Làm thơ đuổi cá sấu được xem là kỳ tích được ghi chép lại trong lịch sử. Người làm bài thơ là Hàn Thuyên và bài thơ này hiện vẫn được lưu trữ trong đền thờ ông tại quê nhà.

Hàn Thuyên
Đền thờ Hàn Thuyên. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)

Thời nhà Lý có ông Nguyễn Dương thi võ cử, được phong làm quan võ, sau được phong làm Thái bảo – Quận công. Năm 1151, Nguyễn Dương bị gian thần hãm hại khiến con cháu sau đó cũng phải sống ẩn dật.

Một người cháu của ông là Nguyễn Thuyên, người làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách (nay là Lai Hạ, Lương Tài, Bắc Ninh) cũng phải sống ẩn dật đến hết thời nhà Lý.

Đến thời nhà Trần, năm 1247, Triều đình mở khoa thi, Nguyễn Thuyên tham gia và đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư.

Năm 1282 thời vua Trần Nhân Tông, cá sấu bỗng xuất hiện rất nhiều ở sông Phú Lương, khiến dân chúng thiệt mạng và vô cùng sợ hãi. Vua được tin liền cử Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên đến xem xét giúp dân.

Nguyễn Thuyên đến nơi, không cho người đuổi bắt cá sấu mà làm bài thơ “Văn tế cá sấu” rồi đốt và thả xuống sông. Kỳ lạ thay cá sấu liền bỏ đi mất, từ đó trở đi không còn con nào quấy nhiễu dân chúng nữa.

Còn sự việc này “Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi chép rằng:

“Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2; bấy giờ có cá sấu đến sông Hồng. Vua sai Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như Hàn Dũ, cho đổi họ là Hàn Thuyên”.

Hàn Dũ là Thứ sử Triều châu thời nhà Đường. Sách sử ghi chép rằng ở địa phương Hàn Dũ cai quản có cá sấu đến quấy nhiễu, ông bèn sai làm thịt dê, lợn để tế và đọc bài văn tế cá sấu. Mấy hôm sau thì cá sấu cũng đi mất không còn quấy nhiễu dân chúng nữa. Vua Trần Nhân Tông ví việc đuổi cá sấu của Nguyễn Thuyên với Hàn Dũ thời nhà Đường, nên đổi tên của Nguyễn Thuyên thành Hàn Thuyên.

Lâp được công lao giúp dân, Vua ban thưởng, nhưng Hàn Thuyên không thiết tha gì với vàng bạc. Thấy người dân chài làng Lai Hạ quê ông đời sống rất khó khăn, ông xin Vua cho người dân làng quê ông được đặc ân đánh bắt trên dòng sông quê mình mà không phải đóng thuế. Thấy ông là người nhân nghĩa, Vua ân chuẩn.

Từ đó người làng Lai Hạ được tự do đánh bắt cá trên khúc sông của mình. Dân gian có câu truyền rằng:

Đại giang là của Đông Giàng,
Tiểu giang là của riêng làng Lai Hạ.

Bản dịch bài thơ “Văn tế cá sấu” của Hàn Thuyên bị người sau thêm bớt nên có thay đổi mà không thống nhất, nhưng bản gốc chữ Hán thì vẫn còn được lưu tại đền thờ ông. Hiện nay tại nhà thờ Hàn Thuyên có treo một bản bài “Văn tế cá sấu” đã được dịch như sau:

Kia hỡi ngặc ngư mày có hay ?
Bể Đông rộng rãi là nơi mày
Phú Lương đây thuộc về thánh vực
Lạc lối đâu mà lại tới đây
Phải biết rằng người Việt ta xưa
Vốn dân chài lưới có đâu vừa
Đời Hùng vẽ mình vua dậy bảo
Ngày đêm sông nước đảo long chừa
Thánh thần đã dõi bấy chiều nay
Đây từ hải ấp ngôi trời hay
Võ công vang dậy bốn phương tĩnh
Bể bể sông sông cũng nặng trong
Từ nay xa dân dân cày cấy
Các vật đều yên đâu an đấy
Ta vâng thánh thượng bảo ngay mày
Về ngay biển Đông mà vùng vẫy.

Sau khi Hàn Thuyên mất, người dân làng Lai Hạ quê ông đã lập đền thờ ngay tại đất nơi ông ở xưa kia. Hàng năm dân làng đều tổ chức lễ hội đền vào ngày 17/5 âm lịch. Trải qua chiến tranh, đền thờ nhiều lần bị tàn phá. Sau này dân làng xây sửa ngôi đền khang trang hơn để tưởng nhớ người con ưu tú của làng. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm 2010.

Hàn Thuyên
Bài “văn tế các sấu: bằng chữ Hán tại đền thơ Hàn Thuyên. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)

Tại đền thờ Hàn Thuyên, phía trước là bài vị bằng đá có khắc chữ Hán “Binh bộ Thượng thư ngự tứ tính tự Hàn tướng công tiên sinh”, ngoài ra còn có hoành phi, câu đối, bài văn tế cá sấu.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: