Ngày đầu năm âm lịch (đúng hơn là âm dương lịch hay nông lịch) là Tết, đây là ngày lễ lớn nhất trong năm của dân tộc Việt từ cổ xưa truyền lại. Nói rõ hơn, ngày Tết này là một lễ hội lớn của những người thuộc vùng đất Bách Việt xưa kia chứ không xuất phát từ người Hoa Hạ.

Chút tản mạn về chuyện người Việt xưa đón Tết
(Ảnh minh họa: Vietnam Stock Images. Shutterstock)

Nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước

Xét về huyền sử thì người Hoa xem Thần Nông là thủy tổ của mình thời Tam Hoàng, trong khi đó người Việt cũng xem Thần Nông là thủy tổ của mình. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” ngay từ phần lời tựa Ngô Sĩ Liên đã chép rằng: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam-Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”. Huyền sử cho rằng vương quốc của Thần Nông rất rộng lớn, bao trùm cả sông Dương Tử, một phần sông Hoàng Hà. Thần Nông cai quản phương nam nên còn được gọi là Viêm Đế, chữ Viêm (炎) do 2 chữ hỏa chồng lên nhau, mà hỏa thuộc phương nam.

Nếu xét về phương diện dân tộc thì người Bách Việt vốn sở hữu nền văn minh lúa nước, còn người Hoa Hạ thì học hỏi và thừa kế nền văn minh lúa nước trong quá trình nam tiến. Tộc Bách Việt vẫn sống ở phía nam sông Dương Tử từ lâu đời (đến ngày nay hậu bối của tộc Bách Việt chính là các dân tộc thiểu số còn sót lại ở phía nam sông Dương Tử). Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, người Bách Việt phần nhiều vẫn sống ở vùng đất phía nam Trung Nguyên, có thể nói là vùng đất của nước Sở, nước Ngô, nước Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc và kéo dài thêm xuống phía nam. Nước Sở, nước Việt trong một thời gian dài bị coi là man di, không được liệt vào hàng chư hầu của Trung Nguyên như Tề, Tấn, Lỗ, v.v.., điều này được ghi chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên. Người Bách Việt cùng các dân tộc phía nam có truyền thống trồng lúa nước, còn người phương bắc Trung Nguyên bấy giờ không có tục lệ này.

Ngày Tết là ngày đặc biệt của nền văn minh lúa nước, là dịp lập xuân, bắt đầu của một năm trồng trọt mới. Các dân tộc như Mường, Nùng, Thái, Tráng, Chàm… cho đến cả vùng đông bắc Ấn độ, Nepal, Mustang, Munda… đều có ngày này.

Sau này người Bách Việt bị đẩy lui dần về phương nam, một bộ phận ở phương nam lập quốc (Đại Việt – Đại Nam – Việt Nam), còn những người còn sót lại thì đã trở thành các dân tộc thiểu số sống ở Trung Hoa. Người Việt tới thời cận đại gọi ngày Tết là “tiết Nguyên Đán”, “Nguyên” (元) là bắt đầu, “Đán” (旦) là chỉ sáng sớm với hình tượng mặt trời vừa nhô lên khỏi đường chân trời. Do từ “Tết” vốn không có sẵn trong tiếng Hán (nhưng có sẵn trong rất nhiều ngữ hệ thuộc văn minh lúa nước), và ở một mức độ nào đó là tương đương với “tiết”, nên chúng ta dùng từ này trong Hán Nôm.

Người Trung Hoa có cách gọi đơn giản cho ngày này là “tân niên” (nông lịch tân niên hay năm mới nông lịch), trong quá trình lịch sử họ cũng gọi đây là Tiết Nguyên Đán. Trong Tấn Thư có ghi chép cho rằng từ Nguyên Đán xuất hiện từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, cụ thể “Chuyên Đế lấy tháng đầu mùa xuân làm Nguyên, lấy ngày đầu tiên của tháng đó là Nguyên Đán”. Tuy nhiên trong lịch sử Trung Hoa, ngày “tân niên” thì lại thay đổi qua rất nhiều tháng trong năm, đến thời nhà Hán mới quy định trùng với tháng Giêng nông lịch (âm dương lịch – ở ta gọi là âm lịch).

Như vậy xét về lịch sử mà nói, ngày Tết của một dải văn minh lúa nước phía nam Trung Nguyên trở xuống, trong đó có người Bách Việt, là có trước ngày “tân niên” của Trung Hoa.

Cùng với sự pha trộn và định hình văn hóa, ngày Tết của người Bách Việt xưa đã trở thành Tết Nguyên Đán ngày nay. Phong tục đón Tết của Đại Việt vào thời kỳ tự chủ có một vài nét chấm phá được ghi chép lại như sau.

Đón Tết trong cung đình

Chốn cung đình của người Việt thường có những thủ tục cho ngày Tết khác với dân gian. Sách “An Nam chí lược” của Lê Tắc vào thế kỷ 13 có ghi chép khá cụ thể về những nghi lễ này. Theo đó, trước ngày Tết vài hôm, vua và các quan phải tế điện Đế Thích, rồi sau đó bái yết các bậc Tiên Vương. Đêm 30, các thầy tu được mời vào cung làm lễ xua đuổi tà ma.

Vào ngày Tết Nguyên Đán, từ rất sớm, các con cháu trong hoàng tộc, các quan cận thần đã vào bái kiến vua trên điện Vĩnh Thọ. Sau đó, vua quan vào bái vọng tổ tiên.

Buổi sáng, vua ngồi trên điện Thiên An, các phi tần, quan lại và con cháu cùng rót rượu dâng lên ba lượt, sau đó tham gia yến tiệc đến trưa thì lần lượt lui ra.

Mồng hai Tết, quan lại được ở nhà làm lễ riêng. Còn mồng ba Tết, vua xem đánh bóng gấm. Đến mùng năm Tết thì làm lễ và ăn yến xong, các quan được đi lễ chùa miếu, du ngoạn các vườn hoa.

Đón Tết trong dân gian

Lê Tắc chép vắn tắt rằng vào thế kỷ 13, ngày Tết, “dân gian thì mở cửa đốt pháo tre, cỗ bàn trà rượu cúng tổ. Con trai con gái nhà nghèo, không có người mai dong để làm hôn lễ, thì tự mình phối hợp với nhau.” Kỳ thực xưa nay, chuyện ăn Tết trong dân gian không thay đổi nhiều lắm, ngoại trừ việc “nhảy múa như điên” mà Khổng Tử ghi lại trong Kinh Lễ.

Trước khi vào ngày Tết, dân gian nhộn nhịp chuẩn bị sắm tết từ sớm, chuẩn bị pháo, đồ thờ cúng tưởng nhớ tổ tiên, và nhiều đồ để nấu các món ăn ngày Tết. Người làng ở nơi xa cũng về đoàn tụ cùng gia đình chuẩn bị đón Tết.

Các thầy đồ nghĩ ra các câu đối chúc Tết hay nhất. Cách tết vài hôm, nhà nào cũng trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, dán câu đối đỏ trước cửa, bàn thờ được lau chùi sạch sẽ chuẩn bị cúng gia tiên.

Có nhiều nhà dùng tre chặt thành “cây nêu”, nhằm ngăn ma quỷ xâm phạm vào vùng đất của người lúc Trời đất giao hòa.

Đúng vào giao thừa, nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng, đánh trống đốt pháo chào đón thời khắc năm mới đến.

Sau lễ cúng gia tiên thì con cháu sẽ chúc thọ ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ sẽ mừng cho con cháu vài xu đến vài hào gọi là mừng tuổi. Anh em họ hàng đến nhà nhau lạy gia tiên, hỏi thăm sức khỏe rồi chúc nhau năm nay được vạn sự như ý, rồi cùng ngồi nói chuyện, ăn bánh mứt.

Xưa tùy theo gia cảnh mà có nhà ăn tết chỉ một ngày, có nhà ba ngày, cũng có nhà đến bảy ngày.

Từ ngày mùng hai tết trở đi, người thì chọn ngày xuất hành, người thì lấy cành hoa cài vào cánh cửa gọi là đi hái lộc. Người thì chọn du ngạn ngắm cảnh xuân, kẻ thì đến chùa chiền làm lễ, nhiều người đi dự lễ hội xuân của làng.

Người làm quan thì chọn ngày khai ân, học trò thì chọn ngày khai bút, những nhà bán buôn chọn ngày tốt để mở lại cửa hàng.

Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt, có từ ngàn xưa đến nay. Đây là dịp để gia đình đoàn tụ sum họp, hỏi thăm mừng tuổi nhau, cũng là dịp bày tỏ kính ngưỡng đối với Trời đất cũng như tổ tiên. Mỗi dịp Tết đến là người Việt quây quần bên nhau nhớ lại lời dạy của tổ tiên từ xa xưa qua những câu truyện được truyền lại.

Từ tấm lòng kính ngưỡng đó người dân mong muốn có được một năm mới hạnh phúc, dồi dào sức khỏe, người thân gặp được nhiều may mắn.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: