Lạc Quế Bình là nhà sáng lập đội Bắc Kỳ Lân của Hồng Kông, chuyên truyền thụ và biểu diễn kỹ nghệ múa lân, nhưng kỳ thực bản thân ông là một võ sư. Khi chỉ mới mười mấy tuổi ông đã bái sư học võ, 26 tuổi ông mở võ quán nhận đồ đệ, chủ yếu truyền thụ Hồng Quyền, hay còn gọi Thiếu Lâm Hồng Quyền, dạy tuỳ theo năng lực mỗi người. Về phương diện Trường Quyền (võ phái quyền cước phía Bắc Trung Hoa), Đoản Quyền, quyền anh và đấm bốc, ông cũng có những thể ngộ riêng của mình khi dạy học. Ông tin rằng người học võ cần trọng lễ tiết, khổ công rèn luyện, “võ đức” lại càng là một mắt xích không thể thiếu đối với người học võ.

Chuyện về võ sư Hồng Kông Lạc Quế Bình
Lạc Quế Bình thời trẻ. (Ảnh: Epoch Times)

Công phu khó nhọc, 26 tuổi mở võ quán

Từ nhỏ Lạc Quế Bình đã thích học các loại quyền pháp, và múa sư tử. Hồi nhỏ ông và những vị huynh đệ “chí cùng đạo hợp” đã bái La Bàng, sư phụ hồng quyền ở khu Đại Phố làm thầy.

Lạc Quế Bình từ nhỏ đã có thiên phận với những môn quyền cước, quyền pháp. Dù là Trường Quyền hay Đoản Quyền, ông đều có thể nhanh chóng nắm vững các kỹ năng, nhưng chủ yếu ông theo học Thiếu Lâm Hồng quyền. Dẫu tuổi còn trẻ nhưng chí khí ngất trời, trên đường ông gặp chuyện bất bình ắt sẽ ra tay tương trợ. Chừng 20 tuổi ông từng đảm nhiệm chức vụ cảnh sát đường thuỷ 2 năm, vì cảm thấy không phù hợp nên ông từ chức. Sau này ông quyết định tự mình mở võ quán, mưu sinh bằng sở trường của mình là quyền pháp.

Năm 1977, “Tổng hội thể thao quốc thuật tưởng niệm La Bàng” được thành lập, do một vị sư huynh cung cấp một căn nhà của mình tại nông thôn làm trụ sở. Ông đã bắt đầu con đường dạy võ thuật từ đây. Sở dĩ lấy tên là “La Bàng” là vì tưởng niệm vị sư phụ La Bàng của ông. Sư phụ La Bàng từ Quảng Châu tới Hồng Kông, từng kinh doanh gỗ, rất giỏi về Thiếu Lâm Hồng quyền, năm 70 tuổi đã tạ thế. Lạc Quế Bình kế thừa võ thuật của ông, mở võ quán, và tận lực vận hành võ quán.

Khi ấy Lạc Quế Bình mới chỉ 26 tuổi, rốt cuộc ông đã làm thế nào để khiến những học trò của mình tín phục? Ông chia sẻ rằng tất cả đều dựa vào sự nỗ lực, năng lực của bản thân và thái độ đối đãi với người khác. Ông nhớ lại, năm đó hàng ngày ông đều luyện những kỹ thuật cơ bản suốt 6 giờ đồng hồ. Ông yêu cầu bản thân vô cùng nghiêm khắc, từng động tác đều phải làm được theo yêu cầu của mình đến nơi đến chốn. Khi đối diện với những người “đá quán” (đến võ quán thách đấu), ông không kiêu ngạo cũng không tự ti, dùng lý mà thu phục người và dùng năng lực của bản thân khiến họ tâm phục khẩu phục.

“Võ đức”: Lễ vi tiên

Với những người theo học, Lạc sư phụ có một bộ lý luận, quan niệm dạy võ của mình. Ông tin rằng “Võ đức” sẽ dần dần được bồi đắp, từ đời nọ truyền sang đời kia. Ông còn muốn gọi võ quán của mình là “trường học”. Ông tin rằng “lễ tiết” là yêu cầu cơ bản nhất đối với các đồ đệ, tuyệt đối không được ỷ mạnh hiếp yếu, không được tỏ ra nổi trội hơn người. Ông nói với đồ đệ của mình rằng, phải học cách khiêm nhường, nếu thực sự bị bắt nạt, thì cần báo cảnh sát, hay nói với cha mẹ, không được tự ý giải quyết bằng vũ lực, mục đích học võ là học tu dưỡng.

Lạc sư phụ chia sẻ: “Tôn kính tổ tông, kính thầy, kính mẹ cha; học nhân, học nghĩa, học công phu. Người lắm lễ tiết mới không kỳ dị, ví như những người học võ chúng ta, điều quan trọng nhất là lễ tiết, luyện võ cũng vậy, sự khiêm nhường của võ thuật là không được ỷ mạnh hiếp yếu. Võ đức, võ đức tốt hay không là hành vi tu dưỡng của cá nhân bạn, không có võ đức sẽ không thể thu phục lòng người.”

Chịu khổ mới có thể thành tài

Lạc sư phụ chia đồ đệ của mình thành 3 đẳng cấp. Đồ đệ thượng đẳng nhất là những người tự nguyện tới học, họ thực sự có tâm học võ thuật. Đồ đệ trung đẳng là những người chạy theo trào lưu, thấy người khác học thì mình cũng tới thử xem sao. Đồ đệ hạ đẳng là người nhà yêu cầu họ học, nhưng bản thân họ lại không có tâm theo học.

Khi hỏi về “bí quyết” của võ thuật, Lạc sư phụ nhắc tới điều quan trọng nhất là “Xuất phát tự tâm”, liệu có tâm muốn học hay không là bước đầu tiên khi học võ. Khi bản thân mình hứng thú, nguyện ý chịu khó chịu khổ mới là điều quan trọng nhất. Vị võ sư nói: “Một phút trên khán đài, 10 năm khổ nhọc dưới sân khấu. Nếu uống một cốc bia, xem ti vi một chút thì có thể luyện được tốt hay không? Đồ đệ của tôi được huấn luyện rất thống khổ. Bởi vì họ luôn muốn thách đấu với tôi. Học công phu phải học trên mặt nước, học trên bờ thì không cách nào học được.”

“Mặt nước” mà ông nói tới, nghĩa là học trong hoàn cảnh lâm trận chân thực nhất, không được đứng trên bờ mà nhìn lửa cháy. Ông tin rằng chỉ khi trải qua những kinh nghiệm thực tiễn, nguyện ý chịu khổ luyện tập mới có thể thành tài.

Lạc sư phụ làm người rất đơn giản, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Suốt mười mấy năm qua ông đã tiếp nhận không ít lần phỏng vấn, nhưng ông thường bày tỏ sự tự hào vì đồ đệ, đồ tôn của mình, chứ không nhắc đến bản thân nhiều.

Vì tuổi đã cao và tình trạng thể lực không còn tốt, nên võ quán xưa kia đã đóng cửa vào năm 2016, nhưng ông vẫn rất mực quan tâm tới các đồ đệ và đồ tôn của mình. Ông cũng thành lập “Đội bắc kỳ lân của Hồng Kông” nhằm truyền thụ kỹ nghệ múa kỳ lân. Điều này cũng không lạ lẫm, bởi cũng như hình thức lưu truyền của võ thuật Trung Hoa xưa kia, các kỹ nghệ biểu diễn dân gian đều có pha trộn công phu võ thuật. Mong rằng “võ đức” mà ông tâm đắc sẽ được kế thừa đời đời.

Theo Epoch Times
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm: