Dân gian có ghi chép lại không ít những câu chuyện xem chữ đoán mệnh, thông qua chữ viết có thể đoán được hung cát. Câu chuyện “Cổ quái bốc sư” được ghi lại trong cuốn “Nam Thiên trân dị tập” có chép về chuyện Lê Hiển Tông được xem chữ đoán mệnh như vậy.

Chuyện Lê Hiển Tông được xem chữ đoán mệnh làm vua
(Tranh minh họa từ Báo Bình Phước Online)

Năm 1735, vua Lê Thuần Tông mất, chúa Trịnh Giang thấy con trưởng của vua là Duy Diêu 19 tuổi đã lớn và trưởng thành, e có thể gây khó khăn cho mình, nên chọn con thứ là Duy Thận 17 tuổi lên ngôi Vua, gọi là Lê Ý Tông.

Chúa Trịnh Giang không nghe lời các đại thần, tăng thuế, bắt dân xây dựng nhiều hành cung để ăn chơi. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, trong đó có cuộc khởi nghĩa của chú Lê Duy Diêu là Lê Duy Mật. Cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật khiến quân chúa Trịnh thiệt hại lớn.

Duy Diêu vì là cháu ruột của Duy Mật nên bị chúa Trịnh Giang cho bắt giam lại.

“Nam Thiên trân dị tập” kể rằng ở kinh thành bấy giờ xuất hiện một ông thầy, dân chúng gọi là “cổ quái tiên sinh”. Ông thầy này am tường thuật xem tướng, và xem chữ là tinh thông nhất. Người đến xem chỉ cần viết chữ, ông ta sẽ đoán được vận mệnh.

Có một người là Võ Thế Giai đến nhờ “cổ quái tiên sinh” xem cho và thấy nói rất đúng, sau lại nhờ có thầy chỉ cho mà trở thành người của quan Trung Công. Quan Trung Công khi đó là cậu của chúa Trịnh Giang.

Chuyện Lê Duy Diêu không được lên ngôi khiến triều đình và dân chúng thắc mắc. Quan Trung Công cho Võ Thế Giai đến hỏi ông thầy xem ai mới xứng ở ngôi vua.

Thế Giai đến chỗ giam Lê Duy Diêu, có sẵn cuốn từ vựng, mở ra được chữ “cảnh” (景), liền yêu cầu hoàng tử viết lại, rồi mang đến hỏi “cổ quái tiên sinh”.

Chữ “cảnh” (景) gồm có chữ “nhật” (日) ở trên và chữ “kinh” (京) ở dưới. Ông thầy nhìn chữ thì hô vạn tuế, vạn tuế. Thế Giai kinh ngạc hỏi làm sao biết được. “Cổ quái tiên sinh” nói rằng: “Mặt trời chiếu xuống kinh sư, chẳng phải ngôi Cửu ngũ còn là gì? Song chữ ‘Nhật’ nhỏ mà chữ ‘Kinh’ lớn, tuy được hưởng nước lâu, song quyền bính không khỏi chuyển vào tay kẻ dưới”. Từ đó quan Trung Công và Võ Thế Giai biết rằng Lê Duy Diêu có số làm vua.

Chúa Trịnh Giang không được lòng người, dân chúng nổi dây khắp nơi khiến Đàng Ngoài suy yếu. Trịnh thái phi Vũ thị cho tập hợp các quan văn võ nhằm đưa Trịnh Doanh (em Trịnh Giang) lên ngôi Chúa. Năm 1740, Trịnh Doanh lên ngôi.

Võ Thế Giai vì có công đưa Ttrịnh Doanh lên ngôi nên được phong làm Hành Chưởng phủ. Về sau Võ Thế Giai cùng Trung Công bàn với quốc sư thượng thư quận công Nguyễn Quý Cảnh đưa hoàng tử Lê Duy Diêu vốn là con trưởng lên làm vua.

Năm 1740, Lê Duy Diêu một bước từ nhà giam lên ngôi vua, hiệu là Lê Hiển Tông. Vua Ý Tông sau khi nhường lại ngôi vua thì lên làm thượng hoàng.

Việc này Đại Việt Sử ký Tục biên có chép rằng: “Tờ chiếu truyền ngôi có câu rằng: Nghĩa chốn biên cương còn có đứa ngu xuẩn, ngang ngạnh, muốn cho kinh kỳ được yên mà bờ cõi được yên lặng, xét lẽ chính đáng nên duy tôn dòng đích, cốt để trọng tông thống mà thống nhất nhân tâm”. Tờ chiếu ban xuống, dân tình vui mừng lắm. Ngày ấy Duy Diêu lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Cảnh Hưng, tôn vua là Thái thượng hoàng.

Vua Lê Hiển Tông lên ngôi vua đúng như “cổ quái tiên sinh” đã đoán trước. Vua Lê Hiển Tông ở ngôi vua đến 47 năm, thọ 70 tuổi. Ông ở ngôi lâu nhất và thọ nhất thời Hậu Lê, đúng với câu “hưởng nước lâu”.

Nhưng nhà vua cũng chỉ là bù nhìn, vì quyền hành lọt hết vào tay chía Trịnh, đúng với câu “quyền bính không khỏi chuyển vào tay kẻ dưới”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời nghe radio: