Có được thành công, Bạch Thái Bưởi ngày càng mở rộng công ty, ngoài tàu thủy còn đầu tư sang cả lĩnh vực khác, ông trở thành nhà tư sản tiêu biểu ở Bắc kỳ lúc bấy giờ.

Bach Thai Buoi 03
Ông Bạch Thái Bưởi trên tạp chí Nam Phong số 29, tháng 11/1919. (Ảnh: Fanpage Bạch Thái Bưởi)

Vua tàu thủy

Năm 1915, Bạch Thái Bưởi mua lại xưởng đóng tàu A. R. Marty, đây là một trong những xưởng đóng tàu đầu tiên ở Hải Phòng. Từ đó dần dần trong 7 năm, ông xây dựng một chu trình kinh doanh hoàn thiện, từ chạy tàu, đến đóng và sửa chữa tàu, các chi nhánh cũng được lập ra ở nhiều nơi.

Năm 1916, ông chuyển trụ sở của hãng từ Nam Định đến Hải Phòng, và đặt tên cho công ty ở đây là “Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi công ty”.

Chuyện tay trắng lập nghiệp của “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi (P2)
Bên trong trụ sở công ty tại Hải Phòng. (Ảnh: Tạp chí Nam Phong số 29, Fanpage Bạch Thái Bưởi)

Năm 1917, hãng Deschwanden của Pháp bị phá sản, Bạch Thái Bưởi liền mua lại 6 tàu của hãng này. Lúc này năng lực đóng và sửa chữa tàu của công ty đã nâng cao, ông cũng chuẩn bị cho ra đời chiếc tàu do chính công ty của mình đóng.

Chuyện tay trắng lập nghiệp của “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi (P2)
Nhà máy của công ty. (Ảnh: Tạp chí Nam Phong số 29, Fanpage Bạch Thái Bưởi)

Ngày 7/9/1919, Bạch Thái Bưởi cho hạ thủy con tàu mang tên “Bình Chuẩn” do công ty của ông đóng tại Cửa Cấm, Hải Phòng. Con tàu này hoàn toàn do các kỹ sư người Việt lên thiết kế và thi công. Đây là tàu hơi nước dài 42 m, rộng 7,2 m, cao 3,6 m, trọng tải 600 tấn.

Có tàu mới do công ty người Việt của mình đóng, Bạch Thái Bưởi cũng đồng thời mở ra tuyến đường vận chuyển mới từ Hải Phòng đến Sài Gòn.

Ngày 17/9/1920, tàu Bình Chuẩn chạy tuyến đầu tiên từ Hải Phòng vươn xa đến tận Sài Gòn, trên đường đi cũng ghé các vùng đất phía nam như Bến Thủy (Vinh), Tourane (Đà Nẵng), Quy Nhơn. Con tàu này đón nhận sự chào đón nồng nhiệt của giới quan sát và công thương Sài Gòn. Sự kiện này được xem là tượng trưng cho “Phong trào chấn hưng thương trường cổ động thực nghiệp” của giới tư sản Việt Nam lúc đó.

Với sự phát triển vượt bậc, công ty của Bạch Thái Bưởi chiếm lĩnh các hoạt động đường thủy, ông được mệnh danh là “Vua tàu thủy” vào thời điểm đấy.

Trên đà phát triển, ông cho mở rộng hoạt động sang cả các nước lân cận như: Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, và Philippines. Cuối thập niên 1920 và đầu năm 1930, công ty hoạt động với hơn 40 tàu cùng sà-lan, đội ngũ có khoảng 2.500 nhân viên; văn phòng và chi nhánh được đặt tại Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn. Công ty không chỉ bảo trì, sữa chữa mà còn đóng các tàu mới phục vụ cho hoạt động của mình.

Doanh nhan Bach Thai Buoi 03
Bảng kê các con tàu của công ty. (Ảnh: Tạp chí Nam Phong số 29, Fanpage Bạch Thái Bưởi)
Chuyện tay trắng lập nghiệp của “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi (P2)
Tình hình hoạt động ở Nam Định. (Ảnh: Tạp chí Nam Phong số 29, Fanpage Bạch Thái Bưởi)
Doanh nhan Bach Thai Buoi 05
Tình hình hoạt động ở Hà Nội. (Ảnh: Tạp chí Nam Phong số 29, Fanpage Bạch Thái Bưởi)

Ngoài hoạt động đường thủy, Bạch Thái Bưởi cũng hoạt động tại các mảng kinh doanh khác như: đấu thầu thu thuế ở Chợ Rồng, Nam Định, mở ty nước ở Thái Bình, mở quán cơm Tây ở Thanh Hoá, rồi vươn đến cả bất động sản.

Khai thác mỏ

Có được nhiều thành công, Bạch Thái Bưởi bắt đầu để ý đến lĩnh vực khai thác mỏ. Trước đây lĩnh vực này là vùng cấm đối với người bản xứ, đến năm 1914 khi xảy ra thế chiến thứ nhất thì vùng cấm này mới được dỡ bỏ.

Qua tìm hiểu ông thấy rằng muốn thành công trong lĩnh vực khai thác mỏ cần người giỏi chuyên môn điều hành, đồng thời cần người giỏi kỹ thuật. Vì vậy ông đã nhờ người thân tín quen biết bên Pháp tìm các trường kỹ thuật xem có người Việt theo học thì giới thiệu cho mình.

Năm 1921, ông mua lại từ tay người Pháp hai mỏ than Ăngtoan và Cadip để đầu tư khai thác. Đồng thời ông xây dựng tuyến đường sắt dài 3 km để chở than. Hàng năm mỏ của ông khai thác 3.000 tấn than.

Sau khi hai mỏ than Ăngtoan và Cadip hoạt động có lãi ổn định, năm 1925, ông đầu tư mua thêm mỏ than Bí Chợ và mỏ than Yên Thọ rộng 1.924 ha. Ông cũng cho xây dựng tuyến đường sắt dài 5,5 km chở than ra bến Đá Bạc. Hơn nữa ông còn hùn vốn cùng các chủ mỏ khác khai thác một mỏ than rộng 450 ha.

Việc khai thác của ông ngày càng ổn định và phát triển, mỗi năm khai thác 9.500 tấn, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Pháp và Nhật Bản.

Doanh nhân yêu nước chân chính

Mặc dù là doanh nhân, Bạch Thái Bưởi lại rất chú trọng vấn đề văn hóa. Đầu tiên ông cho ra đời “Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi”, sau này đổi tên thành “Đông Kinh ấn quán”.

Đến năm 1921, ông cho ra nhật báo “Khai hóa” với tôn chỉ giúp dân chúng tự khai hóa, giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ kinh nghiệm kinh doanh để trở nên giàu có, vì theo ông dân giàu thì nước mới mạnh.

Tờ “Khai hóa” còn có một mục đích khác, chính là nêu lên những lợi ích và tác hại của các quy định, chính sách của chính quyền Pháp, đồng thời đưa yêu cầu của dân chúng tới chính quyền. Tiếc rằng tờ báo phát hành được 22 số thì bị đình bản.

Tại “Hội nghị Kinh tế Tài chính Bắc Trung Nam”, trước những chính sách bất công của chính quyền đối với các nhà tư sản người Việt, Bạch Thái Bưởi đã lên tiếng bảo vệ cho các nhà tư sản dân tộc, yêu cầu thay đổi chính sách thuế bất bình đẳng của người Pháp. Phát biểu của ông khiến Toàn quyền Đông Dương René Robin dọa rằng: “Chỗ nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”, Bạch Thái Bưởi đáp rằng: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”.

Công ty của ông cũng giúp cho hàng ngàn người Việt lúc đó có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, giúp nhiều gia đình ấm no trong hoàn cảnh đất nước đang là thuộc địa của Pháp. Ông quan tâm đời sống thợ thuyền, giúp nhân viên có mình có chế độ an sinh tốt, giáo dục con cháu mình quý trọng những người lao động.

Lòng yêu nước của ông cũng thể hiện qua câu nói “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”, giúp người Việt có tiếng nói chung, trở nên đoàn kết và ý thức hơn tinh thần dân tộc.

Ông đặc biệt tôn trọng và giúp đỡ những người Việt yêu nước. Ông nhận bậc sĩ phu từng theo phong trào Đông Du là Bùi Như Uyên học ở Nhật vào làm. Ông nhận nuôi con trai của nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền là Nguyễn Thượng Khoa, khi lớn thì cho sang Pháp học hành tử tế. Học giả Phan Khôi phản đối Pháp bắt dân Việt đi phục dịch, vừa ra tù liền được ông nhận làm thư ký…

Ông còn ấp ủ nhiều dự định kinh doanh khác: Một nhà máy xay gạo ở Nam định với thiết bị được mua tại Hamburg, Đức; Nhà máy nước và nhà máy điện cho thành phố Nam Định; Tuyến đường sắt Nam Định – Hải Phong. Thế nhưng Bạch Thái Bưởi mất vào ngày 22/7/1932 tại Hải Phòng, sau một cơn đau tim, bỏ lại những hoài bão dang dở.

Một trong những kế hoạch lớn nhất mà ông ấp ủ đó là: “Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”.

Tưởng nhớ

Đánh giá về Bạch Thái Bưởi, Hội khai trí Tiến Đức cho rằng: “Ông là một bậc Vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của ông đáng phô bầy cho quốc dân, sự nghiệp của ông đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo”.

Một bậc túc Nho lúc đó là Nguyễn Văn Tố thì cho rằng Bạch Thái Bưởi là “bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”.

Chuyện tay trắng lập nghiệp của “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi (P2)
Bài viết trên Tạp chí Nam Phong số 29, tháng 11/1919. (Ảnh: Fanpage Bạch Thái Bưởi)

Là doanh nhân tiêu biểu, Bạch Thái Bưởi được nhà vua ban thưởng, được người Pháp trao tặng Huân chương cao quý Bắc Đẩu Bội Tinh, sau này được nhà nước Việt Nam trao tặng “doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”.

Sau này do không thể lấy lại được một phần tòa nhà kỷ niệm vốn thuộc sở hữu của gia đình Bạch Thái Bưởi nằm ở góc đường Đinh Tiên Hoàng – Trần Hưng Đạo, chắt ông là bà Bạch Quế Hương đã gửi đơn đến các cơ quan thông tấn báo chí thông báo trả lại các danh hiệu mà Nhà nước phong tặng cho.

Ngày nay ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có cảng Bạch Thái Bưởi nằm trên con đường cũng mang tên ông, như một phần để tưởng nhớ đến vị doanh nhân yêu nước chân chính.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: