Ngày nay, hàng năm thường có rất nhiều người tới chùa chiền đạo quán thắp hương, khấn vái, cầu xin may mắn, giảm bớt họa nạn, để bản thân cảm thấy yên lòng. Nhưng thời xưa, cổ nhân đến lễ Phật, cúng Thần với tâm thái kính ngưỡng, họ cũng tin theo lời dạy của Thần Phật, tin rằng trong một gia đình hay dòng tộc mà nói, nhà ai có việc tốt là phúc báo nhờ “tích đức”, nhà ai gặp tai ương là vì “thất đức”. Vậy nên người già mới hay nhắc nhở con cháu rằng chớ nên làm việc thất đức, sẽ làm tổn hại phúc báo của gia đình. Có rất nhiều câu truyện trong văn hoá truyền thống kể về điều này, nổi tiếng nhất là những câu chuyện nằm trong tác phẩm Liễu Phàm Tứ Huấn.

Chuyện xưa: Giải án oan, được phúc báo
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Liễu Phàm Tứ Huấn là tác phẩm được viết bởi Viên Liễu Phàm, một viên quan sống trong thời nhà Minh vào khoảng năm 1550, quê ở Gia Thiện, thuộc Chiết Giang. Ông viết tác phẩm này nhằm để lại cho người con trai Viên Thiên Khải những điều mà bản thân ông tâm đắc trong suốt cuộc đời.

Viên Liễu Phàm tên thật là Viên Hoàng. Cuộc đời ông có thể nói là có thiện duyên nhất định trên con đường tìm Đạo. Người đầu tiên có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời Viên Hoàng là một tiên sinh họ Khổng tinh thông Kinh Dịch. Khổng tiên sinh nhận được một phần chân truyền của nhà tiên tri Thiệu Ung, người để lại các vần thơ tiên tri Mai Hoa Thi tiên đoán chính xác sự việc của Trung Nguyên trong hàng nghìn năm.

Khổng tiên sinh đã xem số cho Viên Hoàng, chỉ rõ mọi sự mọi việc trong cuộc đời ông, nói đâu trúng đó, từ sự việc lớn đến sự việc nhỏ. Thậm chí sau này, tổng số thạch gạo được ban cho Viên Hoàng trong nhiều thời kỳ để học lên cống sinh cũng được Khổng tiên sinh tiên đoán chính xác hoàn toàn. Điều này khiến Viên Hoàng tin rằng số mệnh thực sự tồn tại, và một người nên là “an mệnh”.

Tuy nhiên bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời Viên Hoàng xảy ra khi ông gặp thiền sư Vân Cốc. Ông được giảng giải về cách thay đổi số phận như tích đức, làm việc thiện và sửa đổi các lỗi lầm. Viên Hoàng thực hành theo những điều này và dần dần vận số của ông trở nên tốt hơn, bắt đầu sai khác với các lời tiên đoán của Khổng tiên sinh. Tới đây, Viên Hoàng có những liễu giải và cảm ngộ nhất định đối với sinh mệnh và cuộc đời, đối với hành thiện và phúc báo, nên mới tự gọi mình là Viên Liễu Phàm. Khi ông 69 tuổi, ông đã viết tác phẩm Liễu Phàm Tứ Huấn kể lại toàn bộ những trải nghiệm cuộc đời cho con trai.

Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có ghi lại một câu chuyện giải án oan, được phúc báo như vậy.

Vào những năm Thành Hoá thời nhà Minh, tại Gia Hưng, Chiết Giang có một người tên là Đồ Khang Hy. Ngay thuở thiếu thời Đồ Khang Hy đã học thông kinh sử, sau này ông thi đỗ tiến sỹ. Ban đầu ông làm quan bộ Công, quản lý việc đồn điền, thuỷ lợi, xây dựng, đường xá… Sau này ông đổi sang làm quan bộ Hình.

Khi Đồ Khang Hy tới bộ Hình nhậm chức, ông làm việc vô cùng chăm chỉ. Khi xử án ông thường rất cẩn trọng tìm hiểu các tình tiết. Đôi khi ông còn tranh thủ thời gian buổi tối ở lại nhà giam, chung sống với phạm nhân, tìm hiểu cặn kẽ tình trạng những người bị bắt giam. Vậy nên ông biết rằng trong số những người này, có người không có tội mà là bị oan, bị vu cáo, hãm hại. Với những tình huống ấy, ông điều tra rất nghiêm túc. Ông còn bí mật gửi công văn lên Thượng thư bộ Hình. Như vậy bản thân ông không hề tính công kể thưởng, mà toàn bộ công lao lại nhường cho vị Thượng thư.

Thượng thư bộ Hình tận dụng những tài liệu về tình tiết các vụ án mà Đồ Khang Hy cung cấp, thẩm vấn lại những người bị giam giữ. Trong một vài vụ án, sự thực nhanh chóng được tìm ra, rất nhiều người được minh oan, khiến mọi người đều kính phục. Lúc đó chuyện này truyền đi, bách tính trong Kinh thành đều khen ngợi Thượng thư bộ Hình công chính liêm minh, minh xét tinh tường. Mỗi lần Thượng thư bộ Hình gặp những vụ án khó, liên quan đến giới quyền quý, không biết nên làm thế nào, cũng thường uỷ thác cho Đồ Khang Hy giải quyết. Đồ Khang Hy phán án quyết đoán, ai nấy đều bội phục.

Đồ Khang Hy lại tiếp tục tấu rằng: “Trong Kinh thành này, có nhiều người bị oan như vậy, thì trên phạm vi toàn quốc, dân chúng nhiều như thế, sao có thể không có người bị oan uổng? Mỗi 5 năm nên cử một vài quan viên phụ trách giảm án tới địa phương, để họ thẩm tra lại các vụ án, tìm lại công bằng cho những người phải chịu oan khuất.” Thượng thư bộ Hình đồng ý với ý kiến của ông và dâng tấu lên Hoàng đế, được chuẩn tấu.

Triều đình bèn cử quan viên quản việc giảm án tới địa phương, Đồ Khang Hy cũng là một trong số họ. Như vậy có rất nhiều người vô tội đã được minh oan.

Đồ Khang Hy đã tới độ tuổi trung niên, nhưng vẫn chưa có con. Một hôm ông nằm mơ thấy Thần minh báo mộng rằng: “Trong số mệnh của ngươi vốn là không có con, nhưng vì ngươi minh oan cứu được vô số người, nhân từ, thương người, hợp với ý Trời. Trời có đức hiếu sinh, vậy nên ban cho ngươi ba người con trai. Tương lai chúng đều sẽ là những người phú quý, vinh hiển.”

Đêm hôm đó, phu nhân của Đồ Khang Hy có thai, sau này cả thảy vợ chồng ông sinh được 3 người con trai, lần lượt đặt tên là Ứng Huân, Ứng Khôn, Ứng Thuyên. Ba người con từ nhỏ đều có tư chất vô cùng tốt.

Sau này Đồ Khang Hy đảm nhận chức Thượng thư bộ Hình rồi Thái tử Thái bảo (là quan phụ trách dạy dỗ Thái tử).

Đồ Khang Hy tôn kính luật pháp, hành sự chấp pháp công bằng. Ông giải oan cho vô số người bị oan khuất mà lại không tham công, không cầu báo đáp. Hành động của ông chính là việc đại thiện, tích được âm đức lớn. Cho nên Trời ban phúc báo, ban cho ông quý tử, con cháu được thành đạt.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: