Cả giám khảo cùng 4.000 sĩ tử đều tròn mắt ngạc nhiên nhìn nhau khi thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ bước vào trường dự thi. Và câu chuyện khoa cử này lại có kết thúc hết sức đáng quý.

Học tài thi phận

Vào thời vua Gia Long, ở làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh) có bà Lê Thị Nậm được nhà Vua ban cho “tiết hạnh khả phong”, vì dù chồng chết lúc 20 tuổi nhưng không chịu đi bước nữa, mà quyết ở vậy nuôi con mình là Đoàn Tự Cận khôn lớn.

Từ nhỏ Đoàn Tự Cận được mẹ khuyến khích học hành theo con đường khoa cử. Dù Đoàn Tự Cận tỏ ra thông minh nhưng thi cử lận đận, ông thi nhiều lần nhưng chỉ hai lần thi đỗ Tú tài (tức qua 3 vòng đầu thi Hương) năm 49 và 66 tuổi.

Đoàn Tự Cận nhận thấy tên của mình như bị trời giam hãm không được cao xa. Cho rằng chữ “Tự” (字) có chữ “miên” (宀) tức mái nhà ở trên nên không nhìn được cao xa, ông bèn bỏ chữ miên này chỉ còn lại chữ “Tử” (子). Đồng thời ông thấy chữ “Cận” thì tiến gần, không bay xa được nên đổi thành chữ “Quang”. Từ đó ông lấy tên là Đoàn Tử Quang.

Đã đổi tên như vậy nhưng mấy lần đi thi, vận may đều không mỉm cười với Đoàn Tử Quang. Rồi 2 con trai của ông cũng dần khôn lớn noi gương cha theo con đường khoa cử.

82 tuổi vẫn vào trường thi

Năm 1900, Triều đình tổ chức thi Hương, hai con trai Đoàn Tử Quang vượt qua kỳ thi sát hạch, nhưng đúng lúc này vợ của cụ mất. Theo quy định của triều đình thì hai con cụ phải chịu tang mẹ 3 năm mới được đi thi. Đoàn Tử Quang năm ấy đã 82 tuổi nên cụ cũng không có ý định đi thi.

Nhưng vì 2 con cụ không đi thi được nên làng cụ năm đó không có ai dự thi, các chức sắc trong làng đến động viên cụ đi thi để không kém cạnh các làng khác, mẹ cụ là bà Lê Thị Nậm năm ấy đã 98 tuổi cũng động viên con mình đi thi một chuyến.

Chuyện vui khoa cử: Cụ ông 82 tuổi vẫn vào trường thi đỗ cử nhân
Một cụ già lều chõng đi thi thời xưa. (Ảnh tư liệu)

Tại trường thi Hương ở Nghệ An năm 1900, tất cả giám khảo và 4.000 sĩ tử đều ngơ ngác khi thấy một cụ già râu tóc bạc phơ cũng đến trường dự thi.

Giám khảo cùng nhiều người lo cụ không có sức khỏe để thi qua hết tứ trường (4 vòng thi Hương), nên xếp cụ ở vị trị phía trước gần các giám khảo để phòng khi cụ đau yếu sẽ giúp đỡ.

Bài thi chỉ xếp sau Phan Bội Châu

Mặc dù cụ Tử Quang đã già, nhưng sau khi khớp phách, các giảm khảo đều thấy bài của cụ nét chữ không hề nghiêng đổ mà rõ ràng. Cụ lần lượt vượt qua tam trường và vào đến trường tư, tức vòng thi cuối cùng.

Theo kết quả chấm bài thi thì người đỗ đầu là Phan Bội Châu, người đỗ thứ 2 chính là cụ Đoàn Tử Quang. Tuy nhiên quy chế khoa cử thời ấy rất nghiêm ngặt, cụ Đoàn Tử Quang không may phạm lỗi nhỏ nên bài của cụ bị đánh rớt xuống còn thứ 29. Nhưng năm đó lấy 30 người đậu, nên cuối cũng cụ cũng đậu kỳ thi Hương, tương đương cử nhân.

Chánh chủ khảo là Khiếu Năng Tĩnh và Phó chủ khảo Mai Khắc Đôn ghi chép lại câu chuyện khoa cử hiếm có này và đặt tên là “Mẩu chuyện hay được ghi lại ở Trường thi” , trong đó có ghi chép khi xướng danh những người thi đậu như sau:

Ngày xướng danh, người xem đông như hội. Gọi đến tên, ông lão “dạ” và đi vào, đầu tóc bạc phơ, dung nhan rất đẹp, phiêu nhiên như vị thần tiên giáng thế. Các quan khách, quan tỉnh cầm tay khen ngợi hồi lâu. Khi được cấp mũ áo ra trình diện, bái ân (lạy ơn vua), bái tứ (lạy tạ được nhận lộc vua), bái yến (lạy tạ khi được ngồi vào bàn tiệc), không hề thấy ông lão tỏ ra xiêu vẹo, bạc nhược.

Yến lão sắp xong ông lão lấy một ít trong số những thức ăn có thể lấy được, cho vào trong tay áo thụng. Người bên cạnh cười cho rằng ông lão chắc có nhiều cháu chắt, muốn lấy về chia cho chúng cùng vui, ông lão chỉ tủm tỉm cười mà không nói.

Người đỗ cao nhất tức Giải nguyên Phan Bội Châu đã làm bài ca tặng cụ cùng đôi câu đối:

Xảo thật trời kia, xảo thật nguyệt kia, hẵng đem mùi cay đắng thử khách tài hoa, đã toan phụ tám mươi năm nợ nần thư kiếm.

Lạ thay người ấy, sướng thay người ấy, muốn ôm mớ văn chương về trả tạo hóa, mà lại xem muôn ngàn dặm cái phong vân.

(Bản dịch của Ninh Viết Giao)

Ngày cụ vinh quy bái tổ, Tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn đã cảm thán mà làm một bài thơ tặng cụ như sau:

Khá lắm Hương sơn Đoàn Tú tài
Xuân xanh vừa đúng tám mươi hai
Trường văn múa bút râu như mác
Quế đỏ cành thơm cướp vác vai
Ung dung chống gậy tới Nam cai
Nhà huyên tuổi hạc chín mươi tám
Giờ thấy con ta đắc ý rồi.

Sống qua 13 đời Vua nhà Nguyễn

Dù đã quá tuổi làm quan, nhưng cụ Đoàn Tử Quang vẫn được bổ nhiệm làm Huấn đạo ở huyện Hương Sơn và Can Lộc (Hà Tĩnh). Theo quy định thì các quan 65 tuổi phải nghỉ hưu, nhưng cụ Đoàn Tử Quang dù 82 tuổi vẫn được đặc cách bổ nhiệm làm quan ở địa phương.

Năm 1903, cụ xin cáo quan để về nhà phụng dưỡng mẹ già. Năm 1924 khi 106 tuổi, Triều đình đã phong hàm Hàn lâm viện thị độc tặng cụ. Cụ mất năm 1928, thọ 110 tuổi.

Cụ sinh năm 1818 thời vua Gia Long, tức vua đầu tiên của nhà Nguyễn, mất năm 1928 dưới thời vua Bảo Đại, tức vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn. Như vậy, cụ đã sống qua những ngày tháng thăng trầm suốt 13 đời Vua nhà Nguyễn.

Năm 1944, học giả Hoàng Xuân Hãn viết về thí sinh đặc biệt Đoàn Tử Quang, đăng trên báo Thanh Nghị:

“Thấy tuổi già tưởng văn non mà thương, hóa ra những món tưởng non lại thành cứng; thấy già tưởng chữ viết lòe nhòe xiên xẹo mà chính ra lại cứng cáp tốt tươi. Tưởng bênh cho may đậu tú tài mà lại tự mình sắp đậu giải nguyên. Tưởng tám mươi hai tuổi là già lắm, mà còn mẹ chín mươi tám tuổi… Tưởng vì công danh mà đeo đuổi khoa trường mà chính ra là muốn cho vui lòng mẹ.”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: