Ngày xưa để có thể thi đỗ đại khoa, sĩ tử cần thông tỏ tứ thư và ngũ kinh, đọc các sách bách gia chư tử, có người kinh qua mười mấy năm, mấy chục năm ròng vẫn chẳng đỗ. Vậy mà một sĩ tử làng Hiệp Hòa chỉ mất 3 năm, từ không biết chữ đến thi đỗ Thám hoa, âu cũng được xem là điều lạ.

Chuyện sĩ tử ba năm đèn sách, từ không biết chữ thi đỗ Thám hoa
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Hiệp Hòa là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 30 km về hướng tây nam. Trong lịch sử khoa bảng, Hiệp Hòa có 13 người đỗ tiến sĩ, trong đó có một Trạng nguyên.

Vào đầu thế kỷ 16, có hai vợ chồng nọ ở Hiệp Hòa, dựa vào mấy sào ruộng mà sinh sống. Không may người chồng mất đi để lại người vợ cùng cậu con trai là Hoàng Sầm. Hai mẹ con làm ruộng dựa vào nhau mà sinh sống.

Hoàn cảnh khó khăn khiến Hoàng Sầm không được đi học, vì thế mà đến 24 tuổi vẫn chưa biết một chữ nào.

Theo sách “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, bấy giờ có quan Thượng thư là Nguyễn Doãn Địch về làng nghỉ hưu, quan địa phương yêu cầu dân phu phải đi đón rước. Hoàng Sầm nằm trong số dân phu phải khiêng kiệu cho con gái quan Thượng thư.

Được khiêng kiệu, tận mắt nhìn thấy dung nhan đoan chính, xinh đẹp của tiểu thư, Hoàng Sầm bắt đầu thay đổi. Trở về nhà,ông thổ lộ với mẹ muốn được lấy tiểu thư con quan Thượng thư, khiến người mẹ giật mình, cho là điều hão huyền.

Hoàng Sầm rất kiên trì nói chuyện, đồng thời còn tự mình sắm sẵn đồ sính lễ đơn sơ, cầu mẹ đến nhà quan Thượng thư dạm hỏi.

Ngưới mẹ đành chiều lòng con, mang trầu cau đến nhà quan Thượng thư, lúng túng xin được quan tha tội, rồi nói rõ ngọn ngành. Quan Thượng thư cười rồi nói cứ đưa con trai đến để ông xem mặt mũi thế nào.

Hoàng Sầm mặc quần đùi đến nhà quan sụp lạy trước thềm nhà. Quan Thượng thư Nguyễn Doãn Địch từng thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1481 đã nói rằng: “Con gái nhà quan, có đâu lại gả cho một kẻ bạch đinh. Hễ sau này anh làm nên sự nghiệp như ta, anh mới có thể lấy con gái ta được.”

Hoàng Sầm lạy hai lạy rồi nói: “Xin vâng theo lệnh, nhưng mong quan lớn đừng sai lời.”

Thời đấy muốn được hiển vinh quan lộ thì hầu như chỉ có con đường học hành khoa bảng, ngoài ra thì chỉ có thi võ làm tướng chứ không có đường khác. Ngay cả con cái quan lại đầu triều muốn theo con đường quan lộ thì cũng phải thi đỗ.

Hoàng Sầm lúc này một chữ cũng không biết, vậy mà ông đã lên một kế hoạch đầy quyết tâm cho kỳ thi tới vào 3 năm sau.

Ông bán một sào ruộng được 30 quan, lên kinh đô tìm học một danh nho.

Sau 3 năm học miệt mài vất vả, Hoàng Sầm đăng ký sát hạch ở quê nhà, vượt qua vòng sát hạch, chuẩn bị cho kỳ thi Hương.

Bước vào thi Hương ông vượt qua tứ trường, đỗ đầu tức Giải nguyên, chuẩn bị bước vào thi Hội.

Trước khi đến Kinh đô dự kỳ thi Hội, Hoàng Sầm nhờ người báo cho quan Thượng thư, nhắc tới lời ước cũ. Bấy giờ con gái quan Thượng thư dù đã có mấy đám đến hỏi nhưng vẫn chưa ưng ai.

Lên Kinh đô, Hoàng Sầm vượt qua tứ trường, thi đỗ kỳ thi Hội. Bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình, Hoàng Sầm xuất sắc thi đỗ Thám Hoa.

Năm 24 tuổi mới học chữ, sau 3 năm đến 27 tuổi đã đậu Thám hoa, quả là một kỳ tích hiếm có.

Hoàng Sầm vinh quy bái tổ trở về làng trong viềm vui hân hoan của người dân làng Hiệp hòa. Quan Thượng thư Nguyễn Doãn Địch cũng rất tự hào về ý chí của Hoàng Sầm, đồng ý gả con gái cho vị Thám hoa.

Đám cưới của Hoàng Sầm và tiểu thư được diễn ra tại sân nhà quan Thượng thư ngay trong ngày vinh quy bái tổ, nhiều người dân trong làng cùng đến chúc phúc.

Hoàng Sầm làm quan đến Lễ bộ Tả thị lang, được phong tước Hoàng Phúc Hầu.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: