Năm 1738 chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, gọi là Chúa Võ. Đây là vị Chúa thứ 8 của Đàng Trong, lúc đầu được xem là một vị minh quân, kế tục các đời chúa Nguyễn trước đó, mở cõi về phương nam. Tuy nhiên cuối cùng Chúa Võ đã không thể vượt qua họa nữ sắc.

Cơ nghiệp 8 đời chúa Nguyễn sụp đổ vì họa nữ sắc
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Từ minh quân mở cõi đến u mê vì họa nữ sắc

Lúc đầu dưới sự trị vì anh minh của Chúa Võ, Cao Miên liên tục phải dâng đất. Đến năm 1758, cả vùng đất Nam bộ thuộc về chúa Nguyễn, công cuộc nam tiến qua 8 đời chúa Nguyễn đến đây đã hoàn tất.

Nhớ lại thời điểm tháng 10/1558 thời Chúa Nguyễn đầu tiên, Nguyễn Hoàng chỉ có hai vùng đất là Thuận Hóa và Quảng Nam còn hoang sơ chưa được khai phá. Đúng 200 năm sau, trải qua 8 đời Chúa Nguyễn, lãnh thổ Đàng Trong đã vô cùng rộng lớn, trải dài hết vùng đất Nam bộ đến tận vùng cực nam, định hình cho nước Việt Nam ngày nay. Đó là công lao các đời Chúa Nguyễn mà thành.

Nhưng sau khi hoàn tất việc mở cõi, Chúa Võ đã bước vào tận hưởng cuộc sống xa hoa. Cậu ruột của Chúa là Trương Phúc Loan tìm cách đưa Chúa vào vòng nữ sắc, để mình nắm lấy quyền hành. Thấy em họ của Chúa là Nguyễn Phúc Ngọc Cầu là người có vẻ đẹp kiều diễm, đài các, Phúc Loan liền tạo điều kiện cho Ngọc Cầu thường xuyên vào Phủ Chúa để gần gũi và quyến rũ chúa Võ.

Chúa Võ không vượt qua được ải nữ sắc mà loạn luân với em họ của mình, từ đó không còn thiết tha với việc triều chính nữa. Trương Phúc Loan cũng tạo mọi điều kiện cho Chúa Võ ăn chơi, còn mọi việc triều chính để ông ta xử lý giúp.

Gian thần nắm quyền, dân chúng ca thán

Trương Phúc Loan trở thành quyền thần khét tiếng, nắm mọi quyền hành thao túng Đàng Trong, tha hồ vơ vét quốc khố. Các nguồn thu chính cho quốc khố là thuế ở cảng sông cảng biển, tài nguyên khoáng sản. Trương Phúc Loan chỉ nộp quốc khố 1, 2 phần, còn lại thì bỏ vào túi riêng. Loan cũng bán chức quan, chạy ngục để thu tiền, vì thế mà tài sản của ông ta nhiều không kể xiết.

Tương truyền có năm nước lũ lên làm ngập một dinh thự của Trương Phúc Loan, khi nước rút ông ta đem vàng bạc ra sân phơi khiến sáng cả một góc trời.

Đàng Trong đang hưởng cảnh thái bình, trù phú bỗng trở nên điêu tàn, quốc khố đầy ắp trở nên trống rỗng, người dân ca thán gọi Trương Phúc Loan là Trương Tần Cối (Tần Cối là gian thầ hãm hại Nhạc Phi thời nhà Tống).

Gian thần và mỹ nữ cấu kết với nhau

Ngọc Cầu được Chúa sủng ái bậc nhất, thủ thỉ bên tai Chúa cất nhắc người nhà nắm lấy quyền hành bổng lộc. Ngọc Cầu sinh được con trai đặt tên là Nguyễn Phúc Thuần với hy vọng sau này sẽ nối ngôi.

Tuy nhiều nhiều vị quan nói rằng công tử Thuần là kết quả của việc loạn luân, nếu để Phúc Thuần lên ngôi thì lịch sử sẽ ghi lại vết đen loạn luân của Chúa. Chính vì thế mà Chúa Võ lập Nguyễn Phúc Luân (cha của vua Gia Long sau này) làm người kế vị.

Trương Phúc Loan lo lắng vì Nguyễn Phúc Luân đã lớn tuổi lại thông minh, nếu lên ngôi sẽ không thể uy hiếp được. Ngọc Cầu thì lại muốn con trai của mình nối ngôi. Chính vì thế mà cả Trương Phúc Loan và Ngọc Cầu đều muốn lật đổ Phúc Luân để đưa Phúc Thuần lên ngôi.

Năm 1765, Chúa Võ mất, di chiếu truyền ngôi cho Nguyễn Phúc Luân. Tuy nhiên Ngọc Cầu và Trương Phúc Loan không loan báo sự việc, không phát tang ngay. Ngọc Cầu cùng anh em của mình và Trương Phúc Loan đã cho 100 võ sĩ chuẩn bị sẵn trong vương phủ gây ra cảnh tàn sát rồi bắt giam Nguyễn Phúc Luân lại, về sau Nguyễn Phúc Luân chết trong ngục. Ngọc Cầu đưa con trai là Nguyễn Phúc Thuần mới 11 tuổi lên ngôi.

Từ đó Đàng Trong bị Trương Phúc Loan và Ngọc Cầu thâu tóm, ngày càng suy yếu và bị mất vào tay quân Tây Sơn. Cơ nghiệp 8 đời Chúa Nguyễn bị mất vì họa nữ sắc.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Có một loại đức hạnh trong hôn nhân gọi là Nhẫn”: