Những câu chuyện tôi nói ở lớp võ không chỉ liên quan tới võ mà thực ra đấy là những câu chuyện về cuộc sống.

Con người ta ai cũng khao khát sức khoẻ, sức mạnh để tự vệ, chiến đấu, ai cũng muốn sống lâu và thành công nhưng ít người bỏ thời gian, đổ mồ hôi để tập luyện. Sự lười nhác, ngại vất vả đã ngăn họ lại và đa phần con người ta sống theo quán tính, theo những gì dễ dãi, biết những gì là tốt cho mình nhưng ít khi làm theo.

Đấy là có mấy chục năm, nếu tuổi thọ là 1.000 năm tuổi thì con người còn sống buông thả, dễ dãi và lười biếng đến đâu.

Tôi thường mang hình ảnh ẩn dụ là cuộc sống như một dòng nước chảy ngược, chỉ người mạnh mẽ mới có thể chống lại dòng nước ấy và có thể thưởng thức vẻ đẹp ở hai bên bờ; người yếu đuối sẽ chật vật chống lại sức nước; nếu yếu hơn nữa sẽ bị nó cuốn trôi vào đau khổ u tối.

Người Việt xưa thi võ như thế nào?
(Ảnh trong triển lãm ảnh Võ cổ truyền Việt Nam trong nước và quốc tế. Ảnh qua tintm.com)

Người của võ đã quen với vất vả, với sự rèn luyện, lâu ngày đã thành tính cách nội tại, tinh thần luôn quẫy đạp mạnh mẽ nên cũng sẽ vượt qua những rào cản trong cuộc sống dễ dàng hơn với người không tập luyện.

Sự mạnh mẽ ở đây không chỉ ở thể chất mà quan trọng là ở tinh thần. Do vậy, học sinh tập kém, tập tốt không quan trọng, quan trọng là tôi có nhìn thấy trong những ánh mắt của học sinh có sự quả cảm, sự mạnh mẽ trong tinh thần hay không.

Khi đã có sự mạnh mẽ tinh thần, sự mạnh mẽ thể chất tất yếu sẽ có.

Một võ sinh có năng khiếu đánh là giỏi ngay không mang lại niềm vui cho tôi khi chứng kiến một võ sinh vụng về ban đầu, nhưng ý chí quyết tâm đã tạo ra sự tiến bộ. Ấy mới là niềm vui đích thực.

Sự mạnh mẽ về tinh thần, ấy là tiêu chí quan trọng nhất, võ sinh nào đã tập với tôi chắc hẳn cảm nhận rõ điều ấy.

Tác giả: Võ sư Đoàn Bảo Châu
Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả

Theo Châu Đoàn Karate Do

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: