Cổ nhân có câu nói: “Ai mà không có sai lầm? Sai mà có thể sửa, ấy là việc tốt nhường nào”. Văn hóa truyền thống cho rằng có thể nhận ra và sửa sai là một đức hạnh cao đẹp của con người. Những người dũng cảm đối mặt với thiếu sót và chỉnh sửa bản thân tốt chính là người đáng ngưỡng mộ. Chuyện về Tể tướng Mã Chu thời Đường được chép trong Thái Bình Quảng Ký là một ví dụ khá kỳ lạ.

Chuyện kỳ lạ về Tể tướng Mã Chu nhà Đường hối lỗi, làm lại cuộc đời
(Tranh: Bích họa tại Hà Bắc, Fanghong chụp, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Vào thời Đường, ở Trì Bình, Thanh Hà (ngày nay là tỉnh Sơn Đông) có ông Mã Chu đã mất cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ và vì thế rất nghèo. Mã Chu rất hiếu học và tinh thông các tác phẩm kinh điển như Kinh Thi và Tả truyện.

Tuy nhiên khi làm trợ giáo ở Bạc Châu, Mã Chu bắt đầu học thói xấu. Ông thường xuyên uống rượu và không làm tròn nhiệm vụ. Khi bị khiển trách, ông đã bỏ đi. Từ đó, Mã Chu ngập chìm trong rượu và còn chơi bời lêu lổng nhiều hơn. Cuộc đời của Mã Chu bắt đầu trượt dốc hơn nữa và mọi người đều xa lánh ông.

Khi biết Viên Thiên Cang có tài xem tướng, ông đã đến gặp bậc thầy tướng số này để xem xem cát hung thế nào. Viên Thiên Cang nhìn ông và nói: “Ngũ thần của ông đã rời khỏi cơ thể và ông đang gặp nguy hiểm. Còn tướng gì nữa đâu mà xem!”

Mã Chu đã rất lo sợ và nhờ Viên Thiên Cang giúp đỡ. Viên Thiên Cang thở dài nói: “Hãy đi theo một ông lão đang cưỡi bò. Ông ấy có lẽ sẽ giúp ông.”

Mã Chu đi khỏi, để tâm chú ý và thật sự nhìn thấy một ông lão cưỡi bò đi trước mình. Mã Chu theo ông ấy lên một ngọn núi. Khi ông lão quay lại nhìn Mã Chu, ông nói: “Ngươi nguyên là một vị Thần trên trời và được giao phó đến thế gian để hỗ trợ các đấng minh quân, nhưng lại hoàn toàn quên mất sứ mệnh và chìm ngập trong rượu. Giờ ngươi đã đến bước này. Ngũ thần của ngươi đã tản và chính khí đã tiêu hết. Ngươi sắp chết rồi. Ngươi còn không mau mau hối cải?”

Ông lão lại đưa Mã Chu đến một điện lớn, nơi có một vị quan tuyên đọc vương mệnh. Vương mệnh trách Mã Chu đã không hoàn thành nhiệm vụ. Ông được lệnh phải trở về nơi ban đầu để suy nghĩ về lỗi lầm của mình.

Ông lão lại đưa Mã Chu đến một phòng lớn và Mã Chu nhìn thấy tên của mình trên cửa. Mã Chu mở cửa và tiến vào trong. Ông nhìn thấy phòng ốc được bày biện rất quen thuộc. Dù cố suy nghĩ nhưng Mã Chu vẫn không thể hiểu điều gì đang diễn ra.

Ngay sau đó, năm người đột nhiên xuất hiện, mặc quần áo được đánh dấu năm hướng đông, tây, nam, bắc và trung tâm. Những người đàn ông đều cao và khỏe mạnh, nói với Mã Chu rằng: “Chúng tôi là ‘ngũ tạng chi thần’ của ông. Ông chìm đắm trong rượu và du đãng khắp nơi. Ông đã làm ô uế bản thân mình, nên chúng tôi phải rời bỏ ông để đến thiên cung. Hãy nhắm mắt lại để chúng tôi có thể trở lại ngũ tạng”.

Mã Chu nhắm mắt lại và ngay lập tức cảm thấy tỉnh táo và sáng suốt. Ông khóa phòng lại và đến Tiên Vương đại điện khấu đầu tạ tội. Ông cũng xin trở về nhân gian một lần nữa.

Sau khi Mã Chu xuống núi, ông lại đi gặp Viên Thiên Cang. Viên Thiên Cang rất ngạc nhiên: “Điều gì đã xảy ra? Bây giờ tướng diện của ông rất tốt. Ông sẽ được thăng chức nhiều lần và sẽ trở thành tể tướng trong 100 ngày. Ta hy vọng ông sẽ trân quý bản thân mình.”

Mã Chu đi đến kinh thành Trường An, nơi đang bị hạn hán. Hoàng đế Đường Thái Tông bấy giờ đang rất lo lắng và đã dẫn theo quần thần đi cầu mưa nhiều lần, cũng thành tâm khiển trách bản thân đã gây nên hạn hán. Đường Thái Tông ra lệnh cho thần dân chỉ ra thiếu sót trong việc triều chính và góp ý cho việc trị quốc.

Mã Chu đã dâng thư, đưa ra hơn 20 lời đề nghị và mỗi một lời đều hữu ích. Đường Thái Tông rất hài lòng với các đề nghị của ông và triệu Mã Chu đến mỗi ngày. Hoàng đế nóng lòng muốn gặp Mã Chu đến mức cử người hối thúc Mã Chu đến bốn lần. Khi gặp nhau, Mã Chu đã bàn về việc trị quốc. Đường Thái Tông rất hài lòng, và nói chuyện với Mã Chu như thể đã biết nhau một thời gian rất lâu.

Mã Chu đã thể hiện được sự chính trực và tài năng nên ông được Hoàng đế bổ nhiệm làm Tể tướng. Sau này Mã Chu kinh qua các vị trí khác: Giám sát ngự sử, Trung thư xá nhân, Gián nghị đại phu, Trung thư lệnh kiêm thầy dạy cho Hoàng Thái tử Lý Trị.

Mã Chu đã cố hết sức để làm tròn trách nhiệm và dâng lên Hoàng đế những lời khuyên về hưng vong và được mất của những triều đại đi trước.

Ông viết:

“Các bậc đế vương thời cổ đã dùng nhân đức để giáo hoá dân và họ là những tấm gương cho thế hệ sau, khiến người ta không thể quên. Vài triều đại trước, dài thì được 50 hay 60 năm, còn ngắn thì chỉ được 20 hay 30 năm. Nguyên nhân chủ yếu là quân vương đã không biết cách chăm lo cho bách tính, không ban ân huệ cho bách tính vì thế họ không có một căn cơ vững chắc.”

“Nhà Tùy dưới sự cai trị của Tùy Văn Đế Dương Kiên đã có một cơ sở rất hùng hậu và vốn dĩ có thể cai trị lâu dài. Nhưng Dương Kiên những năm sau này đã trở nên e dè nghi kỵ và để lại tai họa tiềm ẩn. Khi Tùy Dạng Đế Dương Quảng lên ngôi, ông truỵ lạc, làm mất lòng bách tính, dần khiến triều đại sụp đổ.”

“Quân chủ nên tu dưỡng đạo đức khi còn có thể sửa thay vì tiếc nuối sau khi mất nước. Sự hưng vong của một quốc gia không phụ thuộc vào sự giàu có, mà là phụ thuộc vào việc quân vương có thuận theo Thiên lý và được lòng dân hay không.”

“Đối với Thiên lý, thuận thì ắt sẽ thành, nghịch thì ắt sẽ bại. Quân vương phải thực hành nhân chính và lấy dân làm gốc, coi trọng đạo đức và dùng người hiền, đề xướng tiết kiệm, giảm lao dịch thuế má.”

Về việc chọn lựa người tài, Mã Chu viết:

“Bổ nhiệm những thứ sử, huyện lệnh tốt để bảo đảm an định cũng rất quan trọng vì họ đóng vai trò chủ yếu đối với an nguy của xã tắc. Cần cẩn trọng với việc chọn những người hiền lương có đức. Đối với những người được bổ nhiệm vào vị trí hàng tướng và bộ trong tương lai, trước tiên phải được bổ nhiệm ở vị trí địa phương nhằm tiếp xúc trực tiếp với bách tính, để thấy họ có thích hợp với những vị trí đó không.”

Đường Thái Tông đã theo lời Mã Chu và đích thân bổ nhiệm quan chức, đồng thời yêu cầu quan chức từ ngũ phẩm trở lên mỗi người đề cử một vị huyện lệnh đầy đủ tài đức. Đường Thái Tông cũng ghi lại tên của quan lại địa phương trên tấm bảng trong phòng để luôn có thể để ý đến họ. Nếu một người trong số họ làm được điều tốt, ông sẽ đánh dấu phía dưới tên họ.

Mã Chu đã đưa ra nhiều kiến nghị trong thời Trinh Quán và hoàn thành nhiệm vụ của ông với tư cách là một vị quan mẫu mực trong triều Đường. Đường Thái Tông đã đích thân viết tặng Mã Chu một câu:

Loan phụng lăng vân, tất tư vũ dực.
Cổ quăng chi kí, thành tại trung lương.

Có nghĩa là: Chim phượng hoàng cần có đôi cánh để bay cao, một quân vương cần một bề tôi trung thành và chính trực.

Dựa theo “Gương người xưa về hối lỗi và làm lại cuộc đời
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Tĩnh Viễn

Xem thêm:

Mời xem video: