Trên sa trường khi hai quân giao chiến, thường xảy ra chuyện lạm sát vì muốn giành thắng lợi. Vậy mà quân không tiến, ngược lại còn chủ động lùi lại 90 dặm, là đạo lý gì? Chính là ở một chữ Tín.

Chuyện báo ân thời xưa: Giữ chữ tín, lùi quân 90 dặm
(Tranh: Public Domain)

Tấn Văn Công là vua nước Tấn thời Xuân Thu, họ Cơ, tên là Trùng Nhĩ, là con thứ của Hiến Công, đại huynh trưởng là thái tử Giáp Sinh.

Hiến Công sủng ái Ly Cơ. Ly Cơ vì muốn lập con trai mình là Hề Tề làm thái tử mà làm loạn giết thái tử Giáp Sinh. Từ đó Trùng Nhĩ phải lưu lạc xứ người suốt 19 năm.

Suốt quãng đường đời lưu lạc, Trùng Nhĩ bị đối xử trong sự khinh miệt, ghẻ lạnh. Sau này lưu lạc tới nước Sở, ông được Sở Thành Vương tiếp đãi bằng lễ nghi dành cho chư hầu.

Sở Thành Vương quan sát Trùng Nhĩ, biết rằng ông là một bậc hiền tài, nên một hôm đã dò hỏi ông: “Sau này nếu ngài có thể về nước, ngài sẽ báo đáp ta thế nào?”

Trùng Nhĩ nói: “Mỹ nữ gấm lụa, chim đẹp, chim quý, da thuộc… những thứ quý báu này quý quốc đều đã có. Những thứ dư thừa mới chảy về Tấn quốc, ta có thể dùng bảo vật trân quý gì báo đáp Ngài đây?”

Sở Thành Vương vẫn tiếp tục dò hỏi: “Chắc hẳn là có cách!”

Trùng Nhĩ ngẫm nghĩ một lát rồi đáp: “Vạn nhất sau này hai nước Tấn Sở thực sự giao tranh, ta sẽ lui lại nhường ngài 90 dặm.” (Nguyên văn: “Tấn Sở trị binh, ngộ vu Trung Nguyên, kỳ tịch quân tam xá.” – Thời xưa một xá là thời gian hành quân một đêm, tương đương 30 dặm cổ đại.)

Trùng Nhĩ nói tiếp: “Nếu vẫn không nhận được quân lệnh ngừng chiến của ngài, thì ta sẽ cưỡi ngựa, cầm cung tiễn ứng chiến, quyết thắng thua với ngài một phen.”

Lúc đó Tử Ngọc, thần tử của Sở Thành Vương cầu xin vua giết Trùng Nhĩ. Sở Thành Vương là một bậc quân tử có tấm lòng độ lượng, ông khen ngợi Trùng Nhĩ: “Tấn công tử tấm lòng quảng đại lại giản tiện, văn chương tài hoa mà không kiêu ngạo. Những người theo ông đều nghiêm cẩn mà khoan dung, trung thành lại có năng lực. Họ đều không phải những người bình thường. Lại nói, ta nghe nói rằng người họ Cơ (Trùng Nhĩ họ Cơ) là con của Chu Vũ Vương, là đời sau của Đường Thúc Ngu, em trai của Chu Thành Vương. Xem ra sau này Tấn công tử sẽ chấn hưng cục diện suy bại này. Trời sẽ chấn hưng Tấn quốc, sao có thể phế được đây? Vi phạm ý trời ắt gặp đại hoạ!”

Thế là Sở Vương tiễn Trùng Nhĩ tới nước Tần, nước lân cận với nước Tấn. Sau này Trùng Nhĩ được nước Tần giúp đỡ quay trở về nước Tấn lên ngôi hoàng đế, trở thành Tấn Văn Công, một trong ngũ bá nổi tiếng thời Xuân Thu.

Năm Hy Công thứ 28 (tức năm 632 TCN), nước Sở bao vây nước Tống, nước Tống cử đại phu đến nước Tấn thông báo khẩn. Quân đội của nước Sở và nước Tấn gặp nhau trên sa trường.

Giữ chữ tín, Tấn Văn Công đã thực hiện lời hứa của mình, lui binh trước 90 dặm để báo ơn. Quân đội nước Sở muốn dừng chiến, nhưng chủ soái Tử Ngọc lại muốn thừa cơ truy đuổi, hai quân giao chiến tại Thành Bộc. Đây chính là trận chiến Thành Bộc nổi tiếng trong lịch sử thời Xuân Thu. Kết quả là quân Sở thảm bại, Tấn Văn Công nhờ trận Thành Bộc uy danh lừng lẫy, đã đặt định nền tảng cơ nghiệp bá vương của mình.

Quả thực người giữ chữ tín mới có thể có chỗ đứng trong thiên hạ. Tấn Văn Công đã thực hiện lời hứa “Nhường ngài 90 dặm” và giành thắng lợi vẻ vang, không chút hổ thẹn.

Thiên Cầm

Xem thêm:

Mời xem video: