Không phải mọi tình cảm đều cần biểu đạt bằng lời nói. Không phải mọi trí tuệ đều có thể bắt đầu bằng câu hỏi. Có một thứ tình cảm gọi là ngậm miệng không nói, có một kiểu trí tuệ, gọi là biết mà không hỏi.

Có một kiểu trí tuệ gọi là "biết mà không hỏi"
(Ảnh minh họa: Supachai Panyaviwat, Shutterstock)

Chuyện khó xử không hỏi

Làm người làm việc không chỉ cần chú ý tới cái tâm nội tại ban đầu, mà còn cần chú ý tới phương thức và phương pháp. Trong quá trình giao thiệp giữa người với người, một trong những quy tắc đó chính là hãy tránh làm cho đối phương thấy khó xử. Dẫu biết mà không hỏi là thể hiện thiện ý và sự tôn trọng với đối phương.

Có hai người bạn cùng tới ăn cơm tại nhà hàng phương Tây, một người trong số họ vì không hiểu lễ nghi khi dùng bữa của người phương Tây nên vô cùng lúng túng. Lúc này bạn của anh ta hỏi: Trước giờ chưa từng ăn đồ Tây à? Tự nhiên đối phương cảm thấy không vui, mặt đỏ ửng lên. Bữa cơm ấy đột nhiên bị mất hứng, mối quan hệ giữa hai người sau này cũng không có tiến triển gì tốt đẹp.

Khi nói chuyện, làm việc cần đặt mình vào vị trí của người khác mà cảm nhận, những điều khiến đối phương cảm thấy khó xử thì không nên hỏi, không nên nói. Câu hỏi của bạn đối với họ mà nói không thể hiện sự quan tâm, không phải là niềm an ủi, mà là một lời chế giễu tự cao tự đại. Niềm an ủi lớn nhất dành cho họ lúc này là ngậm miệng không nói.

Trước mặt mọi người đừng khiến người khác cảm thấy xấu hổ. Những lời vô thưởng vô phạt của bạn có thể khiến người khác bị tổn thương về tâm lý, từ đó ảnh hưởng tới tình cảm của hai người và cảm quan của người khác về bạn. Họ sẽ cảm thấy trí tuệ cảm xúc của bạn rất thấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới mối quan hệ giao tiếp thông thường, mà còn ảnh hưởng tới công việc của bạn.

Những nỗi đau đừng hỏi

“Liễu Phàm Tứ Huấn” viết: “Tòng tâm nhi mịch, vô sở bất thông”, tìm từ trong tâm mình thì không có chuyện gì là không thông. Cần đối đãi với người khác bằng cả tấm lòng.

Nỗi đau của bản thân chỉ có thể tự mình nghiền ngẫm. Những lời hỏi han của bạn không thể giúp đỡ người khác, mà còn khiến họ hết lần này tới lần khác nhớ lại niềm thống khổ. Ai cũng đều có tâm hiếu kỳ, cho nên chúng ta thường vô cùng hứng thú với mọi chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Đương nhiên điều này cũng bao gồm cả nỗi đau của người khác.

Nhiều khi những lời chất vấn của chúng ta chỉ xuất phát từ sự tò mò, xuất phát từ tâm lý muốn khám phá, chứ không thực lòng vì muốn làm điều tốt đẹp cho người khác. Dẫu gặp phải sự tổn thương nào, thì bước đầu tiên của họ chính là sự khai thông về tâm lý. Lúc này cần những người xung quanh ít đề cập tới quá trình khiến họ bị tổn thương, nhằm tránh khiến tinh thần họ thêm thống khổ.

Những điều khiến người khác cảm thấy thống khổ không nên hỏi, đừng xây dựng “tâm hiếu kỳ” của mình trên nỗi đau của người khác. Bạn làm như vậy thì cũng đừng trách người khác coi “sự hiếu kỳ” của bạn thành điều ác ý.

Chuyện bí mật, riêng tư đừng hỏi

Điều khiến con người chán ghét nhất trên đời chính là bình luận chuyện riêng tư của họ. Đừng tuỳ tiện đào sâu vào những bí mật của họ, đặc biệt là cuộc sống gia đình họ. Khi muốn nói tự nhiên họ sẽ nói, nếu người khác không nói, thì dẫu biết, bạn cũng cần vĩnh viễn chôn sâu bí mật này.

Có hai đồng nghiệp trong một công ty vốn là bạn tương đối tốt. Vô tình một người biết được việc chồng người kia ngoại tình. Vậy nên cô cứ thường hỏi han tình hình của bạn và đề xuất cách giải quyết dù bạn thường hay lảng đi. Kết quả là bạn cô không vui, từ đó hai người trở nên xa cách.

Không ai thích người khác biết được bí mật của mình, dẫu là những người thân cận nhất. Giữa người thân, bạn bè khi chung sống với nhau cũng cần chú ý giới hạn, hãy chừa lại không gian riêng tư cho người ta. Không nghe không hỏi về bí mật của người khác, dẫu họ tiết lộ bí mật ấy với bạn, thì cũng đừng nên nhắc tới chúng sau lưng họ.

Không phải mọi sự quan tâm đều cần tới lời nói, không phải mọi sự săn sóc đều cần tới hành động. Đôi khi im lặng không nói mới là bậc trí tuệ.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: