Từ “nhạc giao hưởng” của phương Tây bắt nguồn từ một từ Hy Lạp cổ, nghĩa là “cùng vang lên”, “hợp tấu”. Bắt nguồn là những bản overtue mở đầu cho các vở opera tại Ý, nhạc giao hưởng hấp thụ tinh hoa âm nhạc phương Tây trong thời kỳ văn nghệ Phục Hưng. Trải qua thời kỳ Baroque, cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn, hơn hai trăm năm qua nhạc giao hưởng phương Tây đã dần dần phát triển một cách hoàn thiện và trở thành kinh điển. Quy mô của nó hùng vĩ, hoành tráng, khí thế lay động lòng người. Điều ấy làm người phương Đông không khỏi tự hỏi: phương Đông có nhạc giao hưởng không?

Những cổ khúc phương Đông được lưu truyền tới hiện nay, đa phần là không có những tác phẩm âm nhạc của nhiều nhạc cụ, không có hòa âm phối khí. Rất nhiều nhạc cụ phương Đông thường được biểu diễn đơn độc, mang đậm tính truyền cảm cá nhân và thể hiện nội tâm cũng như sự tu dưỡng của người nhạc sĩ. Tuy vậy, trong các họa phẩm cổ đại, chúng ta thấy rằng rất có thể hình thức giao hưởng đã từng tồn tại ở phương Đông nhiều năm về trước. Ví dụ như trong các bích họa Đôn Hoàng từ thời nhà Đường, người ta có thể tìm thấy dàn nhạc với các bộ nhạc cụ hơi, dây, gảy, gõ góp mặt.

Có nhạc giao hưởng phương Đông cổ đại không?
Một phần của một bức bích họa tại Đôn Hoàng. (Tranh: Public Domain)

Trong âm nhạc truyền thống của Trung Hoa, hùng tráng nhất không gì ngoài nhạc cung đình. Hơn nữa những đại khúc trong yến tiệc thời nhà Đường lại đạt được thành tựu cao nhất trong nghệ thuật ca vũ cung đình thời cổ đại.

Nhà Đường là thời kỳ đạt đến đỉnh cao của văn hoá Trung Hoa, kế thừa 7 bản nhạc cung đình thời nhà Tuỳ, rồi phát triển từ đó. Các nhạc công diễn tấu trong dàn nhạc có cả các kỹ thuật ngồi và đứng biểu diễn. Đỉnh cao của âm nhạc cung đình thời này là khúc Nghê Thường, quy tụ 180 người diễn tấu, với nhiều loại nhạc cụ khác nhau, về quy mô thậm chí vượt quá cả dàn nhạc giao hưởng phương Tây.

Có nhạc giao hưởng phương Đông cổ đại không?
Một dàn nhạc nhỏ trên một bức bích họa trong mộ cổ. (Tranh: Public Domain)

Những khúc nhạc nổi tiếng thời đó như “Tần Vương phá trận nhạc”, “Nghê Thường vũ y khúc” nổi danh tới tận Nhật Bản, khu vực Tây Á và Ấn Độ. Tương truyền khi Đường Tăng tới Ấn Độ thỉnh kinh, còn được cao tăng Ấn Độ hỏi về khúc “Tần Vương phá trận nhạc”. Điều đáng tiếc là những tuyệt phẩm này lại không được lưu truyền lại.

Nhạc giao hưởng cổ đại cũng không phải thời nhà Đường mới có. Khổng Tử nghe nhạc cung đình ở Tề, thưởng thức xong khoan khái, miệng không còn biết vị thịt, cảm động than rằng: “Không ngờ nhạc lại có thể đạt đến cảnh giới cao siêu kỳ diệu như thế này!”. Chuyện này được ghi chép rõ ràng trong Luận Ngữ. Thiều nhạc vận dụng những nhạc cụ phương Đông cổ điển như chuông, khánh, huân (nhạc cụ có nhiều lỗ), sáo trúc, tiêu, khèn, cổ cầm, đàn tranh, mõ, trống cùng hợp tấu, để phù hợp với bát âm trong âm nhạc cổ về kim, thạch, thổ, mộc, ti, cách, bào, trúc.

Như vậy nếu tính nghiêm khắc, thì nền âm nhạc giao hưởng tại phương Đông ra đời sớm hơn phương Tây từ 1.000 đến 2.000 năm, lưu truyền theo hình thức âm nhạc cung đình, và bị thất truyền trong lịch sử. Lý giải về sự thất truyền này, có lẽ phải nói một chút về dòng chảy âm nhạc phương Đông và phương Tây.

Khái niệm về tiết tấu, giai điệu, hoà thanh và âm sắc trong âm nhạc phương Đông cũng tương đồng với phương Tây, nhưng hoà âm (hay hòa thanh) là đặc trưng độc đáo của âm nhạc phương Tây. Hoà âm là gì? Nếu ví giai điệu như những nốt nhạc chảy trôi theo chiều ngang, thì hoà âm lại là những nốt nhạc có cao độ khác nhau cộng hưởng một cách mỹ diệu trong cùng một thời điểm theo chiều dọc.

Lịch sử của kỹ thuật này bắt nguồn sớm nhất từ những bài thánh ca của phương Tây từ thế kỷ thứ 9. Các nhạc sỹ có tín ngưỡng bắt đầu từ việc thêm vào những giai điệu quãng 4 hoặc quãng 5 song song bên dưới giai điệu một dòng của bài thánh ca. Giai điệu thêm vào này và giai điệu vốn có cấu thành một tổ hợp “phức âm” đơn giản. Từ đó các lớp âm khi ngâm vịnh những bài thánh ca này càng thêm phong phú, âm thanh càng thêm hòa hợp.

Sau này, cùng với sự xuất hiện của nhiều bộ nhạc cụ, âm nhạc phương Tây dần dần hoàn thiện về lý luận hòa âm, phối khí.

Trong khi đó, ở phương Đông, nhiều nhạc cụ Trung Hoa thông dụng về cơ bản đều là những nhạc cụ âm cao, thích hợp để độc tấu, âm vực cũng tương tự nhau, nên khi hoà tấu rất dễ “công kích” lẫn nhau. Sự khác nhau về âm sắc kỳ thực chính là tính chất của bản thân nhạc cụ. Những nhạc cụ âm trầm làm bè đệm rất thiếu hụt.

Bên cạnh đó, văn hóa Trung Hoa phát triển theo hướng mỗi triều đại là một triều văn hóa, một triều phục sức, một triều dân chúng, và nhạc cụ cũng là như vậy. Điều này biểu hiện trong các loại nhạc cụ và âm nhạc đa dạng: Từ cổ nhạc thời Tam Hoàng Ngũ Đế cho tới nhạc chuông khánh thời Tiên Tần; từ “Thi Kinh”, “Sở Từ” thời Tây Chu, Xuân Thu cho tới nhạc phủ thời Hán; từ đại khúc ca vũ Tuỳ Đường cho tới âm nhạc từ điệu thời Tống; từ hý khúc tạp kịch triều Nguyên cho tới sự phồn vinh của dân ca thời Minh Thanh; từ tiểu khúc, hát xướng và sự phát triển Thanh Khang khắp các địa phương, và sự ra đời của Kinh Kịch. Hình thức âm nhạc của mỗi một triều đại đều vô cùng khác biệt. Có lẽ đây cũng là một nhân tố khiến nhạc cụ và âm nhạc Trung Hoa phát triển trên một con đường không để lại hệ thống.

Ngày nay, người ta biết tới âm nhạc Trung Hoa hầu hết chỉ ở hình thức độc tấu hoặc hợp tấu, cùng lắm cũng chỉ là những loại nhạc cụ khác nhau dẫn tấu, độc tấu theo từng phân đoạn, mà không coi trọng lắm tới việc kết hợp chúng lại với nhau. Hơn nữa kiểu hợp tấu này đa phần là cùng một giai điệu, là sự cộng hưởng thanh âm tự nhiên của những loại nhạc cụ khác nhau. Điều này khác xa so với việc hòa âm phối khí của phương Tây.

Tuy vậy, âm nhạc Trung Hoa chịu ảnh hưởng của sự đa dạng trong lịch sử, lại mang đặc điểm “Nhất phương thuỷ thổ, nhất phương nhân” (một phương trời đất, một phương con người), nên mang theo nguồn cảm hứng vô cùng phong phú. Từ những đỉnh núi cao vời vợi cho tới những dòng sông dài phẳng lặng, từ nơi cao nguyên giá lạnh trời tuyết đất sương tới nơi khí hậu đại dương ấm áp, nhu nhuận. Vài chục triều đại, hơn 50 dân tộc, Đông Nam Tây Bắc, tự cổ chí kim, trên mảnh đất Hoa Hạ rộng lớn đã có sẵn trong mình thanh âm giao hưởng của nền văn minh 5000 năm. Nơi đây có niềm bi ai, xót thương cuộc đời, con người, và cái tiên phong đạo cốt của âm nhạc tôn giáo; có sự nho nhã, tiêu diêu của âm nhạc văn nhân; có âm hưởng hùng tráng của âm nhạc cung đình; có ý vị mãn nguyện của âm nhạc dân gian; là dòng suối sáng tạo phong phú nhất.

Hiện nay trên thế giới, Dàn nhạc giao hưởng Shen Yun là dàn nhạc giao hưởng bậc nhất đã thành công kết hợp những tinh tuý trong âm nhạc chính thống của phương Đông với phương Tây, dùng nhạc giao hưởng của phương Tây làm nền tô điểm cho nét đặc sắc của nhạc khí Trung Hoa.

Từ buổi diễn đầu tiên vào năm 2012 tại phòng hoà nhạc Carnegie Hall New York tới nay, hàng năm Dàn nhạc giao hưởng ShenYun đều lưu diễn khắp Bắc Mỹ và Châu Á. Tiết mục bao gồm những bản nhạc do Shen Yun sáng tác và các bản nhạc kinh điển của phương Tây.

Video giới thiệu một trích đoạn của âm nhạc Shen Yun:

Thiên Cầm biên dịch