc lệnh phòng chống dịch ban hành năm 1543 lại bao hàm hầu hết các biện pháp phòng chống dịch sau này. Năm 1578, chính phủ ban hành lại Luật phòng chống dịch, quy định rằng, nếu ai đó nhiễm bệnh, tất cả các thành viên trong gia đình họ không được phép ra ngoài. Những người vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Những người mắc bệnh mà đi lang thang bên ngoài sẽ bị tịch thu tài sản, tước quyền công dân, bị kết án trọng tội hoặc thậm chí bị tử hình. Những thành viên trong gia đình không bị nhiễm bệnh sẽ bị coi như những kẻ lang thang và bị đánh đòn hoặc bỏ tù nếu họ đi ra ngoài. Nói một cách ngắn gọn, ngoài “khẩu trang” ra, các biện pháp cách ly thời đó còn nghiêm ngặt hơn hiện tại.

Chút suy ngẫm về trận đại dịch hạch London 1665
Trận Đại dịch hạch tại London, năm 1665. (Tranh: Public Domain)

Sau khi dịch bùng phát vào năm 1664, thành phố London đã thực hiện các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hơn nữa. Các bước phòng chống dịch đều có cảnh sát, thẩm phán, người tìm kiếm tử thi, người khám nghiệm tử thi, lính canh, hộ lý phối hợp chặt chẽ… Chính phủ có quyền cô lập toàn bộ khu vực nhiễm dịch và cấm xuất nhập cảnh. Những người bị nhiễm hoặc nghi ngờ phơi nhiễm sẽ bị cảnh sát đưa đến trại cách ly, các công dân không hợp tác sẽ bị cưỡng chế. Nhằm ngăn chặn việc công dân bỏ trốn, chính phủ cử nhân viên chuyên trách theo dõi và trừng phạt nghiêm khắc. Việc kiểm soát dân di cư cũng được tăng cường hơn.

Nhiều người coi chính sách cách ly như một hình phạt từ chính phủ và chống lại nó. Họ tin rằng điều này vi phạm quyền và sự an toàn cá nhân của họ, nhưng họ thường phải nhận những hình phạt nặng nề hơn. Việc cách ly được mở rộng, không chỉ những người nhiễm bệnh bị cách ly mà một số người vô gia cư khỏe mạnh cũng bị hạn chế và trừng phạt.

Vào thời điểm đó, dịch bệnh cũng đã lan sang Pháp và các nước khác. So với các nước khác trong cùng thời kỳ, việc phòng chống dịch của Vương quốc Anh là toàn diện nhất. Tất cả các hoạt động vui chơi giải trí và tiệc tùng đều bị hủy bỏ, nhà hát, quán bar đóng cửa. Nhằm cắt đứt nguồn lây bệnh, tất cả chó, mèo, v.v. đều bị giết. Chính phủ tiếp tục đốt lửa trong thành phố, họ tin rằng nhiệt độ cao có thể làm sạch không khí, nên thường đốt ớt cay, men bia và trầm hương trên đường phố. Thuốc lá được cho là có tác dụng làm sạch không khí. Ở một số khu vực, học sinh đã được yêu cầu hút thuốc mỗi sáng để ngăn chặn sự lây lan của dịch hạch.

Nhưng liệu chính sách cách ly và các biện pháp phòng chống dịch này có ngăn chặn được sự lây lan của dịch hạch? Sự thật đã chứng minh là rất hạn chế.

Những lầm tưởng về sự biến mất của dịch hạch

Sự cô lập đã gây ra rất nhiều vấn đề vào thời điểm đó. Những người không nhiễm bệnh đã bị cách ly, điều này dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh giữa các thành viên trong gia đình. Các tài liệu thời đó cho thấy việc cách ly bắt buộc đã khiến nhiều thành viên trong gia đình tử vong. Những đám tang như vậy chiếm khoảng 1/3 đến 2/3 tổng số giáo phận.

Vào đầu tháng 9, những con đường đầy cỏ ở London hầu như không còn bóng dáng người đi bộ. Hàng đêm, tử thi nằm ngổn ngang được vận chuyển đến nhiều nơi khác nhau để chôn cất. Tiếng bánh xe chở xác và tiếng chuông xe khiến người ta rợn tóc gáy. Thành phố London nhộn nhịp đã hoàn toàn biến thành một thành phố chết.

Theo ghi nhận, bắt đầu từ tháng 10, số người chết mỗi tuần ở London đã vào khoảng 1.000 người. Sau đó, số người chết mỗi tuần tiếp tục tăng lên, mức cao nhất là 7.000 người chết mỗi tuần. Từ tháng 8 đến tháng 10, hơn 70.000 xác chết được chôn cất ở London.

Chút suy ngẫm về trận đại dịch hạch London 1665
Sơ đồ phân bố của dịch hạch tại London năm 1665. (Tranh: Wikipedia, CC BY 4.0) [This file comes from Wellcome Images, a website operated by Wellcome Trust, a global charitable foundation based in the United Kingdom. Refer to Wellcome blog post]

Vào tháng 9/1666, sau một trận hỏa hoạn ở thành phố London, dịch hạch đã biến mất đột ngột. Người ta nói rằng ngọn lửa đã thiêu rụi những ngôi nhà vệ sinh kém và nguồn gốc của bệnh dịch, là chuột và bọ chét, khiến bệnh dịch biến mất. Nhưng thống kê dịch tễ học lại cho thấy một thực tế khác: trên tất cả các thành phố ở châu Âu, dịch hạch đều biến mất gần như cùng một lúc. Đây quả thật là một bí ẩn.

Điều gì đã gây ra dịch hạch? Tại sao nó chỉ xảy ra ở nơi này mà không phải là nơi khác? Tại sao trong cùng một thành phố, nhà này hoặc khu này có dịch mà khu vực khác thì không? Tại sao người này mà không phải người kia nhiễm bệnh dù ở chung một nhà? Họ cùng ăn, cùng ở, cùng thở và cùng ngủ, thời đó lại không có khẩu trang, vậy thì điều gì tạo nên sự khác biệt này? Vấn đề này thì những người vô thần không thể nào giải thích nổi.

Một cách ứng xử hoàn toàn khác

Sau khi dịch bùng phát ở London, 200.000 người đã trốn chạy khỏi thành phố. Sau đó, chính phủ đã triển khai lực lượng cảnh sát để cô lập khu vực bị ảnh hưởng, và dòng người bị cấm. Nhiều nơi xung quanh khu vực dịch bệnh đều tự chắn đường, ngăn chặn những người chạy trốn tràn vào. Những người chạy trốn đều bị kỳ thị.

Câu chuyện về làng Eyam tại Derbyshire, Anh quốc được coi là trường hợp cách ly thành công trong đại dịch ở London. Nhưng trên thực tế, nếu quay trở lại bầu không khí lúc bấy giờ, sẽ còn nhiều cách lý giải hơn.

Làng Eyam nằm ở Derbyshire, Tây Bắc London. Vào tháng 9/1665, một mẫu vải được gửi từ London tới đã làm một thợ may ở làng Eyam nhiễm bệnh và chết. Ba tháng sau đó, 42 người dân làng Eyam cũng lần lượt nhiễm bệnh và chết.

Khi dân làng muốn bỏ trốn khỏi Eyam, vị linh mục đã thuyết phục mọi người ở lại. Linh mục tin rằng nếu đó là ý muốn của Chúa, thì trốn chạy cũng sẽ không thoát khỏi dịch bệnh, và nó sẽ lây lan sang các khu vực khác. Với niềm tin vững chắc, ông cho rằng người dân làng cần ở lại và và chuộc lại những tội lỗi đã khiến Chúa giáng xuống dịch bệnh, nếu dân làng ra ngoài thì sẽ liên lụy đến nhiều người khác. Vị linh mục cũng nói rằng ông thà chết một mình còn hơn khiến dịch hạch lây lan sang các làng mạc và thị trấn xung quanh.

Theo cách giải thích của Kitô giáo, dịch bệnh là hình phạt của Thiên Chúa dành cho tội lỗi của con người. Tuy nhiên việc cứu chuộc tội lỗi cũng được giảng giải rõ ràng trong Kinh Thánh. Vì vậy, tất cả mọi người cần giữ vững đức tin và bình tĩnh đối mặt. Thực tế, Martin Luther, một mục sư nổi tiếng đã khởi nguồn cho đạo Tin Lành, cũng thuyết phục mọi người đừng bỏ trốn trong đại dịch hạch trước đó khoảng 100 năm. Ông từng nói: “Khi hình phạt của Chúa đến, tốt nhất chúng ta nên chuẩn bị đầy đủ cho cái chết chứ không phải là lo sợ. Một lòng thủ giữ nguyên tắc của tình yêu và chức phận của riêng mình.”

640px Eyam Parish Church 1
Nhà thờ Giáo xứ Eyam. (Ảnh: Dave Papa, Wikimedia Commons, Public Domain)

Bấy giờ, chấp nhận sự thuyết phục của linh mục, dân làng Eyam xây dựng một bức tường bằng đá cách ngôi làng nửa dặm. Không ai từ bên trong Eyam, kể cả những người không có triệu chứng bệnh, được phép vượt qua ranh giới của bức tường cho đến khi ngôi làng không còn bệnh dịch. Để đảm bảo người dân không bị chết đói, họ đã thỏa thuận với Bá tước Devonshire và những thương nhân địa phương trong các thị trấn gần đó để lại hàng hóa và thuốc dọc theo ranh giới phía nam của Eyam. Đổi lại, dân làng trả tiền bằng các đồng xu được khử trùng trong giấm để trong các hốc tường đá. Trong thời gian Eyam tự phong bế, chỉ có hai người cố gắng rời khỏi làng.

Trong suốt mùa hè năm 1666, điều kiện ở Eyam bắt đầu tệ đi. Đến đầu tháng 8, cái chết diễn ra hàng ngày. Càng nhiều dân làng chết, mọi thứ càng bị lơ là. Nhiều nơi bị bỏ hoang và không ai sửa chữa. Khi người thợ khắc bia đá chết, dân làng phải tự khắc bia mộ. Một người vợ nông dân, Elizabeth Hancock đã chôn cất chồng và tất cả sáu đứa con của mình trong vòng 8 ngày. Cô buộc phải quấn chúng trong những tấm vải liệm, kéo chúng qua đường và chôn trên những cánh đồng quanh ngôi làng trong khu vực mà ngày nay được gọi là Nghĩa trang Riley.

Hành vi không bỏ chạy của dân làng Eyam đã phản ánh sự lý giải của họ về ôn dịch. Margarita, một người dân sống sót sau thảm họa, sau này cho biết: “Điều này quả thực rất đáng sợ. Nhưng mỗi gia đình chúng tôi đều không sợ chết vì tin vào Chúa và không lo lắng gì về cái chết.” Mặc dù ngày càng ít người sống sót, nhưng dân làng vẫn nhất quyết ra ngoài và cầu nguyện. Họ cầu nguyện và ăn năn, mong ngôi làng sẽ nhận được sự tha thứ của Chúa càng sớm càng tốt.

Khi khoảng 75% cư dân của làng Eyam chết, dịch bệnh tự biến mất, mặc cho sự tiếp xúc hàng ngày của tất cả dân làng. Điều này thì những người vô thần có giải thích được không?

Những lời nói khiến người ta phải suy ngẫm

Kitô giáo tin rằng ôn dịch là sự trừng phạt của Thiên Chúa. Quan niệm này cũng tương đồng với nhận thức của người có tín ngưỡng ở phương Đông. Thực ra trong đại dịch ở châu Âu, một số quốc gia vẫn ứng phó dịch hạch bằng các biện pháp tôn giáo: cầu nguyện, hối lỗi, xưng tội, ước thúc bản thân. Tuy nhiên trường hợp của Anh quốc lại khác, chính quyền hoàn toàn ly khai khỏi tôn giáo, chuyển sang thế tục hóa, đưa ra các chính sách ngăn chặn và kiểm soát theo cách phi tín ngưỡng.

Từ khi ôn dịch hoành hành ở châu Âu vào thế kỷ 14, rất nhiều người thường tin rằng dịch bệnh là sự trừng phạt của Thiên Chúa trước sự buông thả đạo đức của con người. Nói đúng hơn, bởi vì Thiên Chúa thất vọng trước sự sa đọa của con người nên không bảo hộ họ nữa, vì thế những linh hồn tà ác do tội lỗi của con người gây nên sẽ xâm chiếm cơ thể con người. Nói cách khác, dịch bệnh không chỉ bắt nguồn từ cái gọi là hiện thực sống của con người. Con người có một biện pháp hiệu quả nhất để đối diện với dịch bệnh, đó chính là tẩy tịnh tâm linh và tìm kiếm sự tha thứ và bảo hộ của Thần linh qua những lời cầu nguyện và xưng tội.

Cho đến thế kỷ 16, khi dịch bệnh bùng phát ở Ý, Pháp, Tây Ban Nha và các khu vực khác, thường có những buổi lễ cầu nguyện và diễu hành tôn giáo chưa từng có để cầu xin sự tha thứ từ Chúa Jesus, Đức Mẹ Maria hoặc các vị Thánh.

Nhưng cùng với những hiểu biết nhiều hơn về dịch bệnh và sự xa rời tín ngưỡng, thì vào thế kỷ 17, có thể thấy một sự thay đổi rõ rệt. Ở Anh vào thời điểm dịch hạch 1665, các hoạt động cầu nguyện và tôn giáo thường nhật bị nghiêm cấm. Liệu pháp tôn giáo truyền thống gần như hoàn toàn bị vứt bỏ. Chính phủ thực hiện chính sách cách ly bằng các biện pháp pháp lý và thế tục, mặc dù những người theo đạo tin rằng nó “không phù hợp với các nguyên tắc sùng thiện của Kitô giáo”.

Y học ban đầu phụ thuộc vào thần học. Người phương Tây tin rằng mọi nỗi đau đớn về thể xác và tâm hồn là có liên quan. Việc chữa lành thể xác phải đi kèm với chữa lành tâm hồn. Do đó, sự thánh thiện (holiness) và việc chữa trị (healing) có cùng một từ gốc. Sự cứu rỗi (salvation) và chữa trị (cure) cũng phái sinh từ một từ gốc.

Vào cuối thời kỳ Phục Hưng, y học dần rời xa thần học. Mọi người được hướng dẫn cách phòng chống dịch. Dường như thông gió tốt, môi trường sạch sẽ và chế độ ăn hợp lý có thể miễn dịch. Các bác sĩ thời đó “được giải thoát khỏi sự gò bó của tôn giáo”. Các bác sĩ nội khoa dường như biết rõ hơn cách làm giảm cơn sốt do dịch bệnh gây ra, các bác sĩ phẫu thuật cũng có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc loại bỏ các khối u mủ. Tuy nhiên, trong dữ liệu lịch sử, không có trường hợp nào phục hồi sau điều trị, nhưng lại có tử vong do phẫu thuật.

Chính phủ thừa nhận rằng không khí, nước hoặc vải len không sạch và các xác chết được chôn cất không hợp lý có thể mang virus khiến dịch hạch lây lan. Pháp luật tăng cường duy trì sức khỏe cộng đồng đô thị và loại bỏ tất cả các loại rác và ô nhiễm. Nhưng dịch bệnh vẫn cứ lan truyền.

Lúc đó, linh mục Thanh giáo người Anh Chadderton đã than thở: “Không phải việc dọn dẹp, giữ cho nội thất và đường phố sạch sẽ có thể xua tan cơn giận dữ của Đức Chúa Trời, mà là hãy tẩy tịnh tâm linh của chúng ta và giữ cho linh hồn chúng ta tránh xa tội lỗi”.

Trong 200 năm từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, có hơn 10 trận ôn dịch lớn ở thành phố London, trung bình cứ 20 năm lại có một đợt dịch bùng phát. Cuối thời kỳ dịch bệnh, mọi người chuyển sang các giải thích tôn giáo về ôn dịch và bắt đầu chú ý đến việc chữa lành tâm hồn, các bài thuyết giảng cũng thịnh hành hơn bình thường. Vì vậy, mỗi đợt dịch bùng phát luôn đi kèm với sự phát triển của đạo Tin lành và Thanh giáo. Nhưng sau khi ôn dịch đi xa, nhiều người lại ngựa quen đường cũ.

Khi đại dịch bùng phát vào năm 1665, London đã chuyển từ sử dụng gỗ sang dùng than làm nhiên liệu, hiệu quả sản xuất công nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã thu hút mọi thành phần dân cư đến thành phố để phát triển. Với sự đề cao của chủ nghĩa nhân văn, mà thực ra là sự tôn sùng cá tính và bản ngã, thì sự cao ngạo và dục vọng của con người cũng lớn hơn.

Tất nhiên, người hiện đại sẽ chấp nhận những suy luận được gọi là “khoa học” của các thế hệ sau. Họ tin rằng dân số đông đúc và điều kiện vệ sinh kém đã góp phần làm bùng phát đại dịch ở London, và sự thiếu ý thức phòng chống dịch của chính phủ và người dân khiến thảm họa là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, là quốc gia khởi nguồn của hệ thống y tế và phòng chống dịch hiện đại, trình độ y tế và khả năng phòng chống dịch của Vương quốc Anh lúc bấy giờ đã vượt xa các quốc gia cùng thời. Hơn nữa, Vương quốc Anh từ lâu đã thực thi luật dịch bệnh đầu tiên trong lịch sử và các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. So sánh với thời hiện đại, nếu sự thiếu ý thức của chính phủ và người dân đã gây ra thảm họa này, thử hỏi đã bao giờ nhân loại chuẩn bị sẵn sàng khi đối mặt với một đợt dịch bệnh nào trong vô số lần ôn dịch xảy ra trong lịch sử hay chưa? Nếu mật độ dân số cao, điều kiện sống kém, di chuyển nhiều là những nguyên nhân khiến ôn dịch bùng phát thì tại sao dịch bệnh lại không lây lan ở nhiều vùng khác có cùng điều kiện?

Điều mà trận đại dịch hạch ở London cho chúng ta thấy là, mặc dù chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng khi đối mặt với dịch bệnh, có rất ít yếu tố mà con người có thể kiểm soát được. Cuối cùng, sau khi ôn dịch đã thu thập đủ số người chết mình cần, nó lại đột ngột di tản khỏi nhiều nơi khác nhau cùng một lúc.

Trong trận dịch hạch ở London, những lời của một bác sĩ thời ấy có thể khiến chúng ta phải suy ngẫm:

“Điều gì đã gây ra dịch bệnh? Tại sao nó chỉ xảy ra nơi này mà không phải là nơi khác? Tại sao trong cùng một thành phố, nhà này hoặc khu này có dịch mà không khu vực khác thì không? Tại sao người này mà không phải người kia nhiễm bệnh dù ở chung một nhà? Họ cùng ăn, cùng ở, cùng thở và cùng ngủ trên một chiếc giường. Điều gì tạo nên sự khác biệt này? Là Đức Chúa Trời đang phân loại. Trong một khoảng thời gian, Ngài bảo vệ một bộ phận người này thay vì phần còn lại. Chúng ta phải tin rằng trong những thời khắc nguy hiểm như thế này, Chúa là Đấng duy nhất cai quản chúng ta”.

Ngày nay trong thế kỷ 21, sự phát triển y tế của con người và việc nâng cao sức khỏe cộng đồng đã đạt đến trình độ “tiên tiến” nhất trong lịch sử. Nhưng tại sao vẫn khó ngăn chặn sự lây lan của đại dịch trên thế giới? Điều có thể xua tan thảm họa là tẩy tịnh tâm linh của chúng ta.

Theo The Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tần Thuận Thiên
Thiên Cầm biên tập

Tài liệu tham khảo:

  • “Khoa học, công nghệ và xã hội ở Anh thế kỷ 17”, Merton
  • “Ôn dịch và xã hội ở Luân Đôn trong thế kỷ 16-17”, Giản Thường Lỗi
  • “Ôn dịch ở Anh thế kỷ 16 và 17 và phản ứng của chính phủ”, Chu Tường
  • “Bàn về đặc điểm của các biện pháp phòng chống dịch của Anh trong thời kỳ đầu cận đại”, Trần Khải Bằng
  • “Lời khuyên cho những người sống trong dịch bệnh và nạn đói”, Martin Luther
  • “Trải nghiệm cá nhân về ôn dịch ở London”, Địch Phúc
  • “Mối quan hệ giữa nhà thờ và chính phủ ở Anh trong bối cảnh của thế tục hóa”, Tôn Diễm Yến.

Mời xem video: