Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nếu ta đọc sách cho con thường xuyên và quan sát ta sẽ thấy cho dù trẻ thích sách và đọc đủ thứ, nói chung trẻ vẫn có xu hướng thích đọc đi đọc lại một cuốn nào đó. Chúng sẽ bắt bố mẹ đọc đi đọc lại cuốn đó đến mệt nhoài.

Không chỉ đọc nhiều lần trong ngày, nhiều lần trong tuần mà còn nhiều lần cùng một lúc. Vừa đọc xong đến trang cuối chúng lại bắt giở từ đầu đọc đi đọc lại đến phát… mệt. Vì đọc đi đọc lại như vậy, cộng với đầu óc nhanh nhạy của trẻ thơ, chúng có thể nhớ đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Bố mẹ có muốn chơi trò ăn gian khi đọc cũng không xong. Tôi đã thử nhảy cóc bỏ qua một vài câu hay thậm chí một vài từ khi đọc cho con nghe những cuốn chúng thích và kết quả là đều bị chúng “bắt bài” yêu cầu đọc lại. Bọn trẻ khi đó thường kêu “Ấy còn chỗ này bố chưa đọc”, “Từ từ, bố lại bỏ sót rồi”, “Ô, chỗ này bố đã đọc đâu?” và chúng chỉ vào đúng chỗ tôi đã bỏ qua.

Kì quái hơn là chúng thậm chí có thể thuộc cả mục lục cuốn sách dày cộp. Chẳng hạn, Cò, con trai cả của tôi năm nay 6 tuổi có thể đọc thuộc lòng mục lục (cả xuôi lẫn ngược) cuốn sách tập hợp các truyện cổ tích của Nhật có tên “Chuột giã bánh giầy” dù chưa biết chữ. Lý do là mỗi lần bố đọc cho nghe cu cậu đều yêu cầu bố phải đọc mục lục để chọn một, hai truyện. Nghe nhiều lần hắn thuộc luôn mục lục nhưng vẫn thích bố đọc lại mục lục để chọn. Và thế là mỗi khi bố nhảy cóc dù chỉ một dòng, hắn phát hiện ra ngay. Đối với người lớn, một cuốn sách mỏng của trẻ con với nội dung đơn giản đọc đi đọc lại một hai lần là… chán nhưng với trẻ con đó là cả một thế giới và có đọc bao nhiêu lần cũng không chán. Bởi thế, đối với trẻ thơ, việc đọc đi đọc lại một cuốn sách nào đó là rất bình thường.

Nhưng không chỉ có trẻ thơ mới làm như vậy.

Nhiều người lớn cũng đọc đi đọc lại cuốn sách nào đó trong suốt cuộc đời mình. Trong cuộc đời các bạn và tôi có thể đọc rất nhiều cuốn sách. Người nào đọc nhiều có khi đến cả vạn. Người đọc ít cũng phải vài trăm hoặc một hai nghìn cuốn. Tuy nhiên, tôi đoán chắc rằng trong số đó sẽ có những cuốn được yêu thích đặc biệt và đọc đi đọc lại.

Một cuốn sách có thể được tác giả sửa chữa, bổ sung, chỉnh lý nhiều lần và mỗi lần có thể có những điểm mới nhất là sách học thuật, sách phi hư cấu. Mỗi lần có bản mới ta có thể đọc để cập nhật thêm thông tin, góc nhìn của tác giả. Tuy nhiên, ngay cả là sách phi hưu cấu (thơ, tiểu thuyết, kịch) và các sách mà tác giả qua đời đã lâu, ta vẫn có thể và nên đọc đi đọc lại. Nội dung sách vẫn vậy nhưng bối cảnh đọc nó sẽ khác nhau. Hai mươi năm trước ta ngồi đọc nó dưới ánh đèn dầu tù mù và tiếng côn trùng kêu rỉ rả nơi thôn quê với lũy tre đen sẫm trước mặt và bây giờ ta đọc nó dưới ánh đèn led sáng trắng ở thị thành. Hai hoàn cảnh đó sẽ tạo ra những cảm xúc, suy nghĩ, liên tưởng khác nhau.

Khi ta còn là một thanh niên 20 tuổi, cảm xúc dạt dào trong lồng ngực, tâm hồn phơi phới và khao khát khám phá cuộc sống ta đọc cuốn sách với một tâm thế khác, suy nghĩ khác. Sau này khi ta gần bước vào tuổi trung niên ngồi trước cuốn sách với bao nhiêu trải nghiệm của cuộc sống có cả đắng cay, thất bại, cả hi vọng và luyến tiếc của quãng đời thơ ấu, tuổi trẻ, ta sẽ lại đọc cuốn sách yêu thích ấy với một tâm thế, cảm xúc và những liên tưởng khác. Mỗi thời điểm đọc đó, với bao nhiêu biến động thời cuộc và không khí thời đại xung quanh, với những cảm xúc và trải nghiệm cá nhân hòa trộn, ta sẽ có những trải nghiệm khác cho dù cùng là một cuốn sách. Thế nên, có những cuốn sách ta sẽ đọc đi đọc lại. Đấy thường là những cuốn sách đã từng gây cho ta ảnh hưởng sâu sắc hay cuốn sách ta thích.

Khi có con, tôi đã đọc lại rất nhiều cuốn sách mà tôi đã từng đọc hồi thơ bé. Cảm xúc và những kỉ niệm ùa về rất nhiều. Có khi nghẹn lời. Tuổi thơ nghèo khó nơi thôn dã. Những cuốn sách bố phải đạp xe 20 km đi mua. Những cuốn sách tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần đến nhàu nát. Khi đọc lại những cuốn sách đó cho dù hình hài đã khác, tôi như được sống lại tuổi thơ một lần nữa. Hơn nữa, sau rất nhiều khổ đau, cay đắng và thất bại của cuộc đời, khi đọc lại những cuốn sách ấy, tôi tìm thấy ở đó những tầng nghĩa mới. Tây du ký, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Robinson Crusoe, Ruồi trâu… Những cuốn sách trước kia tôi đã đọc giờ đây lại được tôi đọc cho các con nghe. Cho dù nội dung sách không thay đổi, nó vẫn đem lại cho tôi những cảm xúc mới và làm tôi nhận ra nhiều tầng nghĩa mới cùng những thông điệp mà trước kia khi còn nhỏ, tôi đã không nhận ra, không hiểu được hoặc không nghĩ đến.

Người lớn có thể đọc đi đọc lại nhiều lần cuốn sách mà họ yêu thích và nên như thế. Đọc sách phải luôn gắn liền với suy ngẫm và liên tưởng. Ở ý nghĩa ấy, thành công của người đọc sách có khi nằm ở chỗ họ tìm được những cuốn sách hay mà họ có thể đọc đi đọc lại nhiều lần trong cuộc đời mình kể cả lúc khổ đau, buồn chán, tuyệt vọng hay hạnh phúc.

Có thể mỗi lần đọc lại cuốn sách lại cho ta thêm động lực, sức mạnh để vượt qua khó khăn, hoặc nó cũng có thể an ủi nỗi niềm sâu kín ở trong lòng mà ta không thể nói với ai ngay cả với những người xung quanh.

Nếu bạn yêu thích cuốn sách nào đó đặc biệt hãy đọc đi đọc lại nó trong cuộc đời mình và suy ngẫm thật sâu về nó.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: