Người anh hùng Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” dù hy sinh, nhưng hậu duệ của ông sau này đã đánh tan quân Chiêm Thành trong hoàn cảnh không còn ai dám đánh, cứu nhà Trần khỏi bị sụp đổ sớm.

Chuyện hậu duệ Trần Bình Trọng đánh tan quân Chiêm Thành
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Câu nói bất hủ

Năm 1285, quân Nguyên tiến đánh Đại Việt lần thứ hai với đội quân lên đến 50 vạn. Hưng Đạo vương cho quân vừa đánh vừa lùi để tiêu hao bớt đối thủ và bảo toàn lực lượng.

Quân Nguyên tiến vào kinh thành Thăng Long, Trần Hưng Đạo cho quân chủ động rút lui thực hiện kế vườn không nhà trống. Chiếm kinh thành Thăng Long nhưng không thấy quân chủ lực nhà Trần, quân Nguyên lập tức đuổi theo vua Trần.

Thoát Hoan chọn những tướng giỏi và quân thiện chiến nhất của mình đuổi theo vua Trần. Để nhà Vua và quân chủ lực rút đi, Hưng Đạo Vương cho quân chặn quân Nguyên ở Thiên Mạc, đặt dưới sự chỉ huy của Trần Bình Trọng.

Trần Bình Trọng hoàn thành trọng trách này, nhưng quân của ông bị tiêu diệt hết, bản thân ông bị bắt. Quân Nguyên hỏi Trần Bình Trọng có muốn làm Vương không, ông đáp rằng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Trần Bình Trọng bị quân Nguyên giết đi, nhưng thời gian mà ông và binh lính đổi bằng mạng sống đã khiến quân chủ lực của Đại Việt rút lui kịp. Chiến thắng của Đại Việt sau này có công lớn của Trần Bình Trọng, ông được phong làm Bảo Nghĩa vương, trở thành người anh hùng của đất nước.

Trần Bình Trọng dù mất nhưng cháu của ông là Trần Khát Chân vẫn một lần nữa lưu danh sử sách.

Văn võ toàn tài

Trần Khát Chân sinh năm 1370, là hậu duệ của Trần Bình Trọng, ông không chỉ học chữ nghĩa mà còn luyện võ thuật, đánh trận, văn võ toàn tài. Ông thi đỗ Thái học sinh (tương đương tiến sĩ) năm 1388 khi mới 18 tuổi.

Lúc này Chiêm Thành dưới thời vua Chế Bồng Nga trở nên hùng mạnh. Trong khi đó các vua Trần lại không còn niềm tin tín ngưỡng, cũng không còn dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân như các đời Vua đầu nên ngày càng yếu.

Trần Khát Chân dù thi đỗ, lại văn võ toàn tài, nhưng không được nhà Trần trọng dụng, chỉ giữ chức chỉ huy nhỏ trong quân đội.

Quân Chiêm ra vào Thăng Long như chỗ không người

Tháng 3/1371, Chế Bồng Nga tiến đánh Đại Việt. Quân Chiêm chiếm được Kinh thành Thăng Long, vua Trần Nghệ Tông phải trốn đến ở Cổ Pháp, làng Đình Bảng. Quân Chiêm tràn vào Kinh thành cướp phá xong rồi rút về.

Vua Nghệ Tông lên làm Thượng hoàng, truyền ngôi Vua cho em là Trần Duệ Tông. Năm 1377, vua Duệ Tông thống lĩnh 12 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành, thế nhưng Vua không nghe lời đại tướng quân, bị trúng kế của Chế Bồng Nga khiến quân Đại Việt thảm bại, vua Trần bị tử trận (Xem bài: Hạ nhục đại tướng quân, vua Trần tử trận giữa kinh thành nước Chiêm).

Sau đó Chế Bồng Nga cho quân bắc tiến, dùng mưu đánh bại quân nhà Trần. Quân Chiêm vào thành Thăng Long như chỗ không người, vua Trần sợ quân Chiêm như sợ cọp. Lê Quý Đôn mô tả rằng: “Vua (Chế Bồng Nga) ra vào Việt Nam như đi vào chỗ không người, chỉ trong mấy năm đến phá kinh đô 3 lần, làm cho vua tôi phải kinh hoàng” .

Chuyện hậu duệ Trần Bình Trọng đánh tan quân Chiêm Thành
Bản đồ Chiêm Thành năm 1380 rộng lớn dưới thời vua Chế Bồng Nga. (Ảnh: Chibaodoanle, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Thời thế tạo anh hùng

Tháng 10/1389, Chế Bồng Nha cho quân tiến đánh Thanh Hóa. Thượng hoàng Nghệ Tông sai Hồ Quy Ly đến đánh. Chế Bồng Nga ở thượng nguồn sông Lương, ông cho đắp đập ngăn sông phía thượng lưu, cho đóng cọc dày, bố trí tượng binh và bộ binh mai phục, rồi vờ rút quân đi.

Hồ Quý Ly tưởng quân Chiêm rút lui liền đem quân truy kích, nào ngờ bị trúng phải trận địa mai phục của quân Chiêm. Chế Bồng Nga cho phá đập nước khiến quân Trần bị thiệt hại nặng nề, nhiều tướng bị bắt sống hoặc tử trận. Hồ Quý Ly để một số tướng ở lại cầm cự còn mình thì rút chạy về kinh thành. Quân Trần ở lại cũng không cầm cự được và phải rút lui, Chế Bồng Nga  đuổi theo đến Hoàng Giang.

Hồ Quý Ly chạy đến Kinh thành xin thêm binh thuyền ra đánh, nhưng Thượng hoàng Nghệ Tông không nghe theo.

Bấy giờ tướng Nguyễn Đa Phương thua trận trở về công khai nói Hồ Quý Ly bất tài. Quý Ly bèn dèm với Thượng hoàng là mình thua do nghe theo lời của Đa Phương, Thượng hoàng liền cách chức Đa Phương.

Lúc này một số Hoàng tộc cùng các binh tướng nhà Trần đã ra hàng quân Chiêm. Quý Ly e Đa Phương bị cách chức cũng đầu hàng nên tâu giết chết Đa Phương. Cuối cùng Thượng hoàng Nghệ Tông ép Phương phải tự vẫn. Các tướng khác giao chiến với quân Chiêm bị thua nhiều lần nên sợ hãi bỏ trốn cả.

Quân Chiêm tiến đến sông Hoàng Giang (thuộc Hà Nam ngày nay), Kinh thành náo loạn. Cũng như những lần trước Vua tôi nhà Trần chuẩn bị đồ đạc của cải mang theo chạy khỏi Kinh thành.

Thượng hoàng Nghệ Tông sợ hãi quân Chiêm, nhưng lúc này hết cách, vì các tướng trốn biệt nên đành cử tướng cấp thấp là Đô tướng Trần Khát Chân chặn quân Chiêm. Trần Khát Chân phụng mênh dẫn quân đi.

Đánh tan quân Chiêm khiến Chế Bồng Nga tử trận

Trần Khát Chân đưa chiến thuyền đến sông Hoàng Giang thì thấy nơi đây địa thế không thuận lợi để ngăn quân Chiêm. Tháng 1/1390, Trần Khát Chân chọn vị trí ở ngã ba sông Hải Triều (tức sông Luộc) và sông Nhị Hà đặt phục binh.

Đầu năm 1390, quân Chiêm cùng hàng binh nhà Trần tiến đến Hải Triều thì bị quân của Trần Khát Chân chặn lại. Lúc này phía quân Chiêm có một tiểu tướng phạm tội, sợ biết giết nên sang đầu hàng quân Đại Việt, đồng thời chỉ cho Trần Khát Chân biết thuyền màu xanh lục là thuyền của Quốc Vương.

Khi hai bên giáp chiến, Trần Khát Chân cho hỏa pháo nhắm vào thuyền vua Chiêm mà bắn, kết quả Chế Bồng Nga trúng đạn tử trận, quân Chiêm bị đánh tan.

Đám hàng binh nhà Trần đi theo quân Chiêm sợ hãi tranh nhau lấy thủ cấp vua Chiêm dâng lên Trần Khát Chân để lấy công chuộc tội. Trần Khát Chân cho người mang thủ cấp Chế Bồng Nga đến Bình Than báo tin thắng trận cho Thượng hoàng biết.

Theo Ngô Thì Sĩ mô tả, khi tướng Phạm Như Lạt đưa đầu của Chế Bồng Nga đến trình báo Thượng hoàng Trần Nghệ Tông vào giữa canh ba, Nghệ Tông hoảng hồn tưởng mình đang bị vây bắt. Nghe tin thắng trận, Nghệ Tông nửa tin nửa ngờ liền cho triệu tập các quan để xem cho kỹ. Các quan mặc triều phục, đến và hô “Vạn tuế!”. Lúc này Nghệ Tông mới yên tâm mà nói: “Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ, thiên hạ yên rồi!”.

Chế Bồng Nga chết, quân Chiêm thua trận bỏ chạy, quân nhà Trần đuổi sát theo sau. Tình huống quân Chiêm nguy cấp khiến tướng chỉ huy là La Ngai phải cho rải tiền của cướp bóc được ra để quân nhà Trần mải nhặt tiền của, nhờ đó mà chạy thoát.

Trần Khát Chân được thăng chức từ Đô tướng lên Long Tiệp bổng thần nội vệ Thượng tướng quân, gia phong tước Vũ tiết quan nội hầu và được cấp hai tổng Đông Thành và Nguyễn Xá làm thái ấp; sau lại ban thêm xã Kẻ Mơ (nay là Hoàng Mai) cho ông và người em là Trần Nguyên Hạng.

Chiêm Thành thua trận, Vua mất, từ đó không còn dám đánh Đại Việt nữa.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: