Sau khi xem Hiếu Kinh mới phát hiện ra trước đây lý giải về chữ Hiếu quả thực quá nông cạn, xưa nay chưa từng biết Khổng Tử đặt chữ Hiếu lên vị trí quan trọng như thế này, chỉ biết rằng ông đã nói: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm nết thiện thì chữ hiếu đứng đầu), mà không biết Khổng Tử cho rằng Hiếu là căn bản của tất cả đức hạnh, là cội nguồn của giáo hóa. Chữ Hiếu trong thể hệ tư tưởng Nho gia của Khổng Tử có một vị trí cực kỳ quan trọng, là cơ sở của hết thảy tiêu chuẩn đạo đức.

Chút suy nghĩ về lòng hiếu thảo của người xưa sau khi đọc “Hiếu Kinh”
(Tranh minh họa thời Tống, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Đối chiếu với nội dung của Hiếu Kinh, tự cảm thấy trước đây thực sự không biết thế nào mới là Hiếu chân chính, ngay cả chữ Hiếu cơ bản nhất chúng ta cũng không làm được. Khổng Tử nói: “Thân thể da tóc là nhận từ cha mẹ, không dám làm tổn hại, đó là bắt đầu của hiếu.” Ý nghĩa là chúng ta phải giữ gìn thân thể, bởi vì thân thể do cha mẹ cho. Rất nhiều lúc ngay cả điểm này chúng ta cũng không làm được, hút thuốc uống rượu vô độ, tổn hại cực lớn đối với thân thể mình. Nhất là con cái ở thời kỳ thanh xuân ngày nay, vì tâm lý nổi loạn nên dùng phương thức hành hạ thân thể mình. Đây thực sự là đại bất hiếu.

Lần đầu tiên nghe thấy những lời kiểu này kỳ thực không phải ở Hiếu Kinh mà là khi xem phim Tam Quốc Diễn Nghĩa. Hạ Hầu Đôn giao chiến với Cao Thuận, bị Tào Tính bắn một mũi tên trúng mắt trái. Hạ Hầu Đôn thét lên một tiếng, lập tức dùng tay nhổ tên, không ngờ nhổ theo cà tròng mắt, bèn hô lớn rằng: “Tinh cha huyết mẹ, không thể vứt bỏ”. Nói rồi lập tức cho vào miệng nhai, rồi lại múa giáo đánh ngựa xông lên bắt Tào Tính. Xem màn này, thật khâm phục viên mãnh tướng, nhưng lại không biết những lời ông nói là từ Hiếu Kinh mà ra. Mãnh tướng giao chiến giữa hàng vạn quân vẫn không mất đạo Hiếu. Đây có thể nói là công lao giáo dục của Nho gia.

Trong Hiếu Kinh đề cập ba giai đoạn nhân sinh mà người hiếu hạnh cần trải qua. “Phù hiếu, sử ư sự quân, trung ư sự vua, chung ư lập thân”, nghĩa là Hiếu bắt đầu bằng phụng sự cha mẹ, rồi đến phụng sự quốc quân, cuối cùng là lập thân. Cúc cung tận tụy, trung thành với quốc gia, làm mẫu mực cho muôn đời, tất là đều là Hiếu.

Khổng Tử nói mục đích cuối cùng của đời người là lập thân ở giữa Trời đất. Chúng ta muốn lập thân ở giữa Trời đất thì cần phải làm được đức thuận với Trời, tuân theo Đạo Trời. Đồng hóa với Đạo Trời, thực thi Đạo Trời, từ đó khiến bản thân trường tồn. Người ta hay nói “Kiến công lập nghiệp”, nhưng kiến công lập nghiệp chỉ là hiển dương danh tiếng, nhưng về phương diện hiển dương Đạo, thi hành Đạo thì còn có khác biệt lớn. Có người kiến công lập nghiệp là thông qua làm tổn hại người khác mà đạt được, đó chính là điều gọi là “Một tướng công thành vạn xương khô”. Có người lại thông qua việc tuân theo Đạo Trời để trị sửa quốc gia để đạt được kiến công lập nghiệp, ví như vua Nghiêu Thuấn Vũ Thang. Thế nên ai tốt ai xấu là có thể phân biệt được.

Trong mục Văn Vương phần Đại Nhã sách Kinh Thi có câu, dịch thơ như thế này:

Ân đức tổ tiên mãi nhớ thương
Kế thừa đức lớn lại hoằng dương.

Bởi vì đối với người xưa mà nói, thành tựu của bản thân là kết quả của sự giáo dục và bảo hộ của ông bà tổ tiên. Người đời sau công thành danh toại, đức hạnh để lại tiếng thơm cho hậu thế, đó chính là Hiếu.

Ngày nay, mọi người luôn có nhận thức méo mó về chữ Hiếu, cho rằng ăn ngon mặc đẹp, đáp ứng nhu cầu của cha mẹ tức là hiếu thuận. Còn nhớ dạo trước có tin tức như thế này ở Trung Quốc, một ông lão bị bắt vì chơi gái. Khi cảnh sát hỏi tuổi cao thế này tại sao lại làm việc như thế này. Ông lão nói đó là quà sinh nhật của con. Người con trai này có vẻ như là hiếu thuận với cha, thỏa mãn nhu cầu của cha, nhưng lại dùng hình thức như thế này để biểu đạt, thực tế đó là một loại tư duy hoàn toàn vứt bỏ hết đạo đức nhân nghĩa, chỉ còn thỏa mãn dục vọng cá nhân.

Về phương diện kiến công lập nghiệp, quan niệm cũng bị méo mó rất ghê gớm. Rất nhiều người cho rằng kiếm được nhiều tiền, làm quan chức to tức là mình có bản sự rồi, như thế là có thể che chở bảo vệ cha mẹ anh em mình, khiến họ hạnh phúc. Nhưng chức quan này làm thế nào có được, đồng tiền này làm thế nào kiếm được thì họ chưa bao giờ suy nghĩ đến.

Con người phải tuân theo đạo đức nhân nghĩa, tuân theo Đạo Trời, khiến bản thân có thể lập thân giữa trời đất, không hổ thẹn với Trời Đất, mới trở thành mẫu mực muôn đời. Đó mới là kiến công lập nghiệp chân chính. Những người vinh diệu hiển quý nhất thời kia, ví như những gian thần trong các triều đại lịch sử, tuy đương thời quyền hành khuynh đảo, vẻ vang vô hạn, nhưng điều để lại chỉ là danh tiếng bị người đời nguyền rủa. Thế thì những người như thế này làm sao có thể đem lại vinh diệu cho tổ tiên được? Những gì họ đem lại cho cha mẹ anh em chỉ là sự sỉ nhục.

Qua việc đọc Hiếu Kinh có thể sửa chữa quy chính quan niệm méo mó hình thành dưới sự giáo dục và xã hội hiện đại. Bởi vì Hiếu Kinh dựa trên cơ sở Đạo Trời, lẽ Trời, trên cơ sở văn hóa truyền thống luân lý đạo đức con người. Những quan niệm ngày nay rất nhiều đều là không chú trọng đạo đức, hơn nữa là những nhận thức nông cạn về sự vật, hoàn toàn vứt bỏ trí tuệ của các bậc cổ Thánh tiên hiền.

Theo “Đọc Hiếu Kinh suy nghĩ về quan niệm biến dị”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Kính Chỉ

Xem thêm:

Mời xem video: