Trong “Cầm, Kỳ, Thư, Họa” thì “Cầm” là nhạc cụ có dây ra đời sớm nhất trong lịch sử văn minh Trung Hoa. Ngày nay, nó được gọi là Cổ Cầm hay cũng được gọi là Thất Huyền Cầm.

Một chuyện cổ kỳ lạ về tiếng đàn siêu phàm thoát tục
(Tranh: Tống Huy Tông, Wikipedia, Public Domain)

Trong “Tân luận – Cầm đạo thiên” của tác giả Hoàn Đàm viết, Thần Nông Thị sau khi kế thừa thiên hạ đã dựa theo nguyên lý của vạn vật trong vũ trụ mà vót gỗ ngô đồng làm thân cầm, dùng dây tơ làm dây đàn, chế tác ra đàn cổ cầm đầu tiên. Cây đàn này, bên trên có thể thông với đức thần linh, bên dưới có thể dẫn đạo vạn vật hài hòa.

Cổ Cầm đã là chế tác của thánh hiền nên đương nhiên nó là công cụ để phát dương đạo đức, giáo hóa con người theo tinh thần của tiên hiền. Cũng bởi vì lẽ đó mà mỗi một bộ phận của Cổ Cầm đều bao hàm ý nghĩa đặc biệt, hòa hợp cùng với Thiên – Địa – Nhân. Cổ Cầm dài 3 xích 6 thốn 5 phân (khoảng 1,2m), đại biểu cho con số 365 ngày của một năm. Bề mặt đàn có hình vòm cung tượng trưng cho Trời tròn, phía dưới hình vuông tượng trưng cho Đất vuông. Hình dạng của Cổ Cầm là trước rộng sau hẹp, đây là ý nghĩa tượng trưng cho sự tôn ti.

Về âm vị của Cổ Cầm, trong “Cầm tiên” của Thôi Tôn Độ triều nhà Tống viết: “13 Huy tượng trưng cho các tháng trong năm, ở giữa tượng trưng cho nhuận”. Đó là vì Cổ Cầm vốn có 12 huy (âm vị) tượng trưng cho 12 tháng, còn huy lớn nhất ở giữa đại biểu cho Quân vương, tượng trưng cho tháng nhuận.

Cổ Cầm lúc ban đầu chỉ có 5 dây đàn, đối ứng với “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” trong Ngũ hành. Sau này, Chu Văn Vương và Chu Võ Vương đã lần lượt thêm 2 dây nữa tượng trưng cho quân và thần, tạo thành đàn có 7 dây như ngày nay. Học thuyết Ngũ hành cho rằng trong vũ trụ thì vạn sự vạn vật đều không thoát khỏi Ngũ hành, nên có thể thấy, bản thân Cổ Cầm chính là một tiểu vũ trụ.

Trong “Lễ Ký. Khúc Lễ Hạ” viết: “Sĩ vô cố bất triệt cầm sắt“, kẻ sĩ sẽ không vô cớ mà rời xa đàn sắt, đàn cầm. Thời Trung Hoa cổ đại, quý tộc có địa vị thấp nhất cũng phải biết đánh loại nhạc cụ này.

Cổ Cầm không hề giống như những loại nhạc khí khác dùng để thổ lộ các cung bậc tình cảm, mà hoàn toàn trái lại. Trong “Bạch Hổ Thông” viết: “Cầm giả, cấm dã, cấm chỉ vu ác, dĩ chính kỳ tâm“, nghĩa là người chơi đàn, cấm kỵ, cấm chỉ làm việc ác, để giữ cho cái tâm của bản thân được ngay chính. Cầm chỉ dùng cho tình cảm thuần khiết, để thanh trừ tà niệm. Kể cả người nghe tiếng đàn này cũng có thể đạt tới cảnh giới bình thản, tĩnh tâm, quên hết những lo toan sầu muộn nơi thế tục.

Hoàng Đế Hiên Viên từng tấu khúc nhạc “Thanh Giác” trên Tây Thái Sơn mà triệu tập Quỷ Thần. Đế Thuấn chỉ ngồi một chỗ gảy đàn ngũ huyền cầm, dùng khúc “Nam Phong” mà cảm hóa thiên hạ. Vào thời Xuân Thu, khi Bá Nha gảy Cổ Cầm khiến cho cá cũng phải ngoi lên nghe, ngựa cũng phải dừng ăn mà ngẩng đầu lên để thưởng thức.

Khi bị vây khốn tại nước Trần, Thái, trong lúc mọi người hoảng loạn vì hết lương thực, lo lắng bất an thì Khổng Tử chỉ làm một chuyện chính là “gảy đàn không ngừng nghỉ”, ca hát và dạy học, khiến cho hoàn cảnh được thanh tĩnh trở lại.

Thời Ngụy Tấn, có một nhạc gia nổi tiếng là Kê Khang bị vu cáo mà phải vào ngục. Đến ngày hành hình ông đã làm một việc có một không hai. Lúc đó thấy còn chút thời gian, Kê Khang đã xin huynh trưởng mang một cây Cổ Cầm tới rồi thong dong gảy khúc “Quảng lăng tán”. Bởi vì, Kê Khang cho rằng Cổ cầm là nhạc khí có “Đức” nhất, trong tất cả khí cụ, cầm đức là đứng đầu, nên ông đã dùng nhạc cụ này để bày tỏ nhân cách và tiếng lòng của bản thân.

Cổ Cầm chưa bao giờ là công cụ biểu diễn, mà là trực tiếp trở thành lễ khí hoặc thần khí. Người quân tử đánh đàn không phải vì để làm vui lòng người khác, mà là để tự mình lắng nghe. Trong quá trình diễn tấu, họ đối thoại với chính tâm linh của bản thân mình mà đạt tới cảnh giới hư nhất tĩnh.

Người gảy Cổ Cầm có thể đạt đến cảnh giới ấy, kỳ thực là bởi vì Cổ Cầm chính là một công cụ thông qua âm nhạc để câu thông Thiên – Địa – Nhân, đạt tới sinh mệnh và vũ trụ tương hỗ lẫn nhau, hòa hợp cùng nhau. Trong văn hóa truyền thống cổ xưa, mỗi một cây Cổ Cầm được xem là một thần khí có thể dẫn đạo con người trở về với thiên giới.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: