Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam có nhiều sự việc ly kỳ được ghi lại. Chẳng hạn trong sách “Công dư tiệp ký” của tiến sĩ Vũ Phương Đề có chép về trường hợp khoa thi năm 1670, dù bài thi trong kỳ thi Hội chưa được chấm nhưng có người đã nói chính xác người đỗ đầu lần đó là Trần Thế Vinh.

Chuyện tiến sĩ Trần Thế Vinh được bà hàng nước báo trước đỗ đại khoa
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Trần Thế Vinh hiệu là Nhân Trai, sinh năm 1634 ở làng Phong Châu, tên nôm là làng Séo (thuộc xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội ngày nay).

Thuở nhỏ, Trần Thế Vinh chăm chỉ đèn sách, năm 21 tuổi ông đỗ kỳ thi Hương. Đến năm 1670 thì ông tham gia kỳ thi Hội.

Sau khi trải qua “tứ trường” kỳ thi Hội, một nhóm khoảng 20 cống sĩ vào nội điện sân Long Trì để xem địa điểm kỳ thi Đình sắp tới, sau đó nhóm cống sĩ này ra ngoài vào quán nước. Bấy giờ, bà hàng nước liền nói rằng:

– Các ông là Cống sĩ vào thi Hội, bây giờ tôi mới được gặp. Nhưng đêm hôm qua nằm mơ, tôi đã thấy rồi.

Các Cống sĩ nghe thì lấy làm lạ lắm, mới tò mò mà rằng:

– Bà nằm mơ thấy gì, xin cho chúng tôi biết cùng.

Bà hàng nước đáp:

– Đêm qua, tôi nằm mơ thấy Hoàng thượng ngự trên điện xướng danh các ông Tiến sĩ. Trong đám các ông ngồi đây, có ông nào họ Nguyễn và tên là Công Phái không?

Trùng hợp làm sao, lúc ấy Nguyễn Công Phái đang ở trong nhóm nho sinh, mới đáp lại một cách tự tin:

– Tôi là Công Phái, bà thấy tôi đỗ thứ nhất, có phải không?

Bà hàng nước trả lời:

– Xin ông đừng quở. Tôi thấy một người đứng trên điện cầm sổ gọi tên. Đúng là gọi tên Nguyễn Công Phái đầu tiên thật. Nhưng sau đó một người đứng bên cạnh cầm bút gạch đi, nói rằng người này vô hạnh, không nên cho đỗ, phải xóa tên đi. Rồi lại gọi đến tên người khác, tức là Trần Thế Vinh. Ông nào là Trần Thế Vinh, ông ấy sẽ đỗ đầu Tiến sĩ năm nay.

Nghe lời bà hàng nước nói, Trần Thế Vinh mới đứng dậy cho biết tên ấy chính là mình. Bà hàng nước lại nói:

– Tôi thấy người trên điện gọi lâu lắm, chắc hẳn khoa này nhiều người đỗ Tiến sĩ, các ông thử chờ xem giấc mơ của tôi có đúng không.

Khi có kết quả, Trần Thế Vinh quả thật đỗ đầu tức Hội nguyên. Theo lệ, thí sinh đã đỗ thi Hội thì đã là đậu đại khoa, vì thi Đình chỉ xếp hạng Tiến sĩ chứ không loại bỏ ai. Lệ này gọi là “Đình thí bất truất”.

Khoa thi này cũng lấy đỗ đến 31 tiến sĩ, nhiều hơn hẳn các khoa thi trước, Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “Mùa đông tháng 11, thi Hội các cống sĩ trong nước, lấy đỗ bọn Trần Thế Vinh 31 người”.

Về phần Nguyễn Công Phái, ông quả nhiên không đỗ, các khoa thi sau dù cố gắng tham dự cũng không bao giờ đỗ cả. Điều này đúng như lời bà hàng nước đã mơ thấy từ trước: “Người này vô hạnh, không nên cho đỗ, phải xóa tên đi”.

Đỗ tiến sĩ, Trần Thế Vinh được cử làm quan Tri phủ Khoái Châu (thuộc Hưng Yên ngày nay), sau đó ông kinh qua các vị trí khác nhau trong lục bộ. Rồi ông được thăng lên làm Thái bảo, chuyên giải quyết những việc cơ mật hệ trọng trong Triều.

Năm 1685 khi đã 52 tuổi, Trần Thế Vinh được cử làm phó sứ sang nhà Thanh. Trong chuyến đi này ông làm 31 bài thơ dâng lên vua Khang Hy, nhà Vua khen ngợi viết tặng 4 chữ “Diên phi ngư dược”, nghĩa là đọc thơ hay như diều bay cá nhảy. Nhờ chuyến đi sứ mà quan hệ giữa 2 nước trở nên tốt hơn, biên giới cũng ổn định.

Trần Thế Vinh sáng tác rất nhiều thơ, nhưng đều bị thất truyền, chỉ còn lại 2 bài thơ được Lê Quý Đôn ghi chép lại trong cuốn “Toàn Việt thi lục”.

Hiện nay nhà thờ  Trần Thế Vinh nằm ở khu đất cao, đối diện với khu di tích lịch sử văn hóa đình Phong Châu. Mộ của ông vẫn còn ở cánh đồng Gò Gạch, thuộc làng Phong Châu.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: