Trong sách “Khổng Tử gia ngữ” viết rằng: “Kết giao qua lại với phẩm hạnh tốt thì giống như bước vào gian phòng đầy Chi Lan thơm ngát, lâu ngày không còn ngửi thấy mùi thơm nữa; kết giao qua lại với người xấu thì giống như bước vào cửa hàng bán cá muối, lâu dần sẽ không còn ngửi thấy mùi ôi nữa”. Lâu ngày không ngửi mùi thơm, là bởi vì đã bị hương thơm đồng hóa, phẩm đức được hun đúc mà trở nên cao quý. Lâu ngày không ngừi thấy mùi ôi nữa, là vì đã bị mùi hôi đồng hóa, con người cũng vì vậy mà không cảm giác được điều không tốt nữa rồi. Chính là ngoại cảnh có thể tác động tới con người, đặc biệt trong giáo dục trẻ thì việc kết bạn và hoàn cảnh sống có ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng đạo đức của con.

Cổ nhân dạy con: Chọn bạn kết giao, chọn hoàn cảnh sống
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Lúc nhỏ, khả năng bắt chước của con người là mạnh nhất, tâm thì lại trong sáng như tờ giấy trắng, chưa hình thành quan điểm đúng sai hoặc thiện ác, tiếp xúc với người như thế nào thì sẽ tự nhiên bắt chước lời nói và hành vi của người đó, một khi đã hình thành thói quen thì rất khó sửa. Vì vậy, người xưa rất coi trọng việc chọn người thầy tốt, bạn tốt hay hoàn cảnh sinh sống tốt để đặt định nền tảng giáo dục cho trẻ. Hoàn cảnh sống tốt ở đây không phải là một nơi giàu có, mà là nơi mọi người có tâm thái tốt, có bình diện đạo đức cao. Điều này đã trở thành một phương pháp thường thức và sáng suốt nhất trong việc giáo dục trẻ em truyền thống.

“Mưa dầm thấm đất”, một khi đã đặt được nền móng tốt thì trẻ sẽ dần biết phân biệt được thiện ác tốt xấu đúng sai, khi trưởng thành chúng tự nhiên sẽ không dễ bị ảnh hưởng xấu khi đối mặt với xã hội và nhân tâm phức tạp. Thậm chí một số người nhờ nền tảng tốt có thể làm được “gần bùn mà chẳng nhiễm mùi bùn”.

Khổng Tử từng nói: “Lý nhân vi mĩ, trạch bất xử nhân, yên đắc trí?”, ý nói ở nơi có nhân đức là tốt đẹp, sống nơi thiếu nhân đức sao gọi là có hiểu biết được. Môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến con người, nếu chọn nơi có phong hóa nhân hậu thì trong bất tri bất giác cũng sẽ bị ảnh hưởng mà trở nên tốt đẹp.

Thi nhân Đào Uyên Minh đời Tấn viết trong bài “Di cư” rằng:

Tích dục cư Nam thôn,
Phi vị bốc kỳ trạch,
Văn đa tố tâm nhân,
Lạc dữ số triêu tịch.

Tạm dịch:

Trước muốn ở Nam thôn
Không chọn vì xem bói,
Mà biết có nhiều người lương thiện,
Nên muốn sớm tối chơi cùng.

Đào Uyên Minh là một thi sĩ nổi tiếng trong lịch sử. Ông thiên sinh yêu thích đạo, luôn muốn tránh xa cuộc sống trần tục. Ông đặc biệt tránh xa những xô bồ, náo nhiệt ở nơi phồn hoa đô thị, luôn mong muốn có một hoàn cảnh sống tĩnh lặng, an nhiên.

Tất nhiên cũng có những bậc Thánh nhân có thể thay đổi hoàn cảnh sống. Chẳng hạn Sử Ký chép rằng, vua Thuấn là người nhân đức, có thể làm thay đổi mọi người xung quanh. Vua Nghiêu gả hai con gái cho Thuấn, hai con gái đều không kiêu mạn, giữ đạo làm vợ. Chín người con trai của vua Nghiêu tiếp xúc với Thuấn đều ngày một thuần hậu, kính cẩn. Thuấn cày ở Lịch Sơn thì người Lịch Sơn đều nhường bờ ruộng; bắt cá ở Lôi Trạch thì người Lôi Trạch đều nhường chỗ ở; làm gốm ven Hoàng Hà thì đồ gốm ven Hoàng Hà đều không còn thứ thô xấu. “Sau một năm thì nơi Thuấn ở thành thôn xóm, sau hai năm thành thành ấp, sau ba năm thành đô thị”.

Ngoài ra, cũng có những người có thể vượt lên khỏi nghịch cảnh. Dù bản thân bị người ta chèn ép và bị đối xử bất công, người đó vẫn nỗ lực và có được thành tựu. Dù vậy đây phải là người trưởng thành, hoặc là trẻ con được cha mẹ giáo dục nghiêm khắc, có khả năng phân biệt thiện ác đúng sai. Đại đa số người ta đều có xu hướng “nước chảy bèo trôi”, khó mà có thể kiên định nếu không có một nền tảng giáo dục vững chắc. Ngay cả người trưởng thành cũng có lúc không nắm bắt được. Cho nên một người vẫn cần phải cẩn thận lựa chọn hoàn cảnh sống và kết giao bạn bè. Giữa người với người là có tác động ảnh hưởng lẫn nhau, càng thân cận thì sự ảnh hưởng này càng lớn.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: