Trong lịch sử, Đại Lý đã hai lần phải đối mặt với đại quân Mông Cổ. Theo người Bạch kể lại thì họ đã chặn đứng được quân Mông Cổ, nhưng sự phản bội đã khiến Đại Lý gặp thất bại.

Đại Lý dưới thời Đoàn Thị trị vì rất yên ổn. Việc giao thương với bên ngoài mà không gây chiến khiến Đại Lý có được mấy trăm năm phát triển rực rỡ. Tuy nhiên đến thế kỷ 13, vó ngựa quân Mông Cổ tung hoành khắp nơi, tràn xuống phía nam, khiến Đại Lý không sao tránh khỏi cuộc chiến giữ nước, đối mặt với đế quốc Mông Cổ hùng bá khắp thế giới này.

ban do dai ly
Bản đồ Đại Lý năm 1142 SCN, trước giai đoạn quân Mông Cổ diệt Kim, diệt Tống, làm chủ Trung Nguyên. (Ảnh: Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Đánh lui 20 vạn đại quân Mông Cổ

Sau khi đánh chiếm nước Kim, quân Mông Cổ chia nhiều hướng tiến đánh Tống. Nhưng hướng Đại Lý có hai con sông là Đại Độ Hà và Kim Sa Giang ngăn chặn nên cánh quân Mông Cổ theo hướng này bị cản không tiến vào Tống được.

Năm 1244, Mông Cổ đưa 20 vạn quân vượt Đại Độ Hà, tấn công Đại Lý từ phía thượng du sông Kim Sa, với ý định chiếm Đại Lý rồi tiến vào Tống.

Vua Đại Lý lúc đó là Đoàn Tường Hưng sai đại tướng Cao Thái Hòa cầm quân chống giặc. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt tại Cửu Hòa (nay là huyện Nạp Tây, tỉnh Vân Nam).

Trong cuộc chiến tại Cửu Hòa, quân Mông Cổ dù đông hơn Đại Lý rất nhiều nhưng bị đánh bại và phải rút về. Dù vậy, đại tướng Cao Thái Hòa các cùng tướng Cao Phúc Thiện, Cao Minh Thắng, Cao Chính Vận… và hầu hết quân chủ lực của Đại Lý đều nằm lại nơi chiến trường.

Triều đình Đại Lý sau đó đã xây tháp Bạch Vương nhằm siêu độ cho các tướng sĩ đã nằm lại nơi chiến trường. Nhà Tống cũng cho sứ giả sang ai điếu. Tháp Bạch Vương vẫn còn đến ngày nay.

Thất bại trong cuộc chiến lần 2

Năm 1253, Đại Hãn Mông Kha cử Hốt Tất Liệt đưa 10 vạn quân tiến đến Đại Lý. Đến Tứ Xuyên, quân Mông Cổ chia làm 3 cánh, Hốt Tất Liệt chỉ huy cánh quân chủ lực vượt qua Đại Độ Hà, tiến đến sông Kim Sa, rồi đến Lệ Giang.

Quân Đại Lý tập trung ở thung lũng Nhĩ Hải, lợi dụng địa thế hiểm trở quyết chặn quân Mông Cổ không cho tiến sâu vào lãnh thổ. Cuộc chiến nơi đây rất quyết liệt, quân Mông Cổ nhiều lần tấn công nhưng đều thất bại.

Không tiến được, quân Mông Cổ 3 lần cho sứ giả chiêu hàng nhưng vua Đoàn Hưng Trí và Thiện Xiển hầu Cao Thái Tường không hàng mà quyết chiến đến cùng.

Theo chuyện của người Bạch (dân tộc làm chủ Đại Lý), quân Mông Cổ tìm được kẻ phản bội Đại Lý làm nội ứng, dẫn họ theo con đường bí mật vượt qua dãy Thương Sơn rồi bất ngờ từ trên cao đánh úp quân Đại Lý. Quân Đại Lý không thể chống nổi phải rút lui, quân Mông Cổ đuổi theo chiếm được thành Diêu Châu, bắt được Thiện Xiển hầu Cao Thái Tường. Trước khi mất, Cao Thái Tường nói rằng: “Vận họ Đoàn đã tận, là Trời khiến như thế, kẻ làm tôi chết vì vua ấy là bổn phận”.

Vua Đoàn Hưng Trí đưa quân đến thành Thiện Xiển, năm sau thì Ngột Lương Hợp Thai đưa quân đến đánh. Vua chạy đến Nghi Lương thì bị bắt vào năm 1256.

Chuyện Đại Lý hai lần đối mặt với đại quân Mông Cổ
Bên ngoài thành cổ của Đại Lý. (Ảnh: Meiqianbao, Shutterstock)

Đại Lý thất trận chấn động đến Đại Việt

Việc Mông Cổ chiếm được Đại Lý gây chấn động đến Đại Việt bởi biên giới hai nước đã liền kề nhau.

Năm 1257, Chủ trại Quy Hóa tên Hà Khuất cho người cấp báo tin về Thăng Long. Theo đó, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hơp Thai dàn đại quân ở biên giới, uy hiếp, đe dọa, chuẩn bị sai sứ giả đến chiêu hàng.

Tin tức quân Mông Cổ sắp đánh Đại Việt nhanh chóng lan khắp Kinh thành, Triều đình lo lắng nghĩ cách đối phó. Được sự tiến cử của Huệ Túc Phu Nhân, vua Trần Thái Tông đã bỏ qua việc Hưng Đạo Vương có thù nhà với mình, quyết định để Hưng Đạo Vương làm Tiết chế ba quân chống giặc.

Hưng Đạo Vương không thủ thành mà cho quân chặn đánh nhằm tiêu hao binh lực Mông Cổ rồi rút đi để bảo toàn lực lượng, thực hiện “vườn không nhà trống”, “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh”, “dùng đoản binh phá trường trận”.

Với kế sách này Hưng Đạo Vương cùng toàn quân Đại Việt đã 3 lần đánh bại đại quân Mông Cổ, lưu lại giai đoạn lịch sử xán lạn cho con dân Đại Việt.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: