Người học trò thời xưa phải kinh qua một con đường học hành vất vả, thường bắt đầu tìm thầy học khi lên 6, 7 tuổi, trải qua hàng chục năm, có những người ngoài 50 tuổi mới đỗ đạt.

Thầy đồ trong làng

Người thầy đầu tiên của học trò thời xưa thường là thầy trong làng, còn được gọi là thầy đồ. Người thầy này thường là những người có học nhưng không đỗ đạt cao, chưa qua được kỳ thi Hội, hoặc có người thi đỗ nhưng không muốn ra làm quan, hoặc là quan lại nghỉ hưu về làng dạy học.

Thầy đồ vì yêu con chữ, quý học trò mà mở trường làng truyền chữ, cũng là để kiếm kế sinh nhai. Thầy đồ vốn hay chữ nên được dân làng kính trọng, tin tưởng mà trao con đến học. Nhiều người thầy được ưu danh như Chu Văn An, Trần Ích Phát v.v..

Thầy giáo làng thường chọn khuôn viên trong vườn nhà mình để dựng trường. Tùy trường lớn nhỏ mà mỗi trường làng có từ 30 đến 100 học trò. Tùy theo trình độ và khả năng của thầy làng mà mỗi trường chia làm 4 lớp từ thấp đến cao lần lượt là Ấu học, Sơ học, Trung học, Cao học.

Trương Văn Hiến: Người thầy của ba anh em nhà Tây Sơn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Lớp ban đầu là ấu học và sơ học thì học trò phải học một ngày 2 buổi, nếu học trò ở xa (làng khác đến học) có thể ở lại nhà thầy. Lớp trung học thì tùy mà mỗi ngày học 1 hay 2 buổi. Đến lớp cao học thì thường học trò đã biết nhiều chữ nghĩa rồi, nên chỉ đến nghe thầy giảng giải về đạo nghĩa, nhận đề bài luận rồi về nhà làm, sau đó nộp bài luận cho thầy, thầy sẽ xem góp ý sửa chữa. Học trò lớp cao cũng tự tìm hiểu xem các sách Thánh Hiền, điều gì không biết sẽ hỏi thầy để thầy giảng giải.

Vì thầy làng có khả năng khác nhau, nên nhiều trò giỏi khi học hết chữ của thầy phải đến làng khác tìm thầy học. Đến lớp cao học, có những trò giỏi không thỏa mãn cách lý giải của thầy, nên phải tìm học với thầy giỏi.

Đi học

Trẻ em lên 6, 7 tuổi là được cha mẹ gửi đến thầy. Học trò thời xưa trước khi đi học phải cùng cha mẹ cúng lễ trước bàn thờ tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho con mình học giỏi, trở thành người có lễ nghĩa, trọng đức. Sau làm lễ trước tổ tiên, cha mẹ dẫn con đến nhà thầy làm lễ trước bàn thờ đức Khổng Tử, cáo lạy ngài có thêm một trò mới.

Đến khi học trò được 15-18 tuổi thì chữ nghĩa đã hiểu. Đến lớp cao hơn, thầy sẽ dạy văn thơ cùng đạo đức của Nho gia. Đến lớp cao hơn nữa thì trò phải tự làm thơ phú, diễn giảng được các kinh sách, điển cố cũng như tư tưởng của các bậc Thánh Hiền. Học trò với nhau xưng hô là môn đệ, học một thầy thì gọi là đồng môn.

Kẻ Vẽ: Làng khoa bảng nổi danh nhất Thăng Long
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Ngày xưa học trò lớn tuổi nhất lớp hoặc người tạo được uy tín trong lớp, được đồng môn hoặc thầy giáo chỉ định sẽ được làm Trưởng Tràng để lo sinh hoạt cho các đồng môn.

Trưởng Tràng cùng các đồng môn sẽ tìm chọn Giám Tràng để phụ giúp Trưởng Tràng. Thầy giáo cũng sẽ chọn ra vài người làm Cán Tràng để giúp đỡ Giám Tràng và Trưởng Tràng trong việc chung của trường.

Tình nghĩa thầy trò

Ngày xưa quan hệ vua tôi, thầy trò, cha con được gọi là  “quân, sư, phụ”, nghĩa là Vua được tôn kính nhất, sau đến thầy, rồi đến cha con. Người thầy khi xưa còn đứng trước cả cha mẹ. Học trò thời xưa có tình nghĩa với thầy rất sâu sắc, “sư” còn đứng trước “phụ”, vì thế mà học trò luôn lễ phép và giúp đỡ thầy khi cần. Khi thầy mất, dù đã học xong nhưng các trò cũ đều loan tin đến viếng thầy và chịu tang.

Điển hình nhất về tấm gương và đạo nghĩa thầy trò là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi Lương Đắc Bằng đỗ Bảng nhãn làm quan cho nhà Lê, nhận thấy nhà Lê đang suy vi, liền dâng 14 kế sách gọi là “trị bình” mong Vua áp dụng để trị quốc. Vua Lê không nghe can gián nên Lương Đắc Bằng cáo quan về quê dạy học. Ông yêu quý học trò, truyền dạy hết chữ nghĩa và đạo lý làm người, học trò của ông sau này rất nhiều người thành tài làm quan lớn và nhân sĩ có tiếng.

Khi Lương Đắc Bằng mất, học trò các nơi truyền tin cho nhau và cùng kéo đến viếng thầy ở làng Hội Triều rất đông. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ở lại nhà thầy chịu tang suốt 3 năm xong mới rời đi, thể hiện tấm lòng và nghĩa cử đối với người thầy rất sâu sắc.

Chu Văn An là người thầy vang danh trong sử Việt, học trò của ông hầu hết đều công thành, làm quan đầu triều. Tể tướng Phạm Sư Mạnh và Lê Quát đều là đại thần trong triều nhưng dịp lễ tết vẫn đến thăm thầy, giữ lễ nghĩa lạy hỏi dưới giường.

Một lần Tể tướng Phạm Sư Mạnh đến thăm thầy đúng dịp chợ đông đúc nên bị nghẽn đường, quân lính phải ra roi dẹp đường cho quan Tể tướng đi. Khi vào nhà, thầy nói rằng: “Về thăm thầy mà làm náo động cả bàn dân thiên hạ” rồi bỏ vào nhà trong. Phạm Sư Mạnh biết tội nên rất ân hận, dù là Tể tướng vẫn quỳ gối mãi đợi thầy hết giận.

Học trò được học những gì?

Ngày xưa trẻ phải học theo các cuốn “Sơ học vấn tân”, “Tam tự kinh”, “Tứ tự kinh”, “Ngũ ngôn”, “Ấu học ngũ ngôn thi”.

Sau khi học thông “Hiếu kinh” thì học trò học tiếp “Tứ thư” “Ngũ kinh”. “Tứ thư” bao gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. “Ngũ kinh” bao gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Xuân Thu, Kinh Dịch, Kinh Lễ. Đây là sách gối đầu giường của các sĩ tử khi xưa.

Ngoài ra học trò thời xưa phải thông hiểu về lịch sử, bách gia, chư tử, cửu lưu, luận giải rành mạch kinh sách cũng như tư tưởng của các bậc Thánh Hiền như Khổng Tử, Mạnh Tử, v.v..

Khoa thi

Năm 1075 thời nhà Lý đánh dấu kỳ thi khoa bảng đầu tiên, tìm người hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc. Trạng nguyên khai khoa là Lê Văn Thịnh đã góp công lớn khi đòi được các vùng đất ở biên giới với nhà Tống gồm 6 huyện và 3 động lại cho Đại Việt. Sau việc này ông được phong làm Thái sư tức quan đầu Triều. Các khoa thi tiếp theo đã tìm ra được nhiều người có tài phụng sự cho Xã Tắc.

Chuyện học trò đi học thời xưa
Cảnh trong trường thi thời xưa. (Tranh: Huongdieu, Flickr, Le perit Journal 1995)

Một khoa thi có 3 kỳ thi là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Để được dự kỳ thi Hương, sĩ tử phải được xã trưởng ở địa phương xác nhận là có tư cách đạo đức. Sau đó phải qua được kỳ kiểm tra sát hạch bằng cách phải ghi chép lại “Tứ thư” “Ngũ kinh” chính xác. Thi Hội và thi Đình được tổ chức ở Kinh thành, còn kỳ thi Hương các chức ở các tỉnh.

Trường thi Hương được dựng từ bãi đất bằng phẳng rộng hàng trăm mẫu, xung quanh có rào tre được lính canh gác cẩn mật. Trường có 9 cửa ra vào, ở giữa là các phòng cho các quan chấm thi. Các quan trường thi do Triều đình bổ nhiệm gồm có chánh chủ khảo, phó chủ khảo, nhân viên khảo thí.

Thi Hương từ lúc đăng ký, lên danh sách, thi qua tứ trường, chấm thi, yết bảng kết quả thường kéo dài hơn 1 tháng. Sĩ tử đến trường thi thường mang theo lều chõng, nhận được chỗ thì dựng lều rồi làm bài thi.

Trước khi thi Sĩ tử cũng tự mua giấy bản, đóng thành 4 quyển, mỗi quyển dày khoảng 10 tờ, ghi rõ tên tuổi nơi sinh, rồi nộp cho quan Đốc học của tỉnh. Quan Đốc học gửi lại các quyển đến trường thi. Khi thí sinh vào trường thi sẽ được nhận lại các quyển của mình để làm bài.

Thi Hương có tứ trường (tức 4 vòng), qua được tam trường là đỗ tương đương tú tài, qua được tứ trường mới được xem là đỗ thi Hương tương đương với cử nhân ngày nay và được tham dự kỳ thi Hội ở Kinh thành.

Sĩ tử qua được tứ trường kỳ thi Hội mới được xem là đỗ, tương đương Tiến sĩ (tức Thái học sinh) và được tham dự kỳ thi Đình  ở sân điện của nhà Vua. Thi Đình không có ai rớt cả, đây là cuộc thi nhằm phân định cấp bậc Trạng nguyên, Bãng nhãn, Thám hoa…

Lịch sử khoa bảng đã sản sinh ra nhiều áng văn trị quốc bất hủ, một số vẫn còn được lưu lại tại thư viện của Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Trần Hưng

Tài liệu tham khảo:

  • “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh
  • “Nếp cũ, tín ngưỡng Việt Nam” của Toan Ánh
  • “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm

Xem thêm:

Kính mời xem video: