Ngày nay, những người có thành tựu cao, có điều kiện vật chất đầy đủ thì không thiếu, nhưng liệu mấy ai có thể để tâm từng ly từng tí đến cha mẹ mình? Vậy mới thấy vào thời xưa, một vị Hoàng đế ở trên muôn người vẫn tận lực quan tâm đến bệnh tình của mẹ, tự tay chăm sóc khi mẹ đau ốm là một điều đáng quý. Đó chính là lòng hiếu thảo của Hán Văn Đế.

Lòng hiếu thảo của Hán Văn Đế
Một bức tranh mô tả lại cảnh Hán Văn Đế phụng dưỡng mẹ. (Họa sĩ Ryusai Shigeharu, The Trustees of the British Museum, Public Domain)

Hán Văn Đế tên thật là Lưu Hằng, là người con thứ tư của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Mẹ của ông là Bạc phu nhân, người đất Ngô. Ngay từ nhỏ, Hán Văn Đế đã là một đứa bé vô cùng hiểu chuyện và rất hiếu thảo với mẹ của mình.

Hàng ngày, việc đầu tiên mà ông làm ngay khi rời khỏi giường là đến chào hỏi mẹ. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, ông cũng đều đến hỏi thăm mẹ một lần.

Khi Hán Văn Đế vừa lên ngôi thì Bạc Thái hậu bị bệnh kéo dài ba năm liền không dậy nổi. Dù là Hoàng đế, ông vẫn tận tâm dốc sức ở bên giường chăm sóc mẹ, không đêm nào ngủ tròn giấc. Có những hôm ở bên giường bệnh chăm sóc mẹ, sợ mẹ tỉnh dậy gọi mà không thấy nên ngay cả quần áo tọa triều, ông cũng không thay.

Mỗi khi thuốc được thái y sắc mang lên, Hán Văn Đế đều tự mình nếm thử trước xem thuốc có nóng không, có đắng quá không rồi ông mới mời mẹ uống.

Bạc Thái hậu chứng kiến sự vất vả của con trai liền nói: “Trong cung có nhiều người như vậy, đều có thể chăm sóc cho ta. Hoàng thượng không cần phải vất vả chăm sóc ta như vậy. Hơn nữa, bệnh của ta cũng không phải hai, ba ngày là khỏi ngay được.”

Hán Văn Đế nghe xong lời Thái hậu, liền quỳ sụp xuống đất: “Nếu con không thể ở bên cạnh, tự thân chăm sóc mẫu thân thì đến lúc nào mới có cơ hội?”

Ba năm sau, Thái hậu rốt cuộc dần khỏi bệnh. Tất cả mọi người đều nói rằng đó là nhờ vào công chăm sóc phụng dưỡng của Hán Văn Đế. Cũng từ đó về sau, văn võ bá quan và dân chúng càng thêm kính yêu và noi theo Hoàng đế.

Hiếu thảo là cái gốc làm người – Kỳ II: Người con nếm thuốc cho mẹ
Một bức tranh mô tả lại cảnh Hán Văn Đế phụng dưỡng mẹ. (Họa sĩ Utagawa Kuniyoshi, 1848, Public Domain)

Hán Văn Đế không chỉ là một người con hiếu thảo mà còn là một vị Hoàng đế khiêm nhượng và tiết kiệm. Ông từng muốn xây một đài lộ thiên tại Ly Sơn nhưng sau khi người thợ thủ công ước lượng chi phí xây dựng mất khoảng 100 lượng vàng, thì ông nói: “Cái đó tương đương với tài sản của khoảng 10 gia đình trung lưu. Tiên Đế đã lưu lại cho ta nhiều cung điện và đình đài. Ta luôn lo ngại không tích đủ công đức sẽ làm ô danh Tiên Đế. Làm sao ta có thể nghĩ tới việc chi nhiều tiền và nhân công hơn vào việc xây dựng khán đài này?” Thế là ông lập tức hủy bỏ kế hoạch này.

Theo các ghi chép lịch sử, trong triều đại của Văn Đế, không có sự nâng cấp với các cung điện, vườn cảnh, trang phục, xe cộ và ngựa, v.v… Ông không làm gì ảnh hưởng tới lợi ích của chúng dân. Mặc dù Văn Đế là Thiên tử, y phục thường ngày của ông được làm bởi những tấm lụa dày và thô. Ông thậm chí còn lệnh cho Thận phu nhân, người được ông sủng ái, không được mặc những bộ váy dài. Giường ngủ của ông cũng rất đơn sơ và không màu mè, diêm dúa. Văn Đế sống thanh đạm như thế để làm gương cho thiên hạ.

Văn Đế cũng ra lệnh rằng lăng mộ của ông phải được xây dựng bằng gốm, không được sử dụng kim loại quý như vàng, bạc, đồng, hoặc thiếc để trang trí lăng mộ. Ông cũng ra lệnh cho quần thần không được tạo phần mộ cao, để tiết kiệm nhiều nhất có thể và không được phiền nhiễu tới cuộc sống và canh tác của dân chúng.

Trong 23 năm Hán Văn Đế tại vị và cả sau này khi con trai ông là Hán Cảnh Đế kế vị, thì nhà Hán vô cùng hưng thịnh, sử sách gọi thời kỳ này là “Văn Cảnh chi trị”.

Theo Vision Times tiếng Trung
Uyển Như biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: