Trong 7 năm ở ngôi báu, điều băn khoăn lớn của vua Thiệu Trị là Hoàng tử nào sẽ được kế vị. Thậm chí đến giờ phút cuối cùng khi vua Thiệu Trị sắp mất, ngôi Vua còn bị vuột khỏi tay Thái tử Hồng Bảo. Điều này sau đó đã ám ảnh Hồng Bảo, khiến cuộc đời ông trở thành bi kịch.

Thái tử nhà Nguyễn thiếu lễ nghĩa, bị truất ngôi ngay khi đọc di chiếu
Ngai vàng trong điện Thái Hòa (Huế). (Ảnh: Duc Huy Nguyen, Shutterstock)

An Phong công Hồng Bảo

Lịch sử ghi chép rằng Nguyễn Phúc Hồng Bảo sinh năm 1825, là con trai trưởng của vua Thiệu Trị và Diễm nhân Đinh Thị Hạnh. Năm 1841, Hồng Bảo được phong làm An Phong Đình hầu, đến năm 1843 được phong làm An Phong công. Theo lệ nhà Nguyễn, ngoài tước Thân vương và Quận công ra, còn lại rất ít khi phong, chỉ những Hoàng thân cực kỳ có công lao mới được phong.

Các Hoàng tử được phong cao nhất là Thân công, dưới là Quốc công, rồi Quận công. Việc Hoàng tử Hồng Bảo được phong Thân công cho thấy địa vị rất cao, tương lai sẽ là người kế vị ngai vàng.

Năm 1847, ít lâu trước khi qua đời, vua Thiệu Trị tổ chức lễ “Đại khánh” mừng hoàng tôn Ưng Đạo, con trai của An phong công Hồng Bảo. Vì thế mà ai cũng tin Hồng Bảo sẽ là người kế vị ngôi Vua.

Nhưng theo “Nguyễn Phúc tộc thế phả” thì Hồng Bảo “thuở nhỏ là người khỏe mạnh, có học thức nhưng tính tình phóng túng ít chịu gò bó vào khuôn phép”, chính vì thế mà vua Thiệu Trị phải dạy rằng:

“Con học thức còn nông kém, phàm gặp việc gì, cần phải hỏi đến Sư bảo. Cổ nhân còn vái lạy khi được nghe lời nói chính đáng, huống chi là đối với ông thầy! Còn bọn Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Tôn Thất Bạch đều là những bề tôi kỳ cựu, thân tín, con phải lấy lễ mà đối đãi, không được khinh lấn bậy. Phải kính cẩn, gắng theo.”

(Theo Đại Nam thực lục).

Về tính cách của Hồng Bảo, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn trong cuốn sách “Huế triều Nguyễn – Một cái nhìn” có ghi lại câu chuyện:

Trong một dịp trọng lễ, vua Thiệu Trị cùng dự yến tiệc với các Hoàng tử và đình thần cao cấp thì được tin đoàn sứ bộ nhà Thanh đến Kinh thành, Vua liền ra vế đối “Bắc sứ lai triều” tức là sứ thần phương bắc đến Triều.

Hồng Bảo nhanh nhẩu đối lại ngay “Tây Sơn phục quốc” tức là nhà Tây Sơn khôi phục. Câu đối dù nhanh và chuẩn nhưng nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn vốn là kẻ thù của nhau. Vua Thiệu Trị răn dạy con, Hồng Bảo cũng xin lỗi vì trót lỡ lời.

Vì vua Thiệu Trị có ý định để Hồng Bảo nối ngôi nên thường nhắc nhở phải biết lễ nghĩa, tôn trọng và nghe lời các thầy dạy học, tuy nhiên Hồng Bảo lại thường ăn chơi lêu lổng.

Thời đó đối với việc kế thừa vương vị thì còn có một người nữa là Hồng Nhậm, Hoàng tử thứ hai của vua Thiệu Trị do bà chính phi Nguyễn Thị Hằng sinh ra. Hồng Nhậm chỉ thích đọc sách giống như Vua cha khi còn nhỏ, lại hiếu lễ với cha mẹ nên được vua Thiệu Trị rất quý.

Di chiếu truyền ngôi khiến Thái tử hộc máu ngay tại sân điện

Ngày 26/9/1847, vua Thiệu Trị lâm bệnh nặng, gia đình cùng các quan đại thần đều ở xung quanh. Vua nhìn quanh không thấy Hồng Bảo đâu bèn cho người đi gọi thì thấy Hồng Bảo đang xem ca múa.

Theo “Quốc sử quán triều Nguyễn” thì vua Thiệu Trị buồn bã gọi các quan đại thần Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp tới và nói:

“Ta nối nghiệp lớn đã 7 năm nay, ngày đêm lo lắng, không dám thong thả vui chơi. Hôm nay mệt lắm. Trong mấy người con ta, Hồng Bảo tuy lớn nhưng vì thứ xuất (con của vợ thứ), mà lại đần độn ít học, chỉ ham vui chơi, nối nghiệp không đặng. Con thứ hai là Phước Tuy công thông minh ham học giống ta, đáng nối ngôi làm vua. Hôm trước ta đã phê vào tờ di chiếu để tại trong long đồng. Các người phải kính noi nó, đừng trái mạng ta.”

Các quan nghe lời Vua đều khóc, Hồng Bảo hay tin vội chạy đến giường Vua khóc rằng:

“Kim thượng khi mới tức vị đã hứa cho con nối ngôi. Khi ngài ra Bắc tuần thì con lưu lại ở kinh thành, sau lại vâng mệnh đi tế Nam Giao, ai cũng công nhận con là Thái tử. Nay con lỡ phạm tội bất hiếu, xin nhờ ơn trời lượng bể tha cho”.

Vua Thiệu Trị nói:

“Thiên hạ này là của đức Cao Hoàng, kế đến đức Thánh Tổ truyền lại cho ta. Ta định truyền cho mi, thường khuyên mi tu tỉnh. Thế mà mi cờ bạc, hát xướng. Ta không thể lấy tình riêng mà bỏ tình chung được”.

Đến ngày 4/11 thì vua Thiệu Trị mất, các quan đọc tờ di chiếu, phong Phước Tuy công Hồng Nhậm lên nối ngôi. Sau khi đọc di chiếu xong, các quan đại thần đều ký tên vào. Đến lúc này Hồng Bảo không đồng ý và không chịu ký tên, thậm chí phẫn uất đến mức thổ huyết rồi nằm vật ra giữa điện đình, mọi người phải gọi ngự y chạy chữa mãi mới qua khỏi và không nguy hiểm đến tính mạng.

Phước Tuy công Hồng Nhậm theo di chiếu chiếu lên ngôi Vua, hiệu là Tự Đức.

Thái tử nhà Nguyễn thiếu lễ nghĩa, bị truất ngôi ngay khi đọc di chiếu
Chân dung vua Tự Đức. (Tranh: Docteur Rieux, Wikipedia, Public Domain)

Cuộc chiến giành ngôi Vua

Sau chuyện này Hồng Bảo tìm mọi cách để giành ngôi Vua. Đầu tiên Hồng Bảo tìm đến những người Công giáo và Giáo sĩ ở Huế, nói rằng nếu giúp mình lên ngôi thì sẽ cho phép Công giáo được tự do truyền Đạo, thậm chí biến Đại Nam thành đất nước của Công giáo.

Giám mục Pellerin lúc bấy giờ đang ở Huế, trong bức thư ngày 26/11/1848 có viết:

“Theo tôi biết thì Hồng Bảo đã nhiều lần tìm cách lấy lại ngôi báu mà ông đáng được thừa kế, vì là con trưởng và ông đã muốn lôi cuốn những người Công giáo về phe ông bằng cách hứa hẹn với họ không những sự tự do mà còn cả ảnh hưởng của ông để biến vương quốc của ông thành (một quốc gia) Thiên chúa giáo. Tôi không biết những lời hứa hẹn ấy thành thực đến mức độ nào. Các con chiên nhiều lần đến hỏi ý kiến tôi về vấn đề ấy, tôi luôn luôn trả lời rằng chỉ nên tin tưởng ở Chúa Trời và Đức Mẹ và tôi cấm họ xen vào những việc chính trị…”

Vào cuối tháng Giêng năm 1851 trong dịp tết âm lịch, Hồng Bảo chuẩn bị trốn sang Tân Gia Ba (Singapore) cầu viện người Anh. Tuy nhiên việc bị bại lộ, Hồng Bảo bị bắt và định tự tử, tuy nhiên có kẻ đầy tớ khuyên can mãi Hồng Bảo mới bỏ ý định này. Sau đó Hồng Bảo phải đến quỳ dưới chân vua Tự Đức mà khóc lóc nên được vua Tự Đức tha cho.

Tuy nhiên Hồng Bảo vẫn chưa từ bỏ ý định, tập hợp vây cánh cùng uống máu ăn thề, rồi cho tay chân tuyển mộ thêm người. Đến năm 1854 thì việc bị bại lộ, Hồng Bảo bị tuyên án “lăng trì”. Nhưng vua Tự Đức lại lệnh ân xá, đổi thành tù chung thân, làm riêng cho một nhà ngục để giam giữ.

Sau đó thừa lúc còn một mình, Hồng Bảo đã dùng màn giường thắt cổ chết.

“Quốc sử quán triều Nguyễn” chép rằng:

“An Phong Công Hồng Bảo mưu nghịch rồi thắt cổ chết trong nhà giam… Con trai, con gái đều dự vào mưu phản nghịch ấy… Trước đó Hồng Bảo vì không được lập, lòng âm mưu lạ, lén thông đồng với người Tây bị phát giác, bắt được giải về kinh xét qua đúng như vậy. Hồng Bảo trong nhà giam tự tử, con cái đều cải qua họ Đinh là họ mẹ cả.”

Một số nhà sử học hiện đại sau này cho rằng trong vụ việc của An Phong công Hồng Bảo có sự khuất tất, tuy nhiên hướng suy diễn này dường như không có đủ tư liệu lịch sử thuyết phục làm nền tảng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: