Có một câu nói kinh điển như thế này: “Khi bạn khép chặt hai bàn tay lại, trong tay bạn sẽ không có gì. Nhưng khi bạn mở hai bàn tay ra thì cả thế giới đều ở trong tay bạn”. Người nào có thể hiểu được “buông bỏ” thì trong cuộc đời hữu hạn này, người ấy mới có thể sống được thản nhiên, sung túc và tự tại.

Có thể "buông bỏ" mới có thể "đắc được"
(Ảnh minh họa: Beautiful landscape, Shutterstock)

Dòng suối nhỏ rời xa mặt đất bằng phẳng là bởi vì muốn quay về biển rộng. Cây lìa xa lá vàng là để đợi chờ mùa xuân xanh tươi đến. Ngọn nến buông bỏ thân thể nên mới có một cuộc đời quang minh, ngời sáng. Tâm linh bởi vì buông tha thế tục ồn ã mới có được một khoảng bình yên.

Nếu muốn ngắm đỉnh núi cao sừng sững thì phải rời xa nơi thành thị ồn ào, náo nhiệt. Nếu muốn có được sự thản đãng thì phải biết nhìn thẳng vào khó khăn trước mắt. Nếu muốn có được niềm hạnh phúc thuần khiết thì nội tâm phải thanh tịnh. Nếu muốn có được sự tôn kính của đời sau thì phải không bị cám dỗ bởi những hư vinh trước mắt. Buông bỏ dòng suối nhỏ sẽ có được biển rộng lớn, buông bỏ một thân cây nhỏ sẽ có một rừng cây.

Mời xem video:

Đời người chính là lựa chọn và “buông” chính là một môn nghệ thuật của sự lựa chọn. Nếu không có sự buông bỏ quyết đoán, sẽ rất khó có được lựa chọn huy hoàng, xán lạn. Đau khổ giãy giụa, liều mạng ôm giữ không bằng tiêu sái phất tay, dũng cảm lựa chọn “buông”. Chỉ có học được cách buông bỏ, người ta mới có thể khiến bản thân càng khoan dung hơn, nhìn được xa hơn và trông được rộng hơn. Người mà cái gì cũng không nguyện buông xuống thì sẽ không giữ được, mà trái lại còn có thể mất đi những thứ trân quý hơn. Khi cần phải buông bỏ thì quyết đoán buông tay. Buông hạ được xuống thì mới có thể đi xa hơn. Có thể buông bỏ mới có thể đắc được.

Trong lòng không khuyết thiếu thì mới được gọi là phú, được người khác cần đến thì mới được gọi là quý. Người hiểu được khi cần thì buông bỏ mới thực sự là người hạnh phúc và giàu có vậy.

Con người sở dĩ sống không vui, không hạnh phúc thường là vì ba tật xấu: Quen phóng đại hạnh phúc của người; Quen phóng đại nỗi khổ của mình; Quen mang nỗi khổ hay khuyết điểm của bản thân ra so sánh với ưu điểm hay hạnh phúc của người khác. Do những cố tật này mà điều đáng sợ nhất trên thế gian chính là trong tranh giành, theo đuổi danh lợi tình mà đánh mất đi lý trí của bản thân. Khi đánh mất đi lý trí thì hết thảy mọi việc làm ra sẽ có hậu quả khôn lường. Cho nên, xem nhẹ, buông bỏ, không bị cám dỗ bởi vòng xoáy thế gian chính là cảnh giới cao của bậc trí giả.

“Buông” không nhất định là không quả quyết, càng không phải là lẳng lặng chấp nhận mà uất hận trong lòng. “Buông” càng không phải là buông thả, không phải là té ngã rồi thì cứ nằm luôn ở đó không dậy, càng không phải là mất đi quy phạm ước thúc, không còn kiêng nể điều gì, đánh mất nguyên tắc làm người. Bởi vậy “buông” là một loại cảnh giới tinh thần thản đãng, thong dong và tự tại.

Ở vào hoàn cảnh gian nan, chỉ có thản nhiên đối mặt và buông bỏ tư tâm, mới có thể bước ra vững chãi. Nếu e sợ cực khổ, sợ hãi khó khăn, bạn sẽ ở trong hoàn cảnh đó mà buông thả bản thân mình. Do đó “buông” ở đây là buông những mặt trái của nhân tính, buông sự yếu hèn, kiên trì chính khí và lý niệm của bản thân, từ đó mà có thể vô tư gánh vác. Con nhộng nhẫn nại ở trong kén cuối cùng mới có thể thành điệp, lưu lại vẻ đẹp cho cuộc đời. Hạt cát bởi vì chịu cảnh âm u ở trong thân con trai, cuối cùng mới trở thành ngọc quý.

Buông bỏ những khổ đau do mất mát mang đến, buông bỏ những thù hận do lăng nhục đem lại, buông bỏ những tranh cãi do thiếu nhường nhịn mà ra, buông bỏ những biện giải do hiếu thắng mà tới, buông bỏ những hy vọng quá xa do những điều hão huyền, buông bỏ những truy cầu tiền tài vật chất, buông bỏ tham vọng quyền uy, buông bỏ những dối trá khoa trương vướng víu. Chỉ có dũng cảm “buông” hết thảy những gì chấp nhất, dính mắc thì thế giới của bạn mới được rộng mở, “trời trong và nắng ấm” mới về, bầu trời mới quang đãng. Khi những “bụi bặm” đã được loại bỏ khỏi con đường chúng ta đi, khi hết thảy đã quay về với tĩnh lặng, chúng ta mới có thể thực sự hiểu được tầng ý nghĩa sâu xa của “buông”. Kỳ thực, đó mới là một loại thu hoạch vô giá!

“Khi bạn khép chặt hai bàn tay lại, trong tay bạn sẽ không có gì. Nhưng khi bạn mở hai bàn tay ra thì cả thế giới đều ở trong tay bạn!”

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: “Lùi một bước” là một loại cảnh giới cao thượng