Thời vua Trần Thái Tông, Vua cương quyết giữ vững ổn định biên giới phía bắc và phía nam, thậm chí đích thân cầm quân bắc tiến đánh sang tận đất Tống, nam tiến đánh thẳng vào Chiêm Thành, trở thành tiền đề giúp Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông sau này.

Chuyện vua Trần Thái Tông đích thân cầm quân bảo vệ 2 đầu biên giới
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Phía bắc tiến sâu vào đất Tống

Khi vua Trần Thái Tông lên ngôi khai sáng ra nhà Trần, Vua chú trọng bang giao với nhà Tống để yên ổn, cho sứ giả đến lập quan hệ ngoại giao. Nhưng nhà Tống ỷ nước lớn, không chấp nhận bang giao với Đại Việt.

Lúc này ở phía bắc, nhà Tống liên minh với Mông Cổ đánh Kim. Nhưng sau khi chiếm được nước Kim, Mông Cổ bất ngờ đưa quân tấn công Tống.

Năm 1235, Đại Hãn Oa Khoát Đài phái 2 đạo quân tấn công nước Tống: đạo thứ nhất đánh chiếm Tứ Xuyên rồi tiến vào Thành Đô; đạo thứ hai tiến xuống Hồ Bắc chiếm thành Tương Dương.

Lúc này nhà Tống quay lại muốn kết thân với nhà Trần nhằm ổn định phía nam, tập trung chống quân Mông Cổ.

Năm 1236, sứ nhà Tống đến muốn kết thân với Đại Việt. Hiểu rõ thế khó khăn của nhà Tống, Đại Việt không nhân cơ hội này gây khó khăn mà đồng ý bang giao, để nhà Tống yên tâm chống Mông Cổ ở phương bắc.

Năm 1236, quân Mông Cổ sau khi chiếm Thành Đô liền tiến xuống phía nam, thường cho du binh đột nhập vùng Quảng Đông, Quảng Tây để cướp phá rồi rút lui. Quân nhà Tống không sao đối phó được.

Nhà Tống tập trung chống Mông Cổ ở phương bắc, nên quan lại phía nam rất lỏng lẻo, giặc cướp có cơ hội nổi lên. Cuối năm 1240, giặc cướp không chỉ làm loạn bên đất Tống mà còn tràn sang biên giới đến vùng Lạng Giang (tức Lạng Sơn ngày nay) giết người cướp của. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Mùa đông, tháng 10, quan đóng giữ Lạng Giang sai chạy trạm tâu về việc người phương Bắc đến bắt người cướp của dân cư trong hạt ấy. Vua sai thị thần là Bùi Khâm đến biên giới phía bắc để bày tỏ”.

Năm 1241, giặc cướp bên Tống lại tràn sang biên giới đến Đại Việt. Triều đình cử đốc tướng Phạm Kính An đem quân lên biên giới đánh đuổi được giặc.

Thấy giặc cướp phương bắc ngày càng lộng hành, vua Trần Thái Tông quyết định thân chinh ra bắc tiến sâu vào đất Tống nhằm đánh tận vào sào huyệt giặc, giúp dân chúng cả hai nước, đồng thời giúp thông thương đi lại giữa hai nước.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép về cuộc tiến quân này như sau:

“Vua thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là vua mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về”.

Bấy giờ nhà Tống đã tập trung hết quân ra bắc đối phó Mông Cổ, nếu như nhà Trần không giao hảo mà đưa quân tiến đánh thì việc chiếm được vùng đất phía nam của nhà Tống rất dễ dàng. Tuy nhiên vua Trần Thái Tôngmang theo tinh thần thượng võ của dòng Đông A, quyết không vì nhà Tống gặp khó khăn mà tiến đánh.

Tháng 4/1242, Vua sai Thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình đưa quân vượt biên giới tiến đánh vào Bằng Tường (thuộc Quảng Tây). Lúc này đám giặc cướp kinh sợ và không còn dám lộng hành tiến sang Đại Việt nữa, các tuyến giao thông giữa hai nước cũng được nối lại.

Phía nam đánh thẳng vào Chiêm Thành

Biên giới phía bắc được yên, ở phía nam biên giới, Chiêm Thành một mặt vẫn triều cống, nhưng mặt khác lại đưa quân tiến đánh nhằm giành lại vùng đất bị mất vào năm 1069 khi hai nước giao chiến với nhau.

Tháng 1/1252, Vua thân chinh cầm quân tiến đánh Chiêm Thành, quân Đại Việt thắng lớn, bắt được Hoàng hậu Bố Da La.

Sự kiện này Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng:

“Nhâm Tý, Nguyên Phong năm thứ 2 [1252] , (Tống Thuần Hựu năm thứ 13). Mùa xuân, tháng giêng, Vua thân đi đánh Chiêm Thành, sai Khâm Thiên Đại vương Nhật Hiệu làm lưu thủ.

Chiêm Thành từ khi nhà Lý suy yếu, thường đem thuyền nhẹ [19a] đến cướp bóc dân cư ven biển. Vua lên ngôi, lấy đức vỗ về, sai sứ sang dụ, tuy họ có thường sang cống, nhưng lại đòi xin lại đất cũ, và có ý dòm ngó [nước ta]. Vua giận, nên có việc thân chinh này.

Mùa đông, tháng 12, bắt được vợ của chúa Chiêm Thành là Bố Da La và nhiều thần thiếp, nhân dân của y rồi về.”

Từ đó Chiêm Thành hoàn toàn thần phục nhà Trần, nhiều lần cử người triều cống, không còn đánh phá lấn đất như trước, biên giới phía nam cũng được yên.

Thông qua việc vua Trần Thái Tông thân chinh cầm quân, Đại Việt có được nền tảng ổn định. Khi Toa Đô cùng 20 vạn quân Nguyên Mông tiến đánh Chiêm Thành vào năm 1282-1283, nhà Trần đã cử quân sang tiếp viện giúp Chiêm Thành đánh bại sự xâm lăng của Nguyên Mông. Đồng thời khi quân Nguyên Mông tiếp tục tiếp đánh Đại Việt vào năm 1285, nhà Trần yên tâm tập trung quân chống Nguyên Mông ở phía bắc, mà không lo Chiêm Thành nhân cơ hội đánh ngược lên. Đây cũng là nền tảng quan trọng giúp cuộc chiến chống Nguyên Mông đi đến thắng lợi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: