Người có lòng nhân khi hành sự đều suy xét tới lợi ích của người khác, đặt lợi ích của người khác lên trước lợi ích của bản thân mình. Chu Hy giảng: “Người nhân nghĩa dùng tiền tài giúp đỡ dân chúng, nhờ đó mà đắc được lòng người; kẻ bất nhân cam chịu hiểm nguy tới bản thân vì truy cầu phú quý, tăng thêm sản nghiệp.” Người xưa cũng có câu ngạn ngữ rằng: “Vinh hoa phú quý tựa mây khói thoảng qua, thế sự tuần hoàn tựa gió mưa”. Con người khi sinh ra chỉ có một tấm thân trần, khi chết đi cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Dẫu đứng trên đỉnh cao của tiền tài, danh vọng, phú quý, tới khi nhắm mắt xuôi tay hết thảy đều về không. Điều có thể lưu lại chính là tấm lòng nhân nghĩa.

Sự thành tín của cổ nhân
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Hứa Hoành là một tấm gương nhân nghĩa nổi tiếng sống ở thời nhà Nguyên, gia cảnh bần hàn nhưng vẫn kiên trì học hành. Khi 7 tuổi, ông từng hỏi thầy giáo rằng: “Con người đọc sách là vì điều gì?” Thầy giáo đáp: “Là để thi cử đỗ đạt.” Ông nghĩ một chút rồi nói: “Có lẽ không nên chỉ có vậy?” Thầy giáo nghe xong vô cùng kinh ngạc.

Hứa Hoành lớn lên nhưng không có tiền đi học, bèn tới tìm người có học vấn xin thỉnh giáo, nhờ mượn sách, chép sách, đọc sách mà ông học được rất nhiều tri thức. Một hôm, ông đi ngoài chợ, thấy trên bàn của một thầy xem quẻ có đặt cuốn “Thi kinh tập giải”, ông bèn mượn ngồi dưới đất đọc say sưa. Thầy bói cảm động bởi tinh thần hiếu học của ông, nên cho ông mượn sách về chép. Vậy nên, ban ngày ông làm việc cần mẫn, ban đêm chép sách, đọc sách.

Khi còn trẻ, Hứa Hoành đọc sách đã biết liên hệ và đối chiếu với bản thân. Ông cho rằng lời của bậc thánh hiền, trước tiên là dùng để khắc chế bản thân, sau đó mới dùng giáo huấn người khác, chẳng thể đảo lộn. Con người cần dùng lý của bậc thánh hiền, chỉ dẫn ngôn hành của bản thân, dẫu là lời nói hay việc làm, đều cần suy xét xem có hợp đạo nghĩa hay không.

Một lần nọ trời nắng to, ông và những người thanh niên khác cùng chạy nạn. Suốt một ngày một đêm không ăn không uống, cổ họng ai nấy đều khô khốc. Bên đường có một cây lê rất sai quả, những người chạy nạn thi nhau tới hái lê ăn. Chỉ có một mình Hứa Hoành đọc sách dưới gốc cây, dường như không biết trên cây có lê vậy.

Một người bạn nói với ông rằng: “Lê trên cây vừa chín, rất thơm ngon, có thể giải khát. Sao cậu không hái ăn thử?” Hứa Hoành đáp: “Đây không phải là lê nhà tôi, sao có thể hái ăn? Tôi không ăn.” Các bạn khuyên ông: “Giờ đang lúc binh biến, loạn lạc, ai chết thì chết, ai trốn thì trốn, nên cây này không có chủ. Đừng lo, hãy mau ăn đi.” Hứa Hoành đáp: “Dẫu cây lê không có chủ, tâm tôi cũng không thể không có chủ. Nhân nghĩa chính là chủ trong tâm tôi.” Ông kiên trì giữ vững tiết tháo, “không phải đồ vật của mình không lấy, thứ phi nghĩa không lấy”, cuối cùng ông đã không hái lê ăn.

Cứ như vậy, cuối cùng Hứa Hoành trở thành một học giả nổi tiếng.

Học thức và đạo đức của Hứa Hoành ngày càng tăng, rất nhiều người đều sinh lòng tôn kính với ông. Từng có một vị tú tài mang lễ vật tới viếng thăm ông. Hứa Hoành thấy quà tặng, trong tâm rất không vui, thi lễ với ông ta xong bèn nói: “Ta có tài đức gì, sao dám làm phiền tiên sinh? Tiên sinh không chê ta ngu muội, đại giá đến thăm tệ xá, ta vô cùng hoan nghênh. Nhưng ta không nhận lễ vật không hợp lễ nghi, không muốn thay đổi chí hướng làm người của mình. Xin đừng lấy làm lạ!” Vị tú tài nghe xong những lời này, vô cùng cảm động.

Sau này, những người tới viếng thăm ông ngày càng nhiều. Sau khi tới tuổi trung niên, ông dứt khoát theo nghề dạy học, vì mong được sống có ích cho đời. Nội dung giảng dạy của ông rất rộng: Từ kinh tế, truyện, lịch sử, lễ nhạc, thời lịch, binh pháp, thực phẩm, thủy lợi… phương diện nào ông cũng giảng. Nhờ kiến thức sâu rộng, tận tình truyền thụ tri thức, đạo đức, dạy dỗ học trò nên ông được mọi người vô cùng mếm mộ. Hơn nữa ông không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, hết thảy đều đối đãi công bằng như nhau.

Một hôm, trời đổ tuyết, có một cậu học trò đội cả trời mưa tuyết tới thỉnh giáo ông. Hứa Hoành thấy cậu ta rét run lập cập, bèn cởi áo bông của mình mặc cho cậu ta, và thân mật hỏi han rằng: “Sao ra ngoài lại chỉ mặc áo mỏng?” Cậu học trò đáp: “Mẹ già mắc bệnh, nên trò đã cầm cố áo bông, để đổi lấy thuốc.” Hứa Hoành lập tức lấy ra hai xâu tiền đồng, tặng cho cậu chuộc áo bông về. Cậu học trò biết ông cũng không sung túc gì, nên từ chối không nhận. Hứa Hoành nói: “Ta giúp trò khắc phục khó khăn trước mắt, không ảnh hưởng tới sinh kế của ta. Huống hồ cổ nhân có câu rằng: Tiền tài như bùn đất, nhân nghĩa mới đáng giá ngàn vàng. Ta vẫn luôn cho rằng bổng lộc có thể thỏa mãn sinh kế cơ bản là được. Tiền tài dư thừa nên dùng giúp đỡ những người khốn khó. Điều này còn có ý nghĩa hơn việc dành tiền để bản thân hưởng thụ.”

Thời Nguyên Thành Tổ Hốt Tất Liệt, trong ngoài triều ai nấy đều biết Hứa Hoành học thức uyên bác, phẩm đức cao thượng, kế thừa và hồng dương mỹ đức. Vậy nên, sau khi qua đời, để tỏ lòng kính trọng, Hứa Hoành được vinh danh với thụy hiệu là “Văn chính”.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: