“Trăm năm trồng người” là một câu nói khá quen thuộc với người Việt. Câu nói này lấy từ kế sách trị nước của một nhân vật thời Xuân Thu, đó là nhà chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Quản Trọng. Thời ông làm tể tướng, nước Tề trở thành nước hùng mạnh nhất và Tề Hoàn công được tôn lên đứng đầu Ngũ bá.

Chuyện Quản Trọng và kế sách đào tạo con người
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Tề là một nước lớn thời Xuân Thu. Dưới triều Hoàn Công, Tề là nước hùng mạnh được phong Bá bởi có nhiều người giỏi như Quản Trọng, Thấp Bằng, Bão Thúc Nha giúp sức. Nhưng nổi bật nhất chính là Quản Trọng. Ông là nhà tư tưởng lớn, nhà quân sự đại tài, chính trị gia lỗi lạc đồng thời là kinh tế gia có nhiều cải cách xã hội táo bạo và hiệu quả. Quản Trọng đã có công chuyển đổi hệ thống cai trị của nước Tề từ quý tộc tập quyền sang quan viên chuyên trách.

Quản Trọng tập trung quyền lực triều đình bằng cách chia nước Tề thành nhiều làng, mỗi làng tập trung vào một lĩnh vực thương mại riêng. Thay vì dựa vào giai cấp quý tộc để thu thuế như truyền thống trước kia, ông áp dụng thuế má trực tiếp tới mỗi đơn vị làng xã.

Ông chia dân số thành bốn nhóm, quan chức, nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Sau đó, ông đã phát triển phương pháp chọn người tài hiệu quả hơn, thông qua các chương trình đào tạo mới, theo đó sinh ra một thế hệ quan chức chuyên nghiệp.

Thay vì phụ thuộc vào các nhóm nhỏ binh sĩ được các gia đình quý tộc khác nhau đào tạo, ông tuyển quân trực tiếp từ làng xã.

Quản Trọng cũng cho rằng phúc lợi của dân là nền tảng của nước Tề. Người dân no đủ sẽ dễ dàng tiếp thụ sự chính trực và lễ nghĩa, theo đó mới dễ dàng cai quản. Ông đưa ra một biểu thuế thống nhất và sử dụng nguồn lực triều đình để khuyến khích sản xuất muối và sắt.

Quản Trọng chủ trương rằng, nhà vua cần quan tâm đến sự phát đạt của tất cả tầng lớp xã hội, đảm bảo người dân ai cũng no cơm ấm áo, sẵn lòng phụng sự ngôi rồng. Quản tin rằng bốn cột trụ của một nước là lễ nghi, công bằng, chính trực và lương tâm. Thân làm lãnh đạo phải tuân theo nếp sống này và trở thành một tấm gương đạo đức cho dân.

Một điều đặc biệt phải nhắc tới chính là kế sách đào tạo nhân tài của Quản Trọng. Trước đây, do nội chiến kéo dài, nước Tề lâm vào tình trạng kinh tế kiệt quệ. Vua Tề vời Quản Trọng đến bàn kế sách chấn hưng đất nước, Quản Trọng đưa ra nhiều giải pháp nhưng nhấn mạnh:

Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân. Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã; nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã; nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã. Ngã cẩu chủng chi, như thần dụng chi, cử sự như thần, duy vương chi môn.

(Sách Quản Tử, chương Quyền Tu)

Nghĩa là:

Kế cho một năm thì không gì bằng trồng lúa; kế cho mười năm thì không gì bằng trồng cây; kế cho suốt đời thì không gì bằng đào tạo con người. Trồng một mà lợi ích một đó là lúa; trồng một mà lợi ích mười, đó là cây; đào tạo một mà lợi ích một trăm đó là con người. Nếu chúng ta chú trọng đào tạo con người, thì hiệu dụng như thần, làm việc mà thu được hiệu quả thần kì thì chỉ có con đường của bậc vương giả mới có thể làm được.

Bình về Quản Trọng, trong thiên Hiến Vấn của sách Luận ngữ, Khổng Tử nói như sau:

Người này ư, vua Tề lấy ấp Biền ba trăm nhà của Bá Thị thưởng công cho Quản Trọng khiến Bá Thị nghèo khổ suốt đời mà không hề oán hận.

Quản Trọng có thể khiến người khác nghèo khổ mà vẫn không oán không hận, đủ biết tầm vóc của ông trong lòng người khác lớn đến thế nào.

Thiên Hiến Vấn cũng ghi lại việc Tử Lộ thỉnh giáo Khổng Tử, nhắc lại chuyện trước đây khi Tề Hoàn công và em trai là công tử Củ tranh giành ngôi vua thì Quản Trọng và Triệu Hốt theo giúp công tử Củ. Nghe tin Tề Hoàn Công giết công tử Củ, Triệu Hốt liền tự sát còn Quản Trọng thì không. Tử Lộ hỏi:

Quản Trọng vậy không được coi là người có nhân chăng?

Khổng Tử đáp:

Vua Tề Hoàn Công nhiều lần triệu tập họp chư hầu mà không dùng binh lực. Đó là nhờ công sức của Quản Trọng, như thế còn ai nhân bằng?

Đó chính là Quản Trọng còn theo đuổi lý tưởng lớn lao hơn một ngôi vua – liên minh chư hầu tránh dùng vũ lực gây chiến tranh, là người theo đuổi đạo nhân. Vì thế Khổng tử đánh giá cao công trạng của Quản Trọng, Triệu Hốt chỉ được tiếng trung, không thể sánh bằng.

Minh Nhật tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: