Chiều qua tôi nhận được cuốn sách “Chuyện làng tôi” do anh Cao Văn Hà gửi tặng. Anh cũng nhờ tôi gửi cho anh Đỗ Tiến Thành một cuốn. Tôi đã đọc cuốn sách ngay khi vừa nhận được. Cuốn sách bao gồm 26 tản văn này chứa đựng không biết bao nhiêu trải nghiệm và kỉ niệm của tác giả ở làng mà chủ yếu là trải nghiệm tuổi thơ.

Tác giả là người đã nghỉ hưu (anh Cao Văn Hà nguyên là giám đốc Sở xây dựng tỉnh Bắc Ninh) nhưng tập sách lại chỉ ngập tràn kỉ niệm tuổi thơ. Điều ấy minh chứng rằng trải nghiệm tuổi thơ của mỗi người là vô cùng quan trọng. Nó là kho báu nuôi dưỡng tâm hồn con người suốt cả cuộc đời. Rất có thể rồi cá nhân sẽ quên đi mọi thứ kể cả những vinh quang và thành công nhưng kỉ niệm tuổi thơ sẽ theo suốt cả cuộc đời, thậm chí càng có tuổi người ta sẽ càng nhớ nó và muốn tìm về nó.

Đọc “Chuyện làng tôi”, tôi như thấy tuổi thơ mình ở đó khi gặp lại những kỉ niệm tuổi thơ, những sinh hoạt quen thuộc của nông thôn Bắc Bộ: đi chợ quê, bắt cua, bắt cá, đánh lờ, câu cá, đẩy bè tre, uống nước mưa, đốt lửa…

Làng tôi cũng nằm ở gần sông nhưng xa hơn làng Đông Thái (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) của tác giả. Cái khác cơ bản nhất giữa trải nghiệm của tôi (thế hệ 8x đời đầu) và tác giả là ở làng tôi người dân sống bằng nghề nông, có đan lát nhưng chỉ coi nó là công việc phụ trong nhà. Người làng đan cái giỏ, cái rổ để tự dùng chứ ít khi đem bán làm hàng hóa. Cả làng may chăng chỉ có một hai người đan nhiều mang ra chợ bán lấy tiền chi dùng. Làng Đông Thái của tác giả thì khác. Cả làng đan thuyền, đan nong nia, rổ rá, làm đòn gánh, đũa… mang đi bán khắp nơi. Bởi thế, đọc cuốn sách dễ nhận ra đặc trưng văn hóa của làng tôi và làng Đông Thái của tác giả. Trong khi người dân ở làng Đông Thái mềm mỏng, khéo léo trong cư xử, bôn ba tứ xứ thì người làng tôi là mộc mạc, gai góc và hướng nội.

Cảm động nhất là khi đọc những đoạn tác giả viết về mẹ, về bà, về cuộc sống nghèo khó ở làng quê xưa. Đọc nó ta hình dung ra thân phận của biết bao lớp người quê lam lũ, nghèo khó, quanh năm tất bật vì miếng ăn, cho đến khi nằm xuống còn sợ đói.

Tôi rất ấn tượng với hình ảnh “chiếc bánh dày” (nốt chai sần) trên vai bà, vai mẹ. Đơn giản vì tôi nghĩ đến mẹ tôi cũng một đời gồng gánh.

Thế hệ của anh Cao Văn Hà là thế thệ của rất nhiều trải nghiệm. Những trải nghiệm phong phú trong đời sống khi được phát huy sẽ trở thành vốn sống, nền tảng văn hóa. Nó vừa tạo ra giá trị của cá nhân, vừa tạo nên sức mạnh của cộng đồng.

Các thế hệ thanh niên, học sinh hiện nay từ 9x trở đi là thế hệ thiếu trải nghiệm. Cuộc sống của nhiều em chỉ quẩn quanh từ nhà tới trường và xoay quanh những cuốn sách giáo khoa cùng những kì thi. Đấy là một trong nhiều lý do làm cho trẻ thiếu vốn sống, thiếu nền tảng văn hóa để sống lịch thiệp, hiểu biết và văn minh. Môi trường sống nhân tạo với nhịp điệu nhanh nơi đô thị cũng làm cho giới trẻ khó cảm, khó yêu, khó lý giải những tác phẩm văn chương viết về làng, về nông thôn, về quãng thời gian đói khổ… Trẻ sợ đọc tiếng mẹ đẻ. Sợ luôn cả học môn Văn.

Bởi thế, việc các thế hệ đi trước viết lại trải nghiệm của mình để lưu truyền là cần thiết.

Cuốn sách “Chuyện làng tôi” bởi thế cũng là chuyện của chúng ta.

Gấp cuốn sách lại, tôi nhắm mắt hình dung đến một ngày trên đất nước Việt Nam không còn tre, không còn làng, không còn những gì thuộc về làng nữa, khi đó sẽ thế nào?

Không biết nữa!

Nhưng với tôi, một người cũng lớn lên ở làng, đấy là một nỗi buồn thăm thẳm.

"Chuyện làng tôi" cũng là chuyện của chúng ta
(Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: