Chùa Tượng Thù nằm ở phía tây nam thị trấn Đài Hoài, Ngũ Đài Sơn, được xây dựng vào thời đầu Đông Tấn (năm Tây Nguyên thứ 317). Trong ngôi chùa này thờ cúng pho tượng Văn Thù Bồ Tát lớn nhất Ngũ Đài Sơn. Pho tượng Văn Thù Bồ Tát này còn có một tên khác là “Kiều Diện Đầu Văn Thù Bồ Bát” (tượng Văn Thù Bồ Tát phần đầu làm bằng bột kiều mạch), đây là một câu chuyện có thật.

Chuyện lạ về phần đầu tượng Văn Thù Bồ Tát trên núi Ngũ Đài
Tranh vẽ Văn Thù Bồ Tát trong hang đá Du Lâm. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Chuyện kể rằng thời xưa khi các thợ thủ công tạc tượng Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử lông xanh này, lúc tượng sắp được tạc xong thì còn thiếu phần đầu, các thợ thủ công có phần lúng túng. Bản thân họ không rõ rốt cuộc Bồ Tát có thần thái ra sao. Người nói phải tạc thế này, người nói phải tạc thế kia, mỗi người một ý, huyên náo cả lên.

Bấy giờ một anh đầu bếp đang làm cơm với bột kiều mạch, nghe thấy ngoài sân có tiếng ồn ào, tưởng có chuyện gì vội vàng chạy ra xem. Sau khi biết rõ sự tình, anh lớn tiếng nói: “Tượng Bồ Tát không thể tuỳ tiện mà tạc được, mọi người có cãi lộn ầm ĩ cũng chẳng ích gì!” Nghe anh nói xong không ai nói được gì nữa.

Anh đầu bếp quay lại nhà bếp, đang chuẩn bị làm bánh thì đột nhiên thấy hào quang chiếu rọi vào phòng. Anh đầu bếp mở cửa sổ ra nhìn lên trời, hoá ra chính là Văn Thù Bồ Tát ở giữa không trung, hiển hiện trước mặt anh với vẻ mặt từ bi, hào quang tỏa sáng. Lúc đó mà đi tìm anh thợ thủ công nào thì không kịp nữa, trong lúc cấp bách, anh đầu bếp chợt nảy ra sáng kiến, lấy hết bột kiều mạch ra phỏng theo chân dung Bồ Tát mà nặn. Anh vừa nặn xong phần đầu thì Văn Thù Bồ Tát cũng biến mất.

Sau khi các thợ thủ công nghe kể, họ vội vàng mang phần đầu nặn bằng bột kiều mạch đặt lên thân tượng, giát vàng ra bên ngoài. Từ đó mọi người liền gọi pho tượng Bồ Tát này là “Kiều Diện Đầu Văn Thù Bồ Tát”.

Pho tượng Kiều Diện Đầu Bồ Tát này được thờ trong điện Đại Văn Thù, phía sau tượng Văn Thù hướng ra cửa hậu còn thờ một pho tượng Quan Âm Bồ Tát. Từ trước tới nay, đa số tượng Quan Âm trong chùa đều quay mặt về hướng nam, nhưng tượng Quan Âm trong chùa Văn Thù lại quay mặt về hướng bắc, do đó được gọi là “Quan Âm ngồi ngược”. Điều thú vị là trên bức bình phong phía ngoài cửa hậu có vẽ một bức tranh La Hán hàng phục mãnh hổ, hai bên có câu đối: “Hỏi Quan Âm vì sao ngồi ngược, hận phàm phu không chịu quay đầu”. Câu đối này mang hàm nghĩa nghiêm túc mà sâu sắc rằng không phải Thần Phật không thể phổ độ chúng sinh, mà là kẻ phàm phu tục tử không chịu vứt bỏ chấp trước, không muốn ngộ đạo. Ngoài ra, trên vách đại điện còn vẽ 500 vị La Hán, cả toà đại điện mang vẻ trang nghiêm và thần thánh.

Chuyện lạ về phần đầu tượng Văn Thù Bồ Tát trên núi Ngũ Đài
Điện Đại Văn Thù. (Ảnh: Liang Kun, Wikipedia, Public Domain)

Hoàng đế Khang Hy từng năm lần đến lễ trên núi Ngũ Đài Sơn, đã ngự đề lên hoành phi ở chùa Tượng Thù: “Thụy tướng thiên nhiên”, có nghĩa là tượng Văn Thù Bồ Tát giống như được trời sinh ra vậy. Sau này, hoàng đế Càn Long cũng sáu lần đến lễ ở Ngũ Đài Sơn, cũng ngự bút hoành phi ở chùa Tượng Thù: “Đại viên kính trí”, còn ra lệnh phỏng theo chùa Văn Thù để xây dựng một ngôi chùa ở Thừa Đức để thờ cúng tại gia, lại dựa vào trí nhớ lệnh cho người tạc một pho tượng phỏng theo tượng Kiều Diện Đầu Văn Thù Bồ Tát để thờ cúng ở chùa Hương Sơn Bảo Tượng. Như vậy có thể thấy hoàng đế Càn Long rất coi trọng và kính ngưỡng đối với chùa Tượng Thù và Văn Thù Bồ Tát.

Tại sao người đầu bếp có thể nhìn thấy Bồ Tát hiển linh? Có lẽ chính vì anh đã nói ra đạo lý này: “Tượng Bồ Tát không thể tuỳ tiện mà tạc được”, trong đó đã bao hàm tấm lòng tôn kính đối với Bồ Tát. Ngày nay, rất nhiều người không tin Thần Phật cho rằng: “Tôi phải nhìn thấy thì tôi mới tin”. Kỳ thực, vì sao Thần Phật với thần thông quảng đại lại phải hiển hiện cho người xem, đặc biệt là những người không có đức tin cơ chứ? Người rơi vào bể khổ, thân nhuốm bùn đất, lại yêu cầu người có khả năng cứu độ mình phải nhảy xuống cùng, phải thế này thế kia, yêu cầu như vậy chẳng khác nào vũ nhục Thần Phật sao?

Thần Phật tuyệt đối sẽ không tùy tiện hiển hiện cho con người xem, đặc biệt là với những người không tin vào Thần Phật, nếu không có nhân duyên đặc biệt thì Thần Phật tất sẽ không hiển hiện cho họ thấy. Chỉ có người tu luyện tin vào Thần Phật, tôn kính Thần Phật, không ngừng đề cao chuẩn mực đạo đức, hòa vào Phật Pháp, mới có thể chứng thực một cách chân thực sự tồn tại của Thần Phật cùng sự vĩ đại trong tu luyện.

Theo “Lai lịch tượng Kiều Diện Đầu Văn Thù Bồ Tát ở chùa Tượng Thù núi Ngũ Đài Sơn
Đăng trên ChanhKien.org

Xem thêm:

Mời xem video: ‘Tiểu tiết’ tiết lộ nhân phẩm và tu dưỡng của bạn