Hôm nay 23 tháng Chạp. Nhiều gia đình sẽ mua cá vàng đem thả và đốt vàng mã.

Tôi không rõ các cụ tạo dựng nên họ hàng nhà tôi đến từ vùng đất nào. Ngay cả các cụ lớn tuổi hay anh trưởng họ cũng chỉ biết rõ đến đời cụ tôi mà thôi. Đến kị tôi – người sinh ra các cụ trong họ, mọi người cũng chỉ biết lơ mơ vài điều mang sắc màu huyền thoại. Trên bảng gia phả không có ảnh cũng không có tên thật của kị. Chỉ là một cái tên mọi người thường gọi giống như là tên hiệu.

Chuyện này có liên quan gì đến chuyện thả cá vàng, đốt vàng mã?

Có! Đó là vì gia đình tôi từ lâu không đốt vàng mã hay thả cá chép vào ngày 23. Khi tôi còn nhỏ, bà nội tôi còn sống lưng còng sát đất. Bà rất hay đi chùa, tin Thần Phật ma quỷ một cách nhiệt thành, chăm chỉ cúng nhưng không bao giờ bà đốt vàng, cũng không thả cá chép. Nhà tôi có việc gì dù lớn như giỗ ông nội tôi hay thịt con lợn bán bà đều ra cúng. Mỗi lần cúng bà khấn hay đọc kinh rất dài. Ê a có khi cả tiếng nhưng bà chỉ đốt mấy nén hương rồi tụng niệm lầm rầm mà thôi. Không hề đốt vàng mã hay bất cứ thứ gì.

Bố mẹ tôi cũng không thả cá chép hay đốt vàng mã. Tôi chưa từng nhìn thấy mẹ tôi mua vàng mã hay cá chép về thả bao giờ.

Sống trong môi trường đó nên đương nhiên đến thế hệ tôi cũng không.

Không chỉ gia đình tôi mà ở làng tôi hầu hết các gia đình cũng không thả cá chép. Một số gia đình thì có đốt vàng mã nhưng có lẽ cũng là thiểu số và có đốt cũng rất ít. Những gia đình đốt đến cả “mũ áo”“ngựa” thì gần như bị đồn là “nổi đồng”, “lập điện”.

Đấy cũng là một sự lạ.

Những đền, chùa, miếu đình ở xung quanh là chỉ dấu cho thấy làng tôi có thể được lập vào thời Lê trung hưng.

Tuy nhiên không có một dấu hiệu nào cho biết những người đầu tiên lập làng đến từ đâu.

Xã có 8-9 làng thì mỗi làng nói một ngôn ngữ khác biệt. Các họ cũng như vậy. Có làng chỉ có họ “Trịnh”“Ngô”. Có làng như làng tôi chỉ có hai họ “Nguyễn” “Giáp”.

Tôi rất tò mò chuyện các cụ từ đâu đến và tại sao lại chọn nơi “khỉ ho cò gáy” này. Nhưng quả thật là không có manh mối.

Mỗi năm, người dân tống xuống sông, ngòi cả tấn túi ni lông vào ngày 23. Nhưng ở làng tôi có lẽ hầu như không mấy người làm như thế.

Có lẽ một phần là vì từ xa xưa các cụ không có tục lệ như thế chăng?

Đấy cũng là một đóng góp phải không các bác?

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: