Tinh Thiều là nhân tài xứ Giao Châu, từng sang tận kinh đô nhà Lương thi cử. Khi về nước ông trở thành quân sư bên cạnh Lý Bí, đánh đuổi quân Lương ra khỏi bờ cõi, dựng nước Vạn Xuân.

Chuyện về Tinh Thiều, vị quân sư của nước Vạn Xuân
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Sang kinh đô nhà Lương

Thuở nhỏ Tinh Thiều được cha mẹ dạy dỗ chu đáo, văn hay chữ tốt, lớn lên không quản đường xa ngàn dặm, đến tận kinh đô Kiến Khang (nay là thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) của nhà Lương để dự thi.

Lúc này đất nước đang trong thời kỳ bắc thuộc, vì thế mà ở Giao Châu không có điều kiện học hành như ở phương bắc. Dù thế, Tinh Thiều đã thể hiện tài năng của mình, vượt qua nhiều vòng thi gắt gao.

Sau kỳ thi, đến khi bổ nhiệm quan tước, Lại bộ Thượng thư của nhà Lương bấy giờ là Sài Tốn cho rằng họ nhà Tinh chẳng có ai đỗ đạt cả nên không thuộc hàng sĩ tộc, lại ở vùng đất Giao Châu bị coi là man di mọi rợ, nên bổ nhiệm Tinh Thiều làm “Quảng Dương môn lang”, phụ trách trông coi việc gác cửa Quảng Dương.

Trở thành quân sư của Lý Bí

Thấy nhà Lương xem thường người Giao Châu, Tinh Thiều liền quay trở về. Nghe nói có bậc hiền tài là Lý Bí đang làm Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), ông đến hội ngộ. Hai người cùng chí hướng quyết định cùng chiêu mộ binh mã chống lại chính quyền đô hộ.

Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép rằng:

“Lại có người là Tinh Thiều giỏi từ chương từng đến [kinh đô nhà Lương] xin được chọn làm quan. Thượng thư bộ Lại nhà Lương là Sái Tôn cho rằng họ Tinh trước không có ai hiển đạt, nên chỉ bổ cho chức Quảng Dương môn lang. Thiều lấy làm nhục, trở về làng, theo Vua (tức Lý Bí) mưu việc dấy binh”.

Từ đó Tinh Thiều luôn ở bên cạnh Lý Bí hoạch định các việc như một quân sư, liên kết với hào kiệt các châu để kéo họ về tụ nghĩa.

Những bài văn kêu gọi hiền tài các nơi tụ nghĩa của Tinh Thiều có sức thuyết phục rất lớn. Nhờ đó mà dưới cờ Lý Bí có nhiều hào kiệt đưa quân đến như: Tù trưởng vùng Chu Diên (Hải Dương ngày nay) là Triệu Túc cùng con trai là Triệu Quang Phục; Cha con Phạm Lương và Phạm Thị Toàn đã bán cả tài sản gia nhập nghĩa quân.

Lý Bí thu được toàn bộ Giao Châu

Cuối năm 541, Lý Bí chia quân tiến đánh quân Lương, quân của Thứ sử Tiêu Tư không sao địch nổi. Các cánh quân của Lý Bí cùng tiến đánh thành Long Biên (tức Thăng Long sau này), Thứ sử Tiêu Tư thua trận phải bỏ chạy về Quảng Châu.

Năm 542, quân Lý Bí chiếm được các châu thuộc phía Bắc, ông lại cho quân đánh xuống phía Nam thu phục được toàn bộ Giao Châu.

Đánh nam dẹp bắc

Không muốn mất Giao Châu, vua Lương cho quân đánh chiếm lại. Lý Bí chủ động cho quân đến Hợp Phố (khu vực huyện Hợp Phố thành phố Bắc Hải tỉnh Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay) đánh tan quân Lương tại đây.

Lợi dụng lúc quân Giao Châu tiến đến phía Bắc đánh quân Lương, quân Lâm Ấp ở phía Nam vượt dãy Hoành Sơn chiếm quận Nhật Nam, rồi kéo quân tiến đánh quận Cửu Đức. Lý Bí đưa quân xuống phía nam đánh tan quân Lâm Ấp.

Trong những chiến thắng của nghĩa quân, Tinh Thiều có công lớn trong vai trò là một quân sư.

Nước Vạn Xuân

Mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, định đô ở cửa sông Tô Lịch, đặt tên nước là Vạn Xuân với mong muốn giang sơn xã tắc mãi đến muôn đời.

Triều đình được thành lập với hai ban văn võ. Triệu Túc làm Thái phó đứng đầu ban võ, Tinh Thiều được phong là Thái sư đứng đầu ban văn. Như vậy Tinh Thiều vẫn ở vị trí quân sư của nước Vạn Xuân.

Cuộc chiến chống quân Lương

Tháng 5 năm 545, vua Lương cho viên tướng giỏi nhất của mình là Trần Bá Tiên đem 8 vạn quân sang đánh Vạn Xuân.

Trận đánh diễn ra rất ác liệt ở Chu Diên (phía đông Hà Nội ngày nay, giáp ranh giữa các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên). Quân Vạn Xuân anh dũng chống cự nhưng không ngăn được quân Lương. Lý Nam Đế cùng quân rút đến sông Tô Lịch.

Tại sông Tô Lịch, quân Vạn Xuân lập các chiến lũy một cách vội vàng nên khi quân Lương tiến đánh không thể chống nổi. Cả 3 tướng chỉ huy cao nhất của Vạn Xuân đều nằm lại tại nơi đây: Tinh Thiều, Triệu Túc, Phạm Tu (theo sử gia Nguyễn Khắc Thuần).

Thời điểm này văn hóa văn minh dân tộc chưa phát triển rực rỡ, những tài năng có thể dùng Nho để trị quốc như Tinh Thiều là rất hiếm. Thời gian cho sự phát triển của Vạn Xuân chỉ có 1 năm, năm 544 giành được độc lập thì năm 545 đã phải vào cuộc chiến vệ quốc chống quân Lương, không đủ để quân sư Tinh Thiều đưa hết tài năng giúp Giao Châu hùng mạnh chống lại ngoại xâm từ phương bắc.

Tinh Thiều mất là một mất mát lớn đối với Lý Nam Đế. Rồi Lý Nam Đế cũng mất ở động Khuất Lão. Trước khi mất nhà Vua trao quyền lại cho Triệu Quang Phục. Sau này Triệu Quang Phục đã đánh đuổi được quân Lương, giành lại quyền tự chủ cho dân tộc.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: