Xét ở khía cạnh lịch sử, người Việt thuộc tuýp người lười đi ra khỏi không gian quen thuộc của mình. Lang thang đây đó, sống một thời gian ở đâu đó ngoài quê hương thường là một hình ảnh không đẹp đẽ, hoàn hảo trong mắt cộng đồng và bản thân người lang thang đó cũng phải gánh chịu nhiều bất lợi. Hình ảnh những người dân ngụ cư là một ví dụ.

Trong lịch sử Việt Nam thời trung đại và cận đại cũng hầu như không tồn tại những tầng lớp người lang thang sống nay đây mai đó như ăn xin ăn mày, nhà tu hành, nghệ sĩ, võ sĩ, người sống ngoài vòng pháp luật, văn sĩ… So với Nhật thì điểm này rất khác biệt.

Người Việt cũng đi du học muộn! Nếu loại trừ những người Việt sống trong thời Bắc thuộc sang Trung Quốc học, thi, làm quan (có lẽ số lượng cực nhỏ, vài người đến vài chục người là cùng) thì phải chờ đến đầu thế kỉ 20 người Việt mới bắt đầu biết đến du học thật sự! Khi đó những người yêu nước muốn tìm đường cứu nước cùng các công tử nhà giàu bắt đầu vượt trùng dương sang Nhật, Pháp du học. Những du học sinh ở Pháp tạo ra một số công chức trung và cao cấp, một số học giả, nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng kiệt xuất. Ở Nhật thì phong trào Đông Du sớm bị đàn áp và giải tán nhưng cũng tạo ra một tiếng vang lớn.

Nếu so với người Nhật thì như thế là rất muộn. Người Nhật đã chủ động du học từ trước đó hơn mười thế kỉ khi cử du học sinh tới học tại nhà Đường – Trung Hoa. Chính quyền Mạc Phủ Tokugawa trước khi sụp đổ trước Vương chính phục cổ – Minh Trị duy tân đã cử hàng trăm du học sinh tới Anh, Pháp, Mỹ học. Hầu hết những du học sinh này về sau đều trở thành anh hùng, chí sĩ, học giả, nhà hoạt động xã hội, quan chức kiệt xuất thời Minh Trị.

Du học với người Việt Nam là chuyện của thế kỉ 20.

Rất muộn. Tất nhiên chuyện học tiếng nước ngoài kể cả là chữ Hán cũng là câu chuyện muộn. Học tiếng Tây (Pháp, Anh…) còn muộn nữa.

Không chỉ muộn mà chiến tranh còn làm cho việc này bị gián đoạn. Có lẽ du học sinh Việt Nam ra nước ngoài nhiều nhất là giai đoạn các du sinh được gửi tới Đông Âu trong chiến tranh Việt Nam và 20 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Gần đây, du học đã trở thành một phong trào, một làn sóng lan tràn ở cả nông thôn và thành thị. Đi đâu cũng nghe người ta nói chuyện du học, chuyện con nhà nọ nhà kia lấy học bổng, lấy visa… Bờ tường, cột điện ở nông thôn, thành thị đều thấy dán các tờ rơi, áp phích quảng cáo “du học vừa học vừa làm”. Nhà nào con học giỏi thì đi bằng học bổng, nhà nào có điều kiện kinh tế thì du học tự túc, thậm chí nhà nào không có cũng cố gắng vay mượn mà cho con đi.

Lâu lâu báo chí lại đưa một vài tấm gương sáng chói nhờ du học mà thành công.

Nhưng thực sự nước ngoài có phải là thiên đường, nơi người Việt chỉ cần bước chân vào đó là trở nên lấp lánh?

Không! Ngàn lần không!

Với tư cách là người từng có 8 năm đi học, sống ở nước ngoài và “lăn lộn” ở nhiều môi trường khác nhau: giảng đường, nhà máy, công trường bốc vác, doanh nghiệp, nhà tù.., tôi khẳng định rằng “không”.

Đi du học bên cạnh chuyện hứa hẹn mở ra một cơ hội lớn để tiếp cận với văn minh (trong bối cảnh giáo dục ở quê hương gặp nhiều vấn đề) còn chứa đựng rất nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức lớn. Tạm kể:

– Bức tường ngôn ngữ, văn hóa.

– Sự cô đơn, nỗi buồn xa người thân, xa quê hương.

– Cảm giác choáng ngợp, tự ti, mặc cảm khi từ một nước đang phát triển tới một nơi hiện đại hơn, văn minh hơn.

– Bất lợi về tư bản xã hội (các mối quan hệ, các giá trị văn hóa, phong tục).

– Gánh nặng tài chính.

– Khoảng cách giữa kiến thức – kĩ năng nền tảng và mục tiêu, nội dung đào tạo của nước ngoài.

– Sự tha hóa, trụy lạc, ngã lòng của cá nhân trong đời thường và cuộc sống cá nhân.

– Con đường sau khi học xong: về hay ở, làm gì?

Trên thực tế, số người du học rồi thành công có lẽ nhỏ hơn rất nhiều so với những người du học rồi… thất bại! Tất nhiên thế nào là thành công hay thất bại còn thay đổi theo quan niệm từng người nhưng có thể liệt kê ra đây một số kiểu thất bại tiêu biểu.

– Đi ra nước ngoài nhưng không học được tiếng, không thi đỗ được vào trường chuyển tiếp nên phải về nước làm lại từ đầu. Nhiều người sau cú sốc này không gượng dậy được thành… phế nhân luôn.

– Học một trường làng nhàng ở nước ngoài, kiến thức, kĩ năng chẳng được bao lăm, tiếng tăm thì ú ớ kết quả là sau này đi làm những việc lặt vặt không phát triển được chuyên môn, không hoàn thiện được con người, giá trị tạo ra rất thấp. So với chi phí đã bỏ ra để ăn học thì… lỗ nặng ở cả phương diện cá nhân và xã hội.

– Học xong, lấy được bằng, về nước nhưng không tìm được việc làm phù hợp. Vào nhà nước thì không chấp nhận lương thấp, môi trường bon chen, đi làm ở ngoài thì không đủ bản lĩnh để cạnh tranh, không đủ sáng tạo để đi con đường riêng. Kết quả là cứ vật vờ nay chạy chỗ này mai sang chỗ khác.

– Học tốt, lấy bằng, về nước làm việc nhưng một thời gian thì chán nản vì thấy hiện thực khắc nghiệt và lớn lao quá. Cải tạo nó thì không đủ sức mà chấp nhận nó thì không cam. Thế là lâu dần đâm chán ngán, buồn nản, trầm uất, bi quan tiêu cực. Làm thì không dám, không làm được gì. Chấp nhận để sống như người khác cũng không thể. Kết quả sống trong giày vò. Một số tìm cách trở lại nước ngoài. Một số khác thì sống cuộc đời bất đắc chí, thậm chí không tham gia lao động, không giao tiếp xã hội.

– Học xong về vào một cơ quan nào đó. Làm chuyên viên, lâu dầu thành sếp nho nhỏ. Thích nghi tốt. Cuộc sống không có gì phàn nàn. Nhưng chuyện du học không có gì hữu ích lắm vì nó chẳng tạo ra một giá trị thặng dư nào ngoài phần kê khai lí lịch.

Nhiều người đã từng hỏi tôi tại sao nhiều người đi du học nhưng “vẫn thế”, tôi trả lời rằng đa số đi du học khi giá trị quan và văn hóa cơ bản đã “đúc bê tông”. Đi du học khi đã học xong THPT hay đại học tức là nhân cách, giá trị quan, tư tưởng đã hình thành cơ bản. Phải là những cá nhân xuất sắc lắm, hoặc có nhiều tố chất sẵn có thì mới thay đổi được những yếu tố này. Hoặc không chí ít trong cuộc sống họ phải có một biến cố lớn lao hay sự mất mát nào đó giống như một đòn giáng mạnh vào họ thì họ mới có thể nghĩ khác, sống khác. Con người là động vật hành xử, suy nghĩ theo thói quen. Khi thói quen đã “đúc bê tông” những thứ khác phủ lên cũng chỉ là một lớp sơn ở bên ngoài.

Chính vì vậy, du học cũng rất quan trọng nhưng cũng không phải là tất cả. Nhiều người không đi du học cũng vẫn giỏi, hào sảng, thông thái như thường. Cơ hội trong thời đại toàn cầu này chia đều cho cả người đi du học và người không! Không cần phải… cố! Cố quá thì khổ cho cả cha mẹ lẫn con cái, mức độ rủi ro cũng rất lớn tạo ra hệ lụy lâu dài.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Có nên cho con đi du học hay không?

Nen cho con du hoc khong 03

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video “Tuổi trẻ và sự lựa chọn nghề nghiệp”: